Chuyển lãi thành lỗ khủng
Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Hiệp Phước (Hiệp Phước Corp) nằm ở huyện Nhà Bè với tổng diện tích 1.686ha. Đây là khu công nghiệp có diện tích lớn nhất của TP.HCM. Tiền thân của HIPC là dự án Khu công nghiệp Hiệp Phước của Công ty TNHH MTV Phát triển Công nghiệp tân Thuận (IPC), một doanh nghiệp Nhà nước của TP.HCM.
Khu công nghiệp Hiệp Phước - Nhà Bà (TP.HCM)
Hiện nay, Tân Thuận vẫn là cổ đông lớn nhất chiếm 30,5% cổ phần HIPC, ngoài ra còn có một cổ đông khác là công ty Cổ phần Đầu tư Xây dựng Tuấn Lộc nắm giữ 33,3% cổ phần.
Mới đây, HPIC đã công bố báo cáo tài chính đã soát xét 2019 với kết quả thua lỗ nặng nề. Đáng chú ý, mức lãi sau thuế hơn 180 tỷ đồng của công ty đã trở thành khoản lỗ lên đến gần 788 tỷ đồng sau kiểm toán.
Cụ thể, tổng doanh thu của HPIC tăng nhẹ 3% sau kiểm toán, đạt 716 tỷ đồng nhờ công ty đã trích trước một phần khoản dự thu của doanh thu hoạt động tài chính. Tuy nhiên tổng chi phí của công ty lại cao gấp 3 lần, lên tới hơn 1,503 tỷ đồng khiến HPI ghi nhận khoản lỗ lên đến 788 tỷ đồng, cách xa so với mức lãi 180 tỷ đồng mà công ty đã báo cáo trước đó.
Theo giải trình của HPIC, tổng chi phí tăng cao là do công ty đã cập nhật lại giá vốn cho thuê đất Khu Công Nghiệp Hiệp Phước giai đoạn 1 và 2 theo đơn giá nộp tiền thuê đất một lần cho nhà nước đã được Sở Tài Nguyên và Môi Trường TP.HCM đệ trình lên Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM ngày 22/8/2019 với số tiền 712 tỷ đồng và ghi nhận khoản dự phòng trị giá 275 tỷ đồng.
Trong cơ cấu doanh thu thuần của công ty, doanh thu từ cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng - giai đoạn 2 chiếm tỷ trọng lớn nhất (gần 73%) đạt 463 tỷ đồng, ngoài ra còn có doanh thu từ cho thuê đất đã phát triển cơ sở hạ tầng - giai đoạn 1 đạt 116 tỷ đồng.
Với mức lỗ 788 tỷ đồng trong năm 2019, khoản lợi nhuận sau thuế chưa phân phối lũy kế trên báo cáo tài chính của HIPC hiện âm 745 tỷ đồng.
HIPC đang phải gánh khoản nợ hơn 3.500 tỷ đồng vào cuối năm 2019, tăng 40% so với thời điểm đầu năm. Đáng chú ý, nợ ngắn hạn của công ty đạt gần 2.895 tỷ đồng, tiếp tục vượt đến 163% so với tài sản ngắn hạn.
Kiểm toán đưa ra ý kiến ngoại trừ...
Ngoài ra, kiểm toán có nêu ý kiến ngoại trừ liên quan đến việc chưa ghi nhận khoản lãi chậm thanh toán từ CTCP Hùng Hương theo các hợp đồng thuê đất có liên quan. Tại ngày lập BCTC, công ty vẫn đang trong quá trình làm việc với Hùng Hương để quyết toán giá trị cần ghi nhận.
Dựa trên thông tin hiện có, kiểm toán cho biết không thể thu thập đầy đủ bằng chứng kiểm toán thích hợp về tính đầy đủ của khoản lãi chậm thanh toán được ghi nhận tại ngày 31/12/2019, do đó kiểm toán không thể xác định liệu có cần thiết điều chỉnh khoản mục nói trên hay không.
Cùng với đó, kiểm toán còn nhấn mạnh việc sử dụng đơn giá tiền thuê đất tạm tính là 1,764 triệu đồng/m2 theo hồ sơ thẩm định phương án giá đất được Sở Tài Nguyên và Môi Trường đã đệ trình lên Hội đồng thẩm định giá đất TP.HCM ngày 22/8/2019, để ghi nhận giá vốn của hoạt động cho thuê lại đất và nghĩa vụ nộp tiền thuê đất cho Nhà nước.
Theo đó, công ty đã ghi nhận thêm một khoản trị giá hơn 712 tỷ đồng vào giá vốn hàng năm do ảnh hưởng của việc cập nhật ghi nhận tăng tiền thuê đất nêu trên so với những năm trước.
Thêm vào đó, công ty cũng ghi nhận khoản dự phòng trị giá 275 tỷ đồng liên quan đến các hợp đồng cho thuê lại đất đã ghi nhận doanh thu hàng năm, phát sinh từ việc điều chỉnh tăng đơn giá tiền thuê đất nêu trên. Vào ngày lập BCTC này, công ty vẫn đang trong quá trình làm việc với các cơ quan có thẩm quyền của TP.HCM để xác định giá thuê cuối cùng.