Các bệnh cơ xương khớp có các triệu chứng như đau, sưng khớp, hạn chế tầm vận động, yếu và đau cơ, biến dạng xương… Người bệnh ban đầu thường chủ quan với những triệu chứng nhẹ, chỉ đến bệnh viện khi cơn đau vượt ngưỡng chịu đựng. Nếu không điều trị kịp thời, tổn thương hệ thống xương khớp có thể để lại nhiều di chứng nguy hiểm.
Bệnh về cơ xương khớp rất đa dạng với 200 loại bệnh, được chia thành 2 nhóm chính bao gồm:
- Bệnh do chấn thương như tai nạn giao thông, tai nạn lao động, tai nạn sinh hoạt, chấn thương thể thao...
- Bệnh không do chấn thương gồm các bệnh lý như bệnh tự miễn hệ thống (viêm khớp dạng thấp, viêm khớp cột sống, lupus ban đỏ hệ thống, viêm cơ tự miễn, xơ cứng bì), viêm khớp tinh thể (bệnh gout), những loại bệnh thoái hóa xương khớp, viêm gân, u xương…
Một chế độ ăn uống phù hợp có thể làm giảm khả năng mắc bệnh xương khớp hoặc hỗ trợ cải thiện tình trạng bệnh. Ngược lại, cũng có những loại thực phẩm nên tránh để không khiến bệnh xương khớp thêm nặng.
Bị xương khớp nên kiêng gì?
1. Thịt đỏ
Trong thịt đỏ chứa nhiều protein động vật, có thể khiến cơ thể khó hấp thu và tăng nguy cơ mắc bệnh viêm khớp. Cụ thể, các nghiên cứu cho rằng, nếu ăn thịt đỏ quá 5 lần/tuần thì sẽ tăng nguy cơ mắc bệnh xương khớp gấp 3 lần người bình thường.
Các loại thịt đỏ bao gồm: thịt lợn, thịt bò, thịt dê, thịt cừu…thì nên hạn chế. Còn lại, cơ thể cần phải hấp thụ đủ protein trong thịt gà, cá... để không ảnh hưởng tới sức khỏe tổng thể.
2. Nội tạng động vật
Nội tạng động vật chính là loại thực phẩm mà người mắc bệnh xương khớp cần tránh xa. Trong nội tạng động vật có chứa nhiều sắt, đạm và axit uric, là nguyên nhân chính gây ra bệnh gout, thoát vị đĩa đệm.
3. Đồ ăn nhanh và đồ ăn dầu mỡ
Đồ ăn nhanh và đồ ăn chiên rán chứa nhiều cholesterol xấu và chất béo bão hòa. Đây là nguyên nhân chính gây ra bệnh béo phì. Đồng thời, nó cũng làm tăng khả năng viêm nhiễm ở vùng khớp và có thể thúc đẩy các cơn đau ở người mắc bệnh xương khớp. Do đó, người bệnh nên tránh những loại thực phẩm này.
4. Đồ ăn quá mặn hoặc chua
Những người mắc bệnh xương khớp cũng nên hạn chế những loại thực phẩm có vị quá mặn hoặc chua. Lý do là bởi việc ăn mặn sẽ tăng hàm lượng natri, làm giảm khả năng hấp thụ canxi của cơ thể. Đồng thời, khiến các tế bào khớp tích trữ muối urat, làm tăng nguy cơ mắc bệnh gout, khiến khớp sưng đau.
Ngoài ra, những món ăn chua lên men có chứa axit oxalic như dưa muối, cà muối… cũng không nên ăn nhiều vì có thể gây hại đến xương khớp, khiến tình trạng bệnh thêm nặng.
5. Thực phẩm nhiều đường
Thực phẩm nhiều đường có thể gây ra cho khớp những cơn đau tồi tệ và gia tăng tình trạng viêm. Nếu tiêu thụ quá nhiều đường bạn rất dễ mắc các căn bệnh liên quan đến thoái hóa khớp, viêm khớp dạng thấp…
6. Thức ăn chứa gluten
Gluten là một loại protein hoàn toàn không phù hợp với nhiều người đang mắc bệnh rối loạn thần kinh, ruột kích thích, tiểu đường, viêm cơ… Thức ăn chứa nhiều gluten như lúa mì, lúa mạch, yến mạch nên tránh sử dụng bởi nếu mất điều hòa gluten sẽ gây ra rối loạn tự miễn dịch ảnh hưởng đến các mô thần kinh và các vấn đề kiểm soát cơ hay chuyển động cơ bắp.
7. Rượu bia, chất kích thích
Rượu bia và chất kích thích là những thứ người mắc bệnh xương khớp cần tuyệt đối tránh xa. Những thứ này không chỉ khiến các cơn đau khớp tái phát nhiều hơn mà còn làm vô hiệu hóa các loại thuốc chữa bệnh xương khớp.
Bị xương khớp nên ăn gì?
Một chế độ ăn uống cân bằng, đủ chất dinh dưỡng sẽ cung cấp cho cơ thể những "công cụ" để ngăn ngừa bệnh xương khớp. Đó phải là một chế độ ăn uống có khả năng làm giảm viêm và ngăn ngừa tổn thương, giảm cholesterol và giúp duy trì cân nặng hợp lý.
1. Cá béo
Các loại cá béo như cá hồi, cá thu, cá mòi, cá ngừ... đều chứa nhiều axit béo omega-3 có lợi cho sức khỏe tổng thể nói chung và sức khỏe hệ xương khớp nói riêng. Điều đó có được là do những chất béo không bão hòa đa này có đặc tính chống viêm.
Những người bị viêm xương khớp nên ăn ít nhất một phần cá béo mỗi tuần. Nếu không thích ăn cá, bạn cũng có thể sử dụng các chất bổ sung có chứa omega-3, chẳng hạn như dầu cá, dầu nhuyễn thể hoặc dầu hạt lanh.
Một số nguồn thực phẩm cung cấp nhiều omega-3 khác bao gồm: hạt chia, dầu hạt lanh, quả óc chó...
2. Dầu
Ngoài dầu cá, một số loại dầu khác cũng đem lại tác dụng giảm viêm. Dầu ô liu nguyên chất chứa hàm lượng oleocanthal cao, có thể có các đặc tính tương tự như thuốc chống viêm không steroid (NSAID). Dầu bơ và dầu cây rum là những lựa chọn tốt cho sức khỏe và cũng có thể giúp giảm cholesterol.
3. Sữa
Sữa, sữa chua và pho mát rất giàu canxi và vitamin D. Những chất dinh dưỡng này làm tăng sức mạnh của xương, có thể cải thiện các triệu chứng đau đớn.
Sữa cũng chứa các protein có thể giúp hình thành cơ bắp. Những người đang muốn kiểm soát cân nặng của mình có thể chọn các loại thực phẩm từ sữa ít chất béo.
4. Rau xanh
Hầu hết các loại rau, nhất là rau màu xanh lá đậm, đều giàu vitamin D, các chất chống oxy hóa và phytochemical chống lại căng thẳng oxy hóa. Vitamin D cần thiết cho sự hấp thụ canxi, giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, từ đó giúp cơ thể chống lại nhiễm trùng.
Các loại rau xanh được khuyến nghị sử dụng bao gồm: Rau chân vịt, cải xoăn, cải cầu vồng, cải búp, súp lơ xanh...
5. Trà xanh
Polyphenol là chất chống oxy hóa mà các chuyên gia tin rằng có thể giảm viêm và làm chậm tốc độ tổn thương sụn. Trà xanh có chứa hàm lượng polyphenol cao, được khuyến nghị sử dụng cho những người mắc bệnh xương khớp.
6. Tỏi
Nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng một hợp chất được gọi là diallyl disulfide xuất hiện trong tỏi có thể hoạt động chống lại các enzym trong cơ thể gây hại cho sụn.
7. Quả hạch
Các loại hạt tốt cho tim mạch và chứa nhiều canxi, magie, kẽm, vitamin E và chất xơ. Chúng cũng chứa axit alpha-linolenic (ALA), giúp tăng cường hệ thống miễn dịch, từ đó tăng cường sức khỏe xương khớp, phòng chống bệnh hiệu quả.
Nguồn tham khảo: What is the best diet for osteoarthritis? - Đăng tải trên trang tin y tế Medical News Today - Xuất bản ngày 28/1/2020. |