Thị trường chứng khoán trong nước đang chịu áp lực lớn từ thông tin tiêu cực về biến chủng Omicron, cả 3 sàn chứng khoán đều ghi nhận tình trạng bán tháo ngay khi mở cửa phiên sáng, không giữ được đà tăng. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng biến chủng mới không đủ khả năng làm thay đổi bức tranh vĩ mô toàn cảnh.
VN-Index đối mặt nguy cơ lao dốc
Trong phiên giao dịch sáng 25/11 vừa qua, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có lúc ghi dấu mốc quan trọng: VN-Index chinh phục mốc 1.500 điểm. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán bị bán tháo ngay khi mở cửa phiên giao dịch đầu tuần vào ngày 29/11.
Nguyên nhân do nhiều quốc gia ở châu Phi, châu Âu và châu Á đã ghi nhận ca mắc Covid-19 liên quan đến biến chủng Omicron. Biến chủng này được dự báo lây lan nhanh hơn và nguy cơ tái nhiễm cao hơn so với các biến chủng khác.
Việt Nam chưa ghi nhận trường hợp mắc Covid-19 liên quan Omicron. Tuy nhiên, chỉ số đại diện sàn có vốn hóa lớn nhất HoSE đã bốc hơi gần 24 điểm ngay phiên ATO mở cửa, sau đó có dấu hiệu hồi phục dần khi tâm lý nhà đầu tư bình tĩnh trở lại.
Tính đến 9h30, VN-Index giảm gần 23 điểm (1,5%) về dưới mốc 1.470 điểm. Đến 10h30, VN-Index ghi nhận mức giảm hơn 11 điểm (0,75%) với lượng thanh khoản đạt hơn 14.100 tỷ đồng. Tình trạng bán tháo cũng được ghi nhận trên sàn HNX khi chỉ số mất gần 4 điểm (0,8%) về dưới 455 điểm và UPCoM-Index bốc hơi 1,5% còn 112,6 điểm.
Đến 15h30, VN-Index tăng 18 điểm, đạt 1484,84 điểm. Như vậy, VN-Index kết phiên chỉ còn giảm hơn 8 điểm (0,55%).
Đáng chú ý là lực cầu lớn trên sàn niêm yết HNX đã giúp cho chỉ số này lấy được sắc xanh khi kết phiên tăng gần 2 điểm (0,43%) lên 460,58 điểm. UPCoM-Index giảm nhẹ 0,24%.
Dù vậy thị trường vẫn ghi nhận ưu thế nghiêng về bên bán. Toàn thị trường ghi nhận 623 mã chốt phiên giảm giá và chỉ có 459 mã tăng giá.
Sau thời điểm lao dốc khi mở cửa phiên sáng, thị trường chứng khoán đang dần lấy lại sự ổn định nhờ nhà đầu bình tĩnh hơn và đợt bán tháo chấm dứt sau những thông tin tiêu cực về biến thể Omicron.
Thanh khoản thị trường tính đến 15h30 đạt gần 31.600 tỷ đồng, giảm khoảng 4.000 tỷ đồng so với phiên cuối tuần trước.
Dòng tiền tập trung nhiều nhất ở nhóm cổ phiếu tài chính (ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm) với hơn 9.200 tỷ đồng. Giá trị giao dịch của nhóm này gần bằng hai nhóm xếp sau là bất động sản công nghiệp cộng lại. Tính riêng cổ phiếu, SSI dẫn đầu về thanh khoản với hơn 1.600 tỷ đồng, tiếp đến là TCB, SBT, HPG và VPB.
Tâm điểm trong hôm nay là mã VIC của Vingroup khi tăng trần lên 105.300 đồng/cổ phiếu, là mã có đóng góp lớn nhất kìm đà rơi của thị trường khi đã góp thêm 6,7 điểm vào chỉ số chung. VIC là cổ phiếu có lượng giao dịch nhiều nhất, sau đó đến CTG, VHM, HPG.
Ngoài ra, cổ phiếu dược phẩm, y tế cũng đang hưởng lợi từ thông tin về biến thể mới. Hàng loạt mã chạm trần như DVN, DBT, AMV, VMD, CDP và các mã khác tăng từ 2-6%.
Omicron không thay đổi bức tranh vĩ mô toàn cảnh
Theo các chuyên gia, biến thể Omicron khó "nhấn chìm" thị trường chứng khoán Việt Nam.
Trao đối với Người Đưa Tin, ông Bùi Khoa Bảo - Trưởng phòng đầu tư, Công ty Chứng Khoán VPS cho biết Omicron sẽ không ảnh hưởng nhiều đến thị trường. Theo ông, biến chủng lần này có ảnh hưởng đến tâm lý người dân, uy nhiên sẽ không đủ làm kinh tế trì trệ. Ông Bùi Khoa Bảo cho biết yếu tố nội tại của doanh nghiệp sẽ không ảnh hưởng và thị trường thời gian tới vẫn sẽ đi lên.
"Quan trọng là dòng tiền và nội tại sức khoẻ của thị trường đang rất mạnh. Biến chủng không đủ khả năng làm thay đổi bức tranh vĩ mô toàn cảnh" - Trưởng phòng đầu tư Chứng khoán VPS cho hay.
Còn theo ông Nguyễn Thế Minh - Giám Đốc phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam (YSVN) cho biết biến chủng này có thể là nguyên nhân dẫn đến một cú sốc mới cho thị trường chứng khoán trong tuần này, tương tự bốn đợt bùng phát dịch trước đây.
Thị trường chứng khoán thay đổi theo các đợt bùng phát dịch và hiện nước ta trải qua 4 giai đoạn bùng phát, tác động mạnh đến thị trường chứng khoán. Ông Nguyễn Thế Minh nhận định sự xuất hiện của Omicron là giai đoạn thứ 5.
Trao đối với Người đưa tin, ông Minh đánh giá giai đoạn nặng nhất vẫn là giai đoạn đầu - khi biến chủng Covid-19 mới xuất hiện. "Khi đó nhà đầu tư chưa tích luỹ nhiều kinh nghiệm và chưa chuẩn bị sẵn cho đợt khủng hoảng khiến đà bán tháo rất mạnh", ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo ông Minh, giai đoạn này nhà đầu tư đã có thêm nhiều kinh nghiệm hơn và đã chuẩn bị sẵn tâm lý cho các đợt bùng phát dịch mới. Vì vậy, trong phiên tuần này, chuyên gia cho rằng tình hình dịch bệnh sẽ tác động lên thị trường nhưng mức độ sẽ không ảnh hưởng nghiêm trọng như những lần trước.
"Thống kê gần đây nhất cho thấy 2 lần tác động dịch Covid-19 lên thị trường chứng khoán ở Mỹ đều tương đối nhẹ so với 2 lần đầu. Trước đây đã từng có biến chủng Delta xuất hiện ở Ấn độ sau đó tới các nước và thị trường Việt Nam để rút ra nhiều bài học nên lần này, khi biến chủng Omicron xuất hiện, mức độ tác động sẽ không mạnh nữa", ông Minh nhận định.
"Không nên mua đuổi cổ phiếu"
Ông Bùi Khoa Bảo nhận định thị trường vẫn khoẻ và đi lên, tuy nhiên phân hoá chứ không có chuyện "trăm hoa đua nở".
Theo ông Bảo, thị trường sắp tới đánh một trận lớn, tập trung vào các cổ phiếu có vốn hóa lớn để kéo điểm số vượt lên vượt trội, sau đó sẽ hút thêm dòng tiền vào thị trường. Từ đó, Chính phủ sẽ định hưởng dòng tiền đẩy vào thị trường chứng khoán.
"Thị trường giao dịch sẽ tập trung vào cổ phiếu vốn hóa lớn, còn cổ phiếu đầu cơ thì phải lâu dài. Nói chung, không nên mua đuổi những cổ phiếu đầu cơ", ông Bùi Khoa Bảo cho hay.
"Trước mắt, trong thời gian ngắn hạn, phiên đầu tuần chỉ số Vn-Index vẫn giữ ngưỡng hỗ trợ khoảng 1459 điểm và sẽ duy trì xu hướng tăng. Nắm giữ vẫn là vị thế ưu tiên hàng đầu trong tuần này nhưng ở rủi ro nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ đang có dấu hiệu gia tăng khi mà thời điểm trước, 2 nhóm cổ phiếu này đã có chuỗi tăng nóng", Giám Đốc phân tích Chứng khoán YSVN Nguyễn Thế Minh nhận định.
Chuyên gia cho rằng cần quan sát thêm động thái thị trường trong 1,2 phiên tới. "Trong trường hợp chỉ số Vn-Index xuyên thủng đc ngưỡng 1459 và có xu hướng quay lại đà tăng, kèm theo thanh khoản tăng dần thì có thể đà giảm, áp lực giảm mạnh sẽ không xảy ra", ông Minh nói.
Tuy nhiên, theo ông, đà tăng này sẽ tạo sự phân hóa giữa các nhóm cổ phiếu. "Khi rủi ro, áp lực gia tăng lên nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ nên các nhà dầu tư không nên mua đuổi vào 2 nhóm cổ phiếu này mà nên tập trung vào nhóm cổ phiếu có vốn hoá lớn như ngân hàng, thép…", ông Minh nói.
Ông Minh cũng nhấn mạnh, thời gian tới nhà đầu nên giảm bớt lượng margin ở nhóm cổ phiếu có vốn hóa vừa và nhỏ.
Theo Người Đưa Tin