Bộ Công Thương lấy ý kiến việc sửa đổi các quy định về xăng dầu

Bộ Công Thương đã phối hợp với bộ Tài chính và bộ Tư Pháp rà soát, bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi đối với các Nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

VietNamNet đưa tin, ngày 12/11, bộ Công Thương gửi văn bản đến các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố đề nghị cho ý kiến về những điều cần sửa đổi liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

Theo bộ Công Thương, trong cuộc họp ngày 12/11, bộ này đã phối hợp với bộ Tài chính, bộ Tư pháp rà soát và bước đầu đưa ra một số vấn đề cần đề xuất, sửa đổi đối với các Nghị định liên quan đến kinh doanh xăng dầu.

Cụ thể như vấn đề về chu kỳ điều hành giá xăng dầu, quy định mức chiết khấu trong kinh doanh xăng dầu; đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân phân phối xăng dầu; quyền và nghĩa vụ của các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.

Bên cạnh đó còn có việc thống nhất đầu mối quản lý nhà nước đối với mặt hàng xăng dầu; việc quản lý, sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu; việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động kinh doanh xăng dầu.

bo cong thuong lay y kien viec sua doi cac quy dinh ve xang dau

Bộ Công Thương vừa gửi văn bản đến các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố đề nghị cho ý kiến về những điều cần sửa đổi liên quan đến kinh doanh xăng dầu. Ảnh minh họa: VTV News

Việc lấy ý kiến này nhằm thực hiện Nghị quyết số 143 ngày 4/11/2022 của Chính phủ về phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2022, Công điện số 1085 ngày 11/11/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý, điều hành mặt hàng xăng dầu, theo báo Giao Thông.

Tại các văn bản chỉ đạo này, Chính phủ giao bộ Công Thương chủ trì, khẩn trương rà soát, đề xuất sửa đổi bổ sung Nghị định số 83/2014/NĐ-CP ngày 3/9 /2014 và Nghị định số 95/2001/NĐ-CP ngày 1/11/ 2021 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu theo trình tự, thủ tục rút gọn.

Việc sửa đổi, bổ sung các Nghị định này phải bảo đảm khoa học, hợp lý, hiệu quả, khả thi, đáp ứng yêu cầu thực tiễn và công tác quản lý nhà nước, hài hòa lợi ích của nhà nước, người dân và doanh nghiệp, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022.

Bộ Công Thương đề nghị các bộ ngành, UBND các tỉnh, thành phố tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP, có ý kiến đối với các nội dung đề xuất sửa đổi nêu trên và các nội dung cần sửa đổi, bổ sung khác (nếu có).

Đồng thời, đề nghị các bộ, cơ quan ngang bộ cử người tham gia Ban soạn thảo và Tổ biên tập Nghị định sửa đổi Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định số 95/2021/NĐ-CP.

Văn bản cử người và tham gia ý kiến của các đơn vị này gửi về Bộ Công thương trước ngày 20/11/2022 để kịp thời tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong tháng 11/2022 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.