Bàn cân của vẻ đẹp bề ngoài và trí tuệ
Sau khi cuộc thi Hoa hậu Thế giới tiên phong bỏ màn thi vẫn được coi là hấp dẫn nhất của đấu trường sắc đẹp, các tổ chức vì sự tiến bộ của phụ nữ đều nhiệt tình ủng hộ. Bởi với động thái đề cao vẻ đẹp trí tuệ của Ban tổ chức cuộc thi lớn bậc nhất toàn cầu sẽ tác động đến cách nhìn, cách đánh giá phái yếu của toàn xã hội. Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, từ năm 2016 đến nay, từ chỗ là sân chơi ngang ngửa với 2 cuộc thi nhan sắc đứng đầu thế giới, Hoa hậu Thế giới đã giảm sức hút.
Thực tế cho thấy, khoảng 2 năm trở lại đây, khi Hoa hậu Thế giới tổ chức song song với Hoa hậu Hoàn vũ thì thông tin, hình ảnh và độ quan tâm của Hoa hậu Hoàn vũ đã “đè bẹp” Hoa hậu Thế giới. Những trang web lớn về các cuộc thi sắc đẹp như Missosology, Globalbeuties… luôn cập nhật thông tin về Hoa hậu Hoàn vũ nhiều hơn, độ quan tâm của người hâm mộ trên khắp thế giới vì thế có phần sôi nổi hơn.
Ngay tại Việt Nam, năm 2015, người đẹp Phạm Hương tham gia Hoa hậu Hoàn vũ thế giới và người đẹp Lan Khuê tham gia Hoa hậu Thế giới nhưng truyền thông Việt tràn ngập các thông tin về Phạm Hương còn Lan Khuê được nhắc đến qua loa; cho dù về thành tích người đẹp Lan Khuê nổi trội hơn khi lọt được vào top 11 của cuộc thi và giành thêm giải phụ về Trang phục dạ hội.
Có thể sẽ đưa vào luật
Trước sự thay đổi của cuộc thi Hoa hậu Thế giới và Hoa hậu Mỹ, đòi hỏi Việt Nam cũng phải đặt lên bàn cần nghiên cứu có nên học hỏi các đấu trường nhan sắc lớn của thế giới. Ông Lê Minh Tuấn – Phó Cục trưởng Cục Nghệ thuật biểu diễn cho rằng từ trước đến nay trong các cuộc thi nhan sắc ở Việt Nam đều ưu tiên vẻ đẹp trí tuệ, văn hóa và nhân cách, sự thân thiện, hòa đồng với tập thể… sau đó mới đến hình thể. Tuy nhiên, phần thi áo tắm vẫn là phần thi chính cùng với thi trang phục dạ hội, tài năng và ứng xử…
Hiện nay, pháp luật Việt Nam chưa có quy định hạn chế phần thi bikini nhưng trước các luồng dư luận khác nhau, vào ngày 22/6 tại hội nghị lấy ý kiến về dự thảo Nghị định hoạt động biểu diễn nghệ thuật, Cục Nghệ thuật biểu diễn sẽ đưa vấn đề giữ hay bỏ thi áo tắm trong các cuộc thi sắc đẹp ra bàn thảo. “Chúng tôi sẽ xem phản hồi từ dư luận, từ các đối tượng chịu tác động thế nào.
Nếu có sự đồng thuận cao từ cơ quan quản lý, từ các tổ chức, cá nhân và quy định mới có khả năng giúp đạt hiệu quả quản lý tốt, không ảnh hưởng tới chất lượng các cuộc thi thì sẽ thể chế vào văn bản pháp luật” - ông Tuấn cho hay. Dự kiến, dự thảo Nghị định hoạt động biểu diễn nghệ thuật sẽ trình Chính phủ ban hành vào tháng 11/2018.
Hiện nay, theo thông tin thăm dò dư luận, ở Việt Nam các chuyên gia về thời trang vẫn chưa có sự thống nhất việc giữ hay bỏ phần thi này. Bởi vì, quan điểm bỏ phần thi thiên về phô trương hình thể để tập trung đánh giá vẻ đẹp tâm hồn của phụ nữ là một yếu tố tích cực. Song phần lớn các thí sinh của Việt Nam đang mắc nhược điểm yếu về ứng xử, trả lời phỏng vấn thiếu tự tin, nên khó có thể so sánh với khả năng biểu diễn đẹp, chuyên nghiệp của các người đẹp thế giới.