Các đối thủ của U23 Việt Nam “đáng sợ” như thế nào tại ASIAD 18?

Tại ASIAD 2018, Olympic Việt Nam ở cùng bảng D với Nhật Bản, Nepal và Pakistan. Vậy các đối thủ của chúng ta mạnh như thế nào?.

Cơ hội đi tiếp của Olympic Việt Nam tại giải đấu lần này là khá lớn khi ngoại trừ Nhật Bản thì hai đội còn lại được đánh giá là yếu hơn Olympic Việt Nam.

Nepal: Yếu nhất bảng

Nhiều năm qua, bóng đá Nepal ít gây được tiếng vang trên bình diện quốc tế. Các cầu thủ Nepal hầu hết thi đấu ở trong nước nên chất lượng chuyên môn cũng không thật nổi trội.

Tại ASIAD Incheon 2014, đội Nepal bị loại sau vòng bảng khi thua cả 3 trận (thua Iraq, Nhật Bản, Kuwait) với tổng cộng 13 bàn trắng.

Ở giải U23 châu Á 2018, đội Nepal không qua được vòng loại do thua cả 3 trận (thua Uzbekistan, UAE,  Libanon) và cũng không ghi được bàn thắng nào trong khi để thua 9 bàn.

Mục tiêu của Olympic Nepal ở ASIAD 18 là để các cầu thủ trẻ có thêm cơ hội cọ xát ở giải đấu mang tầm châu lục, qua đó có thêm kinh nghiệm chuẩn bị cho Đại hội Thể thao Nam Á vào tháng 3/2019.

Bản thân HLV Koji Gyotoku cũng khẳng định: “ASIAD là bước chuẩn bị quan trọng để Nepal hướng đến giải vô địch Nam Á diễn ra ở Bangladesh”.

Cầu thủ đáng chú ý nhất của Olympic Nepal là tiền đạo Bimal Gharti Magar. Anh là cầu thủ trẻ thứ 6 trên thế giới ra mắt ĐTQG khi mới 14 tuổi. Một năm sau, Magar đã có bàn thắng đầu tiên cho ĐT Nepal. Ngoài ra, một cái tên khác cũng nhận được nhiều kỳ vọng là Ananta Tamang. Hậu vệ 20 tuổi này đã thi đấu 14 trận cho ĐT Nepal. Hai năm trước, Tamang cùng U23 Nepal giành HCV của Đại hội Thể thao Nam Á. 3 cầu thủ trên 23 tuổi của đội là Kiran Chemjong (thủ môn kiêm đội trưởng), Rohit Chand (tiền vệ) và Bharat Khawas (tiền đạo). 

Sự chuẩn bị của Nepal cho ASIAD 2018 cũng không thật tốt. Cách đây không lâu, Nepal đã để thua 0-4 trước Thái Lan. 

Tiếp đón một đối thủ như Nepal là cơ hội tốt để thầy trò HLV Park Hang-seo giành trọn 3 điểm.

Pakistan: Ẩn số thú vị

Bóng đá Pakistan trong khu vực không được đánh giá cao như Việt Nam bởi họ đã tụt từ hạng 185 ( năm 2015) xuống vị trí hiện tại là 201 trên tổng số 206 thành viên của FIFA.

Tại ASIAD 2018, Liên đoàn Bóng đá Pakistan cử đội Olympic tham dự và đây cũng là lần đầu tiên sau 3 năm (2015, 2016, 2017), bóng đá Pakistan mới trở lại đấu trường thi đấu quốc tế.

Theo thông tin báo chí có được, đến ASIAD lần này, đội Olympic Pakistan có một nửa số cầu thủ thuộc biên chế của đội tuyển quốc gia. Họ vừa tập huấn dài hạn ở Bahrain với kết quả 1 thắng, 1 hòa và 1 thua trong 3 trận giao hữu với các CLB ở Qatar.

Tham dự ASIAD lần này, Olympic Pakistan có 7 cầu thủ chưa đầy 20 tuổi. HLV Jose Antonio Nogueira cũng triệu tập ba gương mặt trên 23 tuổi gồm thủ môn Yousuf Butt ( sinh ra tại Canada) và tiền vệ Saddam Hussain hiện đang thi đấu ở châu Âu.

Tuy nhiên, thể lực và sức mạnh của các cầu thủ Pakistan là điều mà thầy trò HLV Park Hang-seo cần hết sức lưu ý.

Nhật Bản: Ứng viên nhất bảng

Tuy Nhật Bản vẫn chỉ cử đội U21 tham dự, thậm chí không cài thêm bất cứ cầu thủ U23 nào nhưng vẫn nhỉnh hơn Việt Nam nhiều. Điều này đã được chứng kiến tại VCK U23 châu Á 2018. Ở đó, với lực lượng tương tự, Nhật Bản vẫn dễ dàng thắng cả 3 trận vòng bảng để lọt vào tứ kết, trước khi thua Uzbekistan 0-4.  

So với các đội bóng khác, Nhật Bản dự giải lần này có sự chuẩn bị khá kỹ và chuyên nghiệp. Nổi bật là vào mùa Hè vừa qua, họ sang Pháp tham dự giải giao hữu quốc tế và gây bất ngờ khi đánh bại U21 Bồ Đào Nha với tỷ số 3-2 và  hòa 1-1 trước U23 Canada. 

Lối chơi kỹ thuật, bóng ngắn của Nhật Bản luôn gây khó dễ với các đội tuyển của Việt Nam trong quá khứ. Chính vì vậy, ngay cả khi chỉ sử dụng lực lượng U21, Olympic Nhật Bản vẫn được giới chuyên môn đánh giá nhỉnh hơn so với Olympic Việt Nam. 

Olympic Việt Nam sẽ gặp các cầu thủ Nhật Bản ở lượt trận thứ 3 vòng bảng vào ngày 19/8.

Gia Huy tổng hợp