Ngày nay, có nhiều gia đình nhờ ông bà chăm sóc con vì bố mẹ quá bận rộn với công việc không có thời gian, ông bà lại cũng từng có nhiều kinh nghiệm nên bố mẹ sẽ yên tâm hơn. Tuy nhiên, người già dù sao cũng đã lớn tuổi, chân tay không còn linh hoạt và khoẻ mạnh, nên khi chăm sóc cháu rất dễ xảy ra sự cố, nhất là vào ban đêm.
Điển hình như đoạn video viral trên mạng xã hội gần đây, ghi lại diễn biến cảnh tượng bà ngoại bế cháu trai đi ngủ nhưng đột ngột gặp tai nạn khiến ai xem cũng thót tim. Trong video, căn phòng tối và không có đèn, người bà khá lớn tuổi lặng lẽ bước đến chiếc cũi gỗ của cháu trai và chuẩn bị đặt cháu vào đấy để ru ngủ. Vì chiếc cũi khá cao, nên bà ngoại đã lấy một chiếc ghế đẩu nhỏ được đặt ở bên cạnh rồi đứng lên trên, muốn nhờ đó mà việc bế cháu bỏ vào cũi sẽ dễ dàng hơn.
Nào ngờ, do trọng tâm cơ thể bà không giữ được thăng bằng nên khi đặt cháu trai xuống, bà đã đột nhiên ngã và đập đầu vào nôi của đứa cháu. Toàn thân bà ngoại nằm trên nôi, cháu trai bị bà đè lên nên đã lập tức bị giật mình thức giấc và khóc thét. Bà ngoại đã vô cùng hoảng trước tình huống xảy ra, và vì cơ thể yếu ớt nên phải mất một lúc bà mới có thể đứng dậy rồi loay hoay rời khỏi cũi.
Cư dân mạng sau khi tận mắt chứng kiến cảnh tượng này, cũng không khỏi điếng người. Nhưng đa số đều dành lời an ủi cho người bà, và thay vì trách bà thì nhiều phụ huynh lên tiếng phê bình bố mẹ của đứa trẻ, khi đã giao phó hoàn toàn trách nhiệm chăm con cho bà ngoại đang “tuổi già sức yếu”.
Trên thực tế, việc nhờ ông bà phụ chăm cháu là xu hướng phổ biến ngày nay, tuy mang lại nhiều lợi ích nhưng cũng có những hạn chế đáng lưu ý. Một trong những điểm mạnh lớn nhất là sự chăm sóc ấm áp và yêu thương từ ông bà, những người thường có nhiều kinh nghiệm trong việc nuôi dạy trẻ. Sự tương tác này không chỉ giúp trẻ cảm thấy an toàn mà còn củng cố mối quan hệ gia đình, tạo ra những kỷ niệm đẹp giữa các thế hệ. Thêm vào đó, việc này giúp tiết kiệm chi phí so với việc thuê bảo mẫu hoặc gửi trẻ ở các cơ sở giữ trẻ.
Tuy nhiên, cũng cần nhận diện những thách thức có thể phát sinh. Sự khác biệt trong phương pháp nuôi dạy giữa ông bà và cha mẹ có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển toàn diện cho trẻ, đặc biệt khi các quy tắc và cách ứng xử không thống nhất. Hơn nữa, sức khỏe và năng lực của ông bà có thể hạn chế, ảnh hưởng đến chất lượng chăm sóc. Cha mẹ cũng có thể cảm thấy áp lực khi phải phụ thuộc vào ông bà, lo ngại về việc trẻ sẽ không được nuôi dạy theo những giá trị mà họ muốn truyền đạt. Do đó, việc giao tiếp rõ ràng và thấu hiểu giữa các thế hệ là rất quan trọng để tạo ra một môi trường nuôi dưỡng tốt nhất cho trẻ.
Tại sao bố mẹ không nên quá ỷ lại vào việc nhờ ông bà chăm con?
- Trẻ có thể trở nên không nghe lời
Ông bà thường nuông chiều trẻ hơn so với cha mẹ. Thậm chí ông bà còn làm ngược lại với những điều cha mẹ nói và dạy con, cốt chỉ để trẻ vui vẻ.
Chính điều đó sẽ phá vỡ mọi kỷ luật mà cha mẹ phải vất vả mãi mới thiết lập được cho trẻ, làm trẻ không còn nghe lời cha mẹ nữa.
- Trẻ có thể không vận động đủ
Trẻ em luôn tràn đầy năng lượng trong cơ thể cũng như tâm hồn. Chúng cần chạy nhảy và chơi đùa để cơ thể phát triển khỏe mạnh. Mà ông bà đã cao tuổi, thường sức khỏe và thể lực không đủ để theo chân trẻ trong những hoạt động ngoài trời.
Chính vì hoạt động thể chất không đủ khiến trẻ cảm thấy không thoải mái, điều đó càng không tốt cho sự tăng trưởng tự nhiên của trẻ.
- Trẻ có thể ăn quá nhiều
Ông bà luôn sợ cháu đói và thường cho trẻ ăn quá nhiều trong 1 ngày. Các nghiên cứu gần đây thậm chí còn chỉ ra rằng, trẻ em có nguy cơ bị béo phì, gặp các vấn đề về răng lợi và bệnh tiểu đường do các món ăn của ông bà chúng như kẹo và những đồ ăn nhiều chất béo.
Dẫu biết ông bà nào cũng mong cháu mau lớn và vui vẻ, nhưng chính những sự quan tâm thiếu hiểu biết ấy vô hình chung lại gây tổn hại nghiêm trọng cho sức khỏe của trẻ.
- Trẻ có thể phát triển các kỹ năng xã hội kém
Khi trẻ dành nhiều thời gian ở cạnh ông bà, chúng sẽ ít kết bạn với những đứa trẻ khác. Dần dà chúng có xu hướng ngại giao tiếp và mở rộng các mối quan hệ xung quanh, chỉ cảm thấy an toàn, thoải mái với các mối quan hệ quen thuộc vốn có của mình.
Ngược lại, những đứa trẻ đi học mẫu giáo sẽ ít gặp các vấn đề về giao tiếp, kỹ năng xã hội cũng phát triển tốt hơn.