Cần siết chặt, xử lý nghiêm doanh nghiệp kinh doanh TPCN ‘bỏ của chạy lấy người’ khi bị ‘sờ gáy’

Nhiều trang website quảng cáo thực phẩm chức năng với công dụng “trên trời”, khi bị kiểm tra thì doanh nghiệp chối bỏ trách nhiệm, sau đó, có hiện tượng đổi tên miền, hoặc “bốc hơi”...

Trong thời gian vừa qua, cục An toàn thực phẩm - bộ Y tế liên tục phát đi thông tin cảnh báo đến người tiêu dùng về việc, qua công tác hậu kiểm hoạt động thông tin quảng cáo TPBVSK/TPCN trên internet và môi trường mạng, cơ quan này đã phát hiện nhiều đơn vị vi phạm quy định về quảng cáo. Tuy nhiên, phần lớn các đơn vị lại không thừa nhận sở hữu các website đang quảng cáo sản và chịu trách nhiệm.

Trong quá trình Chất lượng Việt Nam (VietQ.vn) tìm hiểu, phản ánh, lật tẩy hàng loạt chiêu trò kinh doanh “bẩn” của các sản phẩm TPBVSK/TPCN như: xương khớp, trĩ, sinh lý, dạ dày, tăng/giảm cân... thì nhận thấy một trong những hình thức phổ biến, được những tổ chức kinh doanh “bẩn” sử dụng là lập ra nhiều trang website không đăng ký với bộ Công Thương, hoặc các trung tâm “ảo” trên mạng xã hội để quảng cáo sai công dụng. Chỉ cần bị cơ quan chức năng kiểm tra, hoặc phản ánh của cơ quan khác thì lập tức “thay tên đổi họ”, xóa dấu vết nên việc xử lý của cơ quan chức năng gặp không ít khó khăn.

Sau khi báo chí phản ánh, lập tức trang website đã thay đổi tên miền.

Ví dụ, bộ sản phẩm TPBVSK Đại tràng Ông lạc (có thể hàn, nhiệt), được công ty phân phối lập nhiều website để quảng cáo có công dụng điều trị bệnh dạ dày, đại tràng. Tuy nhiên, sau khi VietQ.vn phản ánh, đăng tải một loạt bài viết cảnh báo tới người tiêu dùng thì sau đó, tất cả các trang website đều ở trạng thái “bố hơi”, hoặc thay đổi tên miền.

Tiếp đến là sản phẩm Toha Fast do Công ty TNHH Tohano Việt Nam chịu trách nhiệm phân phối cũng có nhiều website quảng cáo “vống” công dụng khẳng định sản phẩm này đập tan sỏi, bào mòn sỏi, tăng cường chức năng gan, ngăn sỏi tái phát... Nhưng khi VietQ.vn vào cuộc phản ánh thì một số trang website đã “không cánh mà bay”, đồng thời công ty phân phối cũng lên tiếng “phủi” trách nhiệm, cho rằng những trang này không phải của công ty quản lý.

Hay sản phẩm khác là TPBVSK Satuchin do Công ty TNHH thương mại KINDPEAK phân phối, có nhiều dấu hiệu vi phạm trong quảng cáo khi biến tấu có công dụng như thuốc chữa bệnh trĩ. Sản phẩm này VietQ.vn đã có rất nhiều bài viết đăng tải, thể hiện đủ khía cạnh quảng cáo dối trá của đơn vị kinh doanh trên các trang website, facebook... Sau loạt bài viết đăng tải, đã tạo được hiệu ứng tốt giữa độc giả với tòa soạn, thì công ty phân phối đã “ra mặt”, cho rằng các trang web mà tòa soạn đăng tải đều không thuộc quyền sở hữu của đơn vị.

Website quảng cáo sai công dụng sản phẩm, công ty phân phối chối bỏ trách nhiệm.

Về vấn đề trên, ông Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng bục An toàn Thực phẩm cho biết, việc xử lý sai phạm không hề dễ dàng. Hiện nay, một số website, mạng xã hội đăng tải thông tin quảng cáo các loại TPCN vi phạm quy định về quảng cáo, nội dung quảng cáo công dụng không phù hợp với hồ sơ công bố đã được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Song, khi được bục An toàn thực phẩm mời lên làm việc thì các doanh nghiệp nói trên đều “chối”, không thừa nhận nội dung quảng cáo trên các website đó là của mình.

Đơn cử như trường hợp, bục An toàn thực phẩm phát hiện trên các trang website: dongychinhhang.net; chuyengiatuvan247.com quảng cáo sản phẩm Kim Thạch Đan vi phạm quy định về quảng cáo, gây hiểu nhầm có tác dụng như thuốc chữa bệnh; sử dụng hình ảnh, uy tín, thư tín của các đơn vị y tế, nhân viên y tế để quảng cáo thực phẩm; quảng cáo có nội dung đăng tải, dẫn, trích dẫn hoặc nêu ý kiến người bệnh mô tả thực phẩm có tác dụng điều trị bệnh.

Sản phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe quảng cáo vi phạm nêu trên do Công ty TNHH Thương mại Vinpharco (địa chỉ tại số 92 tổ 60 phố Nguyễn Lân, phường Phương Liệt, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội) công bố và chịu trách nhiệm về sản phẩm.

Quá trình hậu kiểm, công ty TNHH Thương mại Vinpharco không thừa nhận website nêu trên của mình và không chịu trách nhiệm về việc quảng cáo sản phẩm Kim Thạch Đan trên trang mạng trên.

Cục ATTP thường xuyên cảnh báo các sản phẩm vi phạm tới người tiêu dùng.

Theo bà Trần Việt Nga, Phó cục trưởng bục An toàn Thực phẩm nhận định, các đơn vị cố tình quảng cáo sai sự thật, xem thực phẩm chức năng như thuốc chữa bệnh, nội dung quảng cáo không phù hợp với hồ sơ công bố, dẫn đến người dùng nhầm tưởng, gây hậu quả nghiêm trọng trong điều trị bệnh.

Cũng theo bà Nga, các đơn vị này quảng cáo rộng khắp qua mạng xã hội, trang thông tin điện tử, gọi điện thoại trực tiếp để tiếp cận người tiêu dùng. Họ đặt máy chủ ở Việt Nam, nếu bị phát hiện vi phạm sẽ chuyển máy chủ sang nước ngoài, gây khó khăn cho cơ quan quản lý.

Để giải quyết vấn nạn trên, bộ Y tế, Công thương, Thông tin Truyền thông, cục phòng chống tội phạm công nghệ cao... đang phối hợp đưa ra các giải pháp để siết mạnh hoạt động này trong thời gian tới.

Tuy nhiên, về phía người tiêu dùng đã không còn quá xa lạ với những hình thức quảng cáo trên, vì vậy, hãy thật cẩn trọng và chỉ tin cậy tìm đến những địa chỉ uy tín, đã được cơ quan chức năng cấp phép để khám, chữa bệnh và mua thuốc theo khuyến cáo của cơ sở y tế.

An Nguyên - vietq.vn