Hai anh em sinh đôi bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi
Mới đây, đơn vị Cấp cứu Nhi, Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển Uông Bí (Quảng Ninh) đã tiếp nhận 2 trường hợp bệnh nhi 3 tháng tuổi nhập viện trong tình trạng lơ mơ, da tái, tay chân lạnh biểu hiện ngộ độc cấp theo dõi sốc tim. Ngay sau đó các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu và điều trị tích cực cho trẻ.
Qua hỏi bệnh sử, các bác sĩ chẩn đoán trẻ bị ngộ độc cấp do sử dụng thuốc nhỏ mũi Naphazolin - một loại thuốc không dùng cho trẻ dưới 6 tuổi.
Ngộ độc thuốc nhỏ mũi có thể khiến trẻ tử vong
Theo thống kế, những trường hợp trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi là do các bậc cha mẹ tự ra mua thuốc về nhỏ mũi cho trẻ, không đọc hướng dẫn trước khi dùng, sử dụng không đúng thuốc và nhỏ mũi quá liều cho trẻ.
Các bác sĩ cho biết, trẻ bị ngộ độc thuốc nhỏ mũi có chứa naphazolin thường xuất hiện triệu chứng ngộ độc sau khi nhỏ mũi được 30 phút hoặc vài giờ như da tái xanh, chóng mặt, nhức đầu, vã mồ hôi, cao huyết áp, co mạch... Tác dụng của thuốc nhỏ mũi có chứa naphazolin là gây co mạch.
Khi bị nghẹt mũi, các mạch máu trong mũi bị giãn ra, sung huyết làm các niêm mạc bị phồng lên, gây nghẹt. Nếu nhỏ thuốc có chứa naphazolin vào sẽ làm các mạch máu trong mũi co lại, giúp mũi thông thoáng, giảm hiện tượng nghẹt mũi.
Tuy nhiên, khi nhỏ nhiều thuốc này sẽ thấm qua niêm mạc mũi, gây co mạch máu ở nhiều nơi khác trong cơ thể, làm tăng huyết áp, dẫn tới tăng nhịp tim, gây vã mồ hôi, chóng mặt, xuất huyết não... Nếu không cấp cứu kịp thời có thể dẫn đến tử vong.
Bên cạnh đó, PGS Nguyễn Tiến Dũng – Nguyên trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cũng đưa ra cảnh báo việc làm dụng các sản phẩm xịt mũi, rửa mũi cho trẻ. Điều này rất nguy hiểm có thể làm tăng các bệnh lý viêm mũi, viêm tai giữa, viêm xoang thậm chí thối tai ảnh hưởng tới thính lực của trẻ, gây ra điếc.
Xử lý viêm mũi như thế nào?
Các bác sĩ khuyến cáo cha mẹ nên thận trọng khi rửa mũi cho trẻ kể cả với nước muối sinh lý 0,9%. Ngoài ra, cha mẹ không nên rửa mũi cho trẻ thường xuyên nếu mũi con bình thường không viêm. Bởi lẽ, nếu rửa mũi cho trẻ quá nhiều sẽ làm mất đi lớp thảm nhầy bảo vệ mũi vốn có, gây tổn thương niêm mạc mũi, khiến mũi dễ viêm hơn.
Theo BSCKII Nguyễn Thị Hồng Lạc – Phó Giám đốc, kiêm trưởng Khoa Nhi, Bệnh viện Đa Khoa Nông nghiệp, Hà Nội cho biết thời điểm giao mùa, nồm ẩm là thời điểm trẻ dễ bị bệnh viêm mũi, họng.
Nhiều cha mẹ tự điều trị viêm mũi cho trẻ theo kinh nghiệm của bản thân hoặc các bà mẹ khác lan truyền trên mạng bằng hút rửa mũi, nhỏ thuốc lá, hoặc corticoit hoặc thuốc co mạch không cần đến bác sĩ chuyên khoa thăm khám và hướng dẫn cách sử trí.
Theo bác sĩ Hồng Lạc khi trẻ bị chảy nước mũi nếu nước mũi trong thì cha mẹ không cần hút rửa mũi chỉ cần dùng bông đã hấp tiệt trùng cuốn thành các “sâu kèn” để thấm dịch mũi cho trẻ vì lúc này nguyên nhân thường do viêm mũi dị ứng hoặc nhiễm virus(cúm B,C…) nếu cần có thể dùng kháng histamin theo chỉ định bác sĩ. Không lấy khăn chùi vì làm sây sát da cánh mũi của trẻ.
Không xịt nước muối quá mạnh tay, không nên sử dụng xi lanh để rửa mũi vì có thể gây áp lực lớn lên niêm mạc mũi. Với những lần rửa mũi đầu, trẻ có thể không hợp tác nên giãy giụa rất nhiều, mẹ không nên mất bình tĩnh và cố gắng làm đúng theo hướng dẫn để tránh việc bé bị sặc hay xước mũi. Nên rửa mũi khi bé trước khi ăn và lúc bé còn đang thức.