Động lực tăng trưởng trong và ngoài nước
Tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo sẽ phục hồi nhẹ trong năm 2024 ở mức khoảng 3%, đây là mức nền thấp trong những năm trở lại đây, phản ảnh các quốc gia đang phải đối mặt với những thách thức lớn: Lạm phát cao diễn ra dai dẳng và khó tiệm cận với mức lạm phát mục tiêu của nhiều quốc gia; Khủng hoảng thị trường bất động sản tiếp tục kéo dài tại nhiều quốc gia, gây ảnh hưởng đến nhiều nhóm ngành nghề hỗ trợ; Tác động lan tỏa từ cuộc xung đột tại Ukraina – Nga, Irsael và Hamas, hay cuộc chiến tại biển đỏ đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các tổ chức đều đồng loạt đưa ra nhận định về dự báo tăng trưởng GDP toàn cầu trong năm 2024 trong khoảng 2,9% - 3,1%.
Chứng khoán VietinBank (HoSE: CTS) dự báo sự phục hồi của nền kinh tế toàn cầu trong năm 2024 phụ thuộc vào chu kỳ đảo chiều chính sách tiền tệ của các NHTW trên thế giới, đặc biệt là FED và ECB, bên cạnh đó giá năng lượng giảm, giá lương thực ở mức nền thấp cũng góp phần làm giảm bớt lạm phát ở nhiều quốc gia trên thế giới.
Đối với các nền kinh tế phát triển lạm phát có thể sẽ giảm xuống khoảng 3% vào năm 2024. Với các nền kinh tế đang phát triển và thị trường mới nổi, lạm phát kỳ vọng sẽ đạt khoảng mức 3,5% - 4% trong năm 2024. Tuy nhiên, vẫn cần lưu ý rủi ro lạm phát có thể tăng trở lại do giá năng lượng và thực phẩm diễn biến khó lường, do đây là những mặt hàng chiếm tỉ trọng khá lớn trong việc tính toán lạm phát
Trong khi đó, Chứng khoán VietinBank dự báo tăng trưởng GDP năm 2024 của Việt Nam dựa trên ba kịch bản tích cực - cơ sở - tiêu cực, lần lượt, với tăng trưởng GDP đạt 6,5% - 6% - 5,5% và chỉ số CPI đạt 4% - 3,5% - 3%, phụ thuộc vào hoạt động thương mại quốc tế và dòng vốn đầu tư từ doanh nghiệp nước ngoài (FDI).
Trong bối cảnh dự báo về NHTW các nước bắt đầu ngừng tăng lãi suất và có thể bắt đầu các đợt cắt giảm lãi suất vào năm 2024, Việt Nam sẽ không gặp phải quá nhiều thách thức trong việc kiểm soát lạm phát.
Chứng khoán VietinBank dự báo lạm phát năm 2024 vẫn tiếp tục được kiểm soát tốt, đạt mục tiêu của Chính Phủ. Tuy nhiên, áp lực lạm phát vẫn tồn tại khi hiện tượng El Nino kéo dài và căng thẳng địa chinh trị tiếp tục diễn ra. Ngoài ra, lưu ý giá cả hàng hóa của một số mặt hàng thiết yếu trong nước bao gồm giá điện, xăng dầu, lương thực cũng có thể sẽ nằm trong xu hướng tăng giá.
Công ty chứng khoán này đánh giá động lực tăng trưởng nền kinh tế 2024 phụ thuộc vào việc Chính phủ giảm lãi suất mà vẫn đảm bảo tỉ giá và lạm phát ổn định nên biện pháp tăng cung tiền qua kích cầu đầu tư công và giảm thuế đối với một số mặt hàng chủ chốt bao gồm hàng hóa nhập khẩu, xăng dầu, điện, nước để tăng cầu nội địa sẽ tiếp tục được áp dụng.
VN-Index có thể chạm ngưỡng 1.320 điểm
Với những tác động vĩ mô nêu trên, Chứng khoán VietinBank dự báo VN-Index có thể kết thúc năm 2024 quanh mốc 1.250 -1.270 điểm.
Trong kịch bản tích cực, VN-Index biến động khá quanh vùng 1.290 – 1.320 điểm. Các điều kiện xảy ra kịch bản này bao gồm: Fed thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ mạnh từ tháng 4 đến cuối năm 2024 và không chịu áp lực suy thoái, tạo thêm dư địa cho NHNN giảm hoặc duy trì nền lãi suất điều hành thấp; PBOC tiến hành kích thích mạnh mẽ thị trường tiêu thụ Trung Quốc thông qua hàng loạt biện pháp, nhất là giảm mạnh lãi suất điều hành; Tốc độ tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp niêm yết đạt 9 - 10%.
Ở kịch bản tiêu cực, VN-Index biến động tiêu cực từ ảnh hưởng của các điều kiện vĩ mô và vi mô, chỉ số có thể điều chỉnh về ngưỡng 1.140 – 1.150 điểm kết thúc 2024. Các điều kiện xảy ra kịch bản này bao gồm: Lạm phát tại Mỹ tiếp tục duy trì ở mức cao, khiến Fed phải thực hiện duy trì lãi suất cao lâu hơn dự kiến, Mỹ rơi vào suy thoải, buộc NHNN phải nâng lãi suất điều hành trở lại; Các biện pháp kích thích kinh tế của PBOC không phát huy được hiệu quả, nhu cầu tiêu dùng tại thị trường Trung Quốc tiếp tục suy yếu; Tốc độ tăng trưởng trung bình của các doanh nghiệp niêm yết đạt mức tăng dưới 3%.
Về nhóm ngành, nhu cầu tiêu thụ thép dự báo sẽ tăng trong năm 2024. Nỗi lo về nguồn cung, chi phí vật liệu tăng cao được CTS đánh giá đã “hạ nhiệt” so với năm 2023. Công ty chứng khoán này dự báo nhu cầu tiêu thép có thể tăng nhẹ trở lại do tình hình thiếu hụt năng lượng đã được kiểm soát trên thế giới, khó khăn về chi phí vận chuyển, logistic đã được tháo gỡ, thúc đẩy đầu tư công mạnh mẽ của các quốc gia trên thế giới.
Động lực từ thúc đẩy đầu tư công có thể giúp ngành thép phát triển trong giai đoạn nửa cuối năm, chúng tôi dự báo giá thép có thể tăng 3% - 4% trong năm 2024. Đây là dấu hiệu tích cực cho các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thép như HPG, NKG, HSG.
Bên cạnh đó, các gói hỗ trợ của Trung Quốc đối với lĩnh vực bất động sản, xây dựng sẽ thúc cải thiện nhu cầu về thép – đây cũng là một trong những quốc gia tiêu thụ thép lớn nhất trên thế giới.
Trong giai đoạn từ năm 2014 – 2023, tốc độ tăng trưởng bán lẻ luôn tăng từ gấp rưỡi đến gấp đôi tốc độ tăng trưởng GDP toàn quốc ngoại trừ trong giai đoạn Covid-19 (2020 – 2021). Trong khi đó, tỉ trọng đóng góp của bán lẻ vào tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa là 59% vào năm 2023. Cũng trong năm này, tốc độ tăng trưởng bán lẻ đạt 10%, gấp đôi so với tăng trưởng GDP là 5%.
Do vậy, bước sang 2024 với kỳ vọng kinh tế phục hồi và tốc độ tăng trưởng GDP được dự báo từ 6% - 6,5% thì Chứng khoán VietinBank hoàn toàn có thể kỳ vọng vào sự tăng trưởng vượt trội của ngành bán lẻ.