Thời gian qua có thể thấy rõ sự hồi phục của nền kinh tế cũng như của thị trường bất động sản (BĐS) sau thời gian bị ảnh hưởng nặng nề do dịch Covid-19. Các doanh nghiệp BĐS đã và đang dần thích nghi và có kế hoạch chào bán mạnh với những sản phẩm dự án với tâm thế tăng tốc trong quý IV/2021 để bù lại khoảng thời gian đóng băng trong quý III.
Dù khủng hoảng nhưng không rơi vào cảnh trượt giá
Theo TS Sử Ngọc Khương - chuyên gia kinh tế, trong hai năm Covid, thị trường BĐS bị tác động rất khác so với những cuộc khủng hoảng kinh tế trước đây. Những năm 1997-1998, 2007-2008 hay 2011-2012, dù nhiều nguyên do khác nhau nhưng thị trường BĐS đều rơi vào cảnh bị giảm khoảng 30-40% giá cả.
Tuy nhiên, thời điểm Covid ảnh hưởng nặng nề nhất đến kinh tế năm 2020-2021, giá cả BĐS vẫn không bị mất giá. Lý giải về điều này, ông cho rằng có nhiều lí do khách quan và chủ quan.
Cụ thể, trong 5 năm vừa qua đối với thị trường bất động sản nói chung và BĐS Hà Nội, Tp.Hồ Chí Minh có những vấn đề liên quan đến việc thực hiện và quản lý dự án, do vậy nguồn cung trên thị trường có sự thiếu hụt. Hơn nữa, việc có những quỹ đất bù đắp cho sự thiếu hụt là thực sự khó khăn. Từ đó, mặt bằng chung, giá BĐS không có sự giảm nhiệt.
Mặt khác, bên cạnh BĐS du lịch, công nghiệp, văn phòng, căn hộ dịch vụ thì BĐS nhà ở luôn là điểm nóng của thị trường và được thể hiện rõ trong những năm vừa qua.
Ông đưa ra dẫn chứng, nếu tính thời điểm 2007-2008, nếu một dự án ở Quận 2 - Tp.HCM với giá 2500$ là một số tiền rất lớn, bây giờ ở Tp.HCM không còn những sản phẩm kiểu vậy nữa. Với 2500 USD, hiện tại chỉ có thể mua được những dự án ở vùng rìa thành phố, như vậy giá cả BĐS trong 10 năm vừa qua có sự tăng mạnh.
Đồng tình với quan điểm trên, PGS.TS Trần Đình Thiên, Nguyên Viện trưởng Viện kinh tế Việt Nam cho biết, lí do có thể căn cứ vào chính lịch sử của thị trường này, BĐS có lúc lên lúc xuống, nhưng không nên bi quan vào thị trường này.
Tuy có những cú sốc về kinh tế, song BĐS có lẽ là ngành phản ứng nhanh nhất. Từ đó có thể thấy xu hướng chung của nền kinh tế, có thể có độ sụt, nhưng xu hướng của cả tập thể sau giai đoạn này là đi lên, có thể nói còn rực rỡ hơn nữa.
“Phải nói thị trường BĐS hiện nay đang thể hiện những chỉ số “bừng sáng", không phải “hửng sáng" bởi nó có những dấu hiệu rất rõ rệt”, ông nhấn mạnh thêm.
Theo ông Dương Cao Tường, Chủ tịch Công ty TNHH Sàn giao dịch BĐS TLH: “Doanh nghiệp (DN) có sự kỳ vọng vào tăng giá BĐS, bởi viễn cảnh BĐS giảm giá là rất khó xảy ra”.
Bởi hiện tại, việc triển khai dự án gặp khá nhiều khó khăn, đồng thời về thủ tục hành chính quy trình kéo dài, khi đó phát sinh ra nhiều chi phí, sau này cũng phải cộng vào giá BĐS, quỹ đất trong thành phố ngày càng hạn hẹp.
Sự dịch chuyển của dòng tiền vào thị trường BĐS
Thời gian vừa qua, các chủ đầu tư đưa ra nhiều chương trình về thanh toán thuận lợi, tài trợ lãi suất, thậm chí là cả chính sách nhận nhà vào ở và vẫn tiến hành thanh toán. Nên đã có rất nhiều hợp đồng được ký thành công trong thời điểm này.
Lí giải về hiện tượng này, nhiều chuyên gia cho rằng lãi suất thấp ở tất cả các nước và cả ở Việt Nam khiến cho dòng tiền hướng tới thị trường BĐS như một lựa chọn tối ưu.
Dưới góc độ doanh nghiệp, ông Dương Cao Tường cho rằng: “Đây là lịch sử lần đầu tiên DN trong nước hay cả trên TG trải qua. Tuy nhiên, hiện tại chúng ta có rất nhiều điểm sáng để kỳ vọng vào sự phục hồi của thị trường bất động sản”.
Đầu tiên nhờ gói hỗ trợ của nhà nước, điều đó sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp, từ đó đánh thẳng vào túi tiền, giảm áp lực cho người mua.
Về vấn đề này, PGS.TS Trần Đình Thiên cho rằng, Chính phủ đã đưa ra những chính sách khiến chúng ta không thể không lạc quan, cụ thể là gói chính sách hỗ trợ cho những doanh nghiệp, đây không được hiểu theo dạng gói cấp cứu theo đợt ngắn ngủi mà là một gói lớn và dài hạn để xoay chuyển tình thế của nền kinh tế.
Mặt khác, dù đại dịch nhưng lòng tin của người dân vào triển vọng của nền kinh tế cũng rất mạnh mẽ và không bị hoảng loạn như trong các đợt khủng hoảng kinh tế trước đây.
Theo TS Khương, với bối cảnh hiện tại, thị trường đang ấm lên, tiềm lực dựa vào người mua có nhu cầu ở thật, do vậy đó không phải thị trường ảo. Đối với những người có thu nhập vừa phải, trung cao thì sản phẩm BĐS chính là đại diện cho thị trường.
Bên cạnh đó, ta cũng có thể thấy thị trường khác cũng đang lên, do đó ngoài lí do người mua có nhu cầu ở thật thì người đầu tư cũng rất tỉnh táo, họ chuyển hướng dòng tiền của họ sang những kênh đầu tư khác nhau chứng khoán, vàng và ngoại tệ.
Đây là những điều thể hiện nếu thị trường BĐS đáp ứng được nhu cầu của người đầu tư thì dòng tiền sẽ hướng tới lĩnh vực BĐS. Ông giải thích thêm, đối với người Châu Á nói chung và người VN nói riêng, BĐS luôn là “điểm nóng" của những nhà đầu tư cá nhân và những nhà đầu tư tổ chức. Điều này sẽ còn gia tăng khi dân số Việt Nam tăng cao, lực lượng lao động trẻ hoá và tư tưởng về sống riêng thay đổi.
Bên cạnh đó, dưới sự đánh giá từ phía doanh nghiệp BĐS, xu hướng đầu tư ra bên ngoài khu trung tâm sẽ tăng cao, người trẻ hiện nay đầu tư vào thị trường này cũng rất nhiều. Hơn nữa, thời điểm những nhà đầu tư chốt lời từ những thị trường như chứng khoánn, vàng, tiền tệ, thì họ sẽ cần những kênh để đầu tư vững chắc, tạo ra giá trị lớn hơn và đó chính là BĐS. Bởi BĐS là một giá trị thực, dòng tiền dồn vào BĐS theo đánh giá của doanh nghiệp sẽ mạnh mẽ và rực rỡ nhất vào thời điểm Quý I/2022.
Tuy nhiên, “Chúng ta cũng tuyệt đối không thể ảo tưởng được, bởi những khó khăn hiện tại vẫn còn đó, nền kinh tế đang khá yếu, độ mở của thế giới cũng vậy”, ông Trần Đình Thiên mở ra góc nhìn toàn cảnh.
Do vậy, chúng ta vẫn cần nhìn thế giới để đo lường khả năng trong nước. Có rất nhiều gói hỗ trợ được tung ra song vẫn còn bất ổn hiện hữu, chỉ cần có cơ hội, nhưng bất ổn đó hoàn toàn có thể bùng phát trở lại. Vậy nên, chúng ta tích cực nhưng cũng phải có một cái nhìn dựa trên thực tế.
Theo Người Đưa Tin