Chuyên gia nói gì về hiện tượng “đổ mồ hôi thịt”?

Một số người cho rằng ăn quá nhiều thịt trong một lần có thể gây ra đổ mồ hôi quá mức, được gọi là hiện tượng “đổ mồ hôi thịt". Điều này có đúng hay không?

Quan niệm ăn nhiều thịt có thể khiến cơ thể đổ mồ hôi đã tồn tại nhiều thập kỷ. Các nhà khoa học chưa rõ quan niệm này ra đời từ khi nào, nhưng nó trở nên phổ biến hơn trong khoảng những năm 2000.

Tiến sĩ Donald Layman, Đại học Illinois Urbana-Champaign, cho biết, một số bằng chứng cho thấy chế độ ăn giàu protein làm tăng nhiệt độ cơ thể. Dù vậy, hầu hết nghiên cứu về vấn đề này đều ở quy mô nhỏ, được thực hiện từ hàng thập kỷ trước.

Ví dụ, trong một nghiên cứu mang tính bước ngoặt được công bố năm 2002, các nhà nghiên cứu từ Đại học bang Arizona (Mỹ) đã yêu cầu 10 phụ nữ trẻ tiêu thụ các bữa ăn giàu protein hoặc nhiều carbohydrate trong một ngày và thực hiện nhiều phép đo khác nhau, bao gồm cả đo nhiệt độ cơ thể.

Sau đó từ bốn đến tám tuần, họ lặp lại thực nghiệm nhưng ăn chế độ ăn ngược với lần trước.

Kết quả cho thấy mức tăng nhiệt độ cơ thể trung bình của các nữ tình nguyện viên cao hơn gần 60% sau khi ăn bữa ăn giàu protein so với sau khi ăn bữa ăn giàu carbohydrate. Các nghiên cứu nhỏ khác kết luận rằng điều tương tự cũng xảy ra ở nam giới.

Marie-Pierre St-Onge, Phó giáo sư y học dinh dưỡng tại Đại học Bác sĩ Vagelos, cho biết khi tiêu thụ protein, cơ thể phải sử dụng nhiều năng lượng hơn nhằm tiêu hóa thức ăn. Điều này vô tình giải phóng một lượng nhiệt. Nguyên nhân là protein khó phân hủy hơn carbs hoặc chất béo.

Nghiên cứu Dinh dưỡng, Tập thể dục và Sức khỏe McMaster tại Đại học McMaster ở Hamilton, Ontario, cũng cho thấy quá trình tiêu hóa protein tiêu hao nhiều năng lượng hơn. Cơ thể sử dụng protein nạp vào để tạo ra lượng protein mới. Giai đoạn này cơ thể cũng sinh nhiệt.

Trong một nghiên cứu nhỏ được công bố vào năm 1999, các nhà khoa học cũng phát hiện ra rằng khi 8 phụ nữ theo chế độ ăn nhiều protein trong một ngày, họ đốt cháy trung bình nhiều hơn 87 calo so với khi họ theo chế độ ăn nhiều chất béo.

Mặc dù protein làm ấm cơ thể nhưng các chuyên gia không tin rằng ăn nhiều thịt sẽ khiến một người đổ mồ hôi nhiều. Có thể một ai đó sẽ đổ mồ hôi nhiều sau khi ăn thịt nhưng không có nghĩa tất cả mọi người đều như vậy.

Thịt có thể không gây đổ mồ hôi vì mặc dù protein làm tăng nhiệt độ cơ thể nhiều hơn các chất dinh dưỡng đa lượng khác nhưng mức tăng nhiệt tương đối nhỏ. Nhiệt độ của các phụ nữ trong nghiên cứu năm 2002 chỉ cao hơn thân nhiệt trung bình khoảng 0,2 đến 0,3 độ C sau khi thực hiện chế độ ăn nhiều protein.

Tiến sĩ Donald Layman cho rằng ăn thịt nhiều đến đổ mồ hôi hột là lời đồn mang tính phóng đại hơn là sự thực. Theo ông, mức nhiệt chênh lệch không đủ lớn để cơ thể chúng ta đổ mồ hôi.

Phó giáo sư St-Onge cũng nhấn mạnh một số người có thể cảm thấy nóng hơn sau khi ăn thịt, nhưng không có nghĩa họ sẽ đổ mồ hôi đầm đìa. “Tôi không nghĩ rằng họ sẽ đổ mồ hôi đầm đìa trừ khi người đó đã ở một nơi nóng nực như giữa một ngày hè đổ lửa”, Phó giáo sư St-Onge nói.

Minh Hoa (t/h)