XEM VIDEO: Thanh Lam hát "Chia tay hoàng hôn" - nhạc phẩm nổi tiếng của cha.
Chuyện tình của người nhạc sĩ “xấu trai” và cô nữ sinh 15 tuổi mộng mơ
Diva Thanh Lam được sinh ra từ sự kết tinh của một người cha tài hoa và người mẹ “sắc nước hương trời”. Bố cô cố nhạc sĩ Thuận Yến là một cây đại thụ của nền âm nhạc Việt Nam. Ông tên thật là Đoàn Hữu Công, sinh năm 1932 tại Quảng Nam. Nhạc sĩ Thuận Yến là tác giả của nhiều ca khúc nổi tiếng như Mỗi bác ta đi, Mỗi bức thư Bác sáng ngời niềm tin, Bác Hồ một tình yêu bao la, Chia tay hoàng hôn, Màu hoa đỏ, Em tôi, Khát vọng… Gia tài của ông đồ sộ với hơn 500 bài hát.
Nhạc sĩ Thuận Yến mang quân hàm Đại tá và từng giữ chức Trưởng ban Âm nhạc Đài Tiếng nói Việt Nam. Ông là một người giàu cảm xúc, sống hết mình với tình yêu và gia đình. Cuộc đời ông không chỉ được ghi nhớ bởi những bản tình ca sâu lắng, mà còn bởi mối tình đẹp như cổ tích với NSƯT Hồ Thanh Hương - mẹ của Thanh Lam.
Nhạc sĩ Thuận Yến và nghệ sĩ Thanh Hương ngày trẻ.
Cuối những năm 1950 -đầu 1960, khi mới 15 tuổi, NSƯT Thanh Hương đang là nữ sinh trường Nhạc viện Hà Nội, đã lọt vào “mắt xanh” của một chàng trai gầy gò, đen nhẻm đến từ mảnh đất Quảng Nam. Dù được nhiều người theo đuổi, bà lại bị chinh phục bởi chính người đàn ông mà bà từng thổ lộ: "Năm tôi mới 15 tuổi, đang theo học ở Nhạc viện Hà Nội đã 'bị' ông ấy để ý, theo đuổi. Lúc trẻ ông ấy gầy và rất xấu trai nhưng càng sống cùng, tôi càng thấy yêu nhiều hơn".
Nhạc sĩ Thuận Yến từng bị nhiều cô gái bỏ vì “cái tội... xấu trai”, nhưng chính tâm hồn lãng mạn, nghệ sĩ cùng sự kiên trì đã giúp ông chiếm được trái tim người con gái xinh đẹp và tài năng ấy. NSƯT Thanh Hương đã nói rất thật lòng: "Ông ấy thật thà, chân thành và kiên trì theo đuổi quá!"
Theo miêu tả của mẹ Thanh Lam, hồi đó bố cô "vừa gầy, vừa đen, vừa xấu trai".
Tình yêu của họ kéo dài 8 năm trước khi tổ chức đám cưới vào năm 1968 nhưng chiến tranh chia cắt hai vợ chồng. Nhạc sĩ Thuận Yến được điều vào chiến trường Bình Trị Thiên, còn NSƯT Thanh Hương tình nguyện theo ông, từ bỏ công việc giảng dạy để sát cánh nơi tuyến lửa. Đám cưới diễn ra giản dị ngay trong chiến khu.
Cuộc chia tay sau đám cưới diễn ra đúng mồng 3 Tết Mậu Thân, khi Thuận Yến lên đường còn Thanh Hương phải điều trị bệnh. Trong ký ức của bà, một mảnh thư chỉ vỏn vẹn hai dòng của ông gửi về cũng đủ làm bà bật khóc: "Em yêu! Anh vẫn còn sống".
Tác giả "Màu hoa đỏ" và vợ có tình yêu son sắt.
Chính thời khắc chia xa ấy đã mang lại cho âm nhạc Việt một bản tình ca bất hủ - Chia tay hoàng hôn, cũng là bệ phóng đưa Thanh Lam đoạt giải Nhất đơn ca nhạc nhẹ toàn quốc năm 1991.
Người cha nuôi con giữa bom đạn, người nghệ sĩ sống trọn tình yêu đến hơi thở cuối
Ít ai biết rằng, khi vợ mang thai Thanh Lam, nhạc sĩ Thuận Yến vẫn còn trong chiến khu và không hề hay biết. Ông chỉ biết mình sắp làm cha khi nhận tin từ hậu phương. Trong hoàn cảnh thiếu thốn, vợ ông đã từng nghĩ đến chuyện từ bỏ đứa bé vì sợ không đủ điều kiện nuôi con.
Nhưng rồi, như ông kể: "Bà ấy (nghệ sĩ đàn tỳ bà Thanh Hương) nghĩ chắc không thể đủ nuôi con nên đã tính chuyện nạo thai, nhưng mọi người khuyên rằng, không biết tôi có còn sống để trở về không nữa nên giữ Lam lại".
Vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến và 2 người con.
Khi Thanh Lam mới sinh, bà mắc bệnh nên mọi việc chăm con đều do một tay nhạc sĩ đảm đương. Ông vừa học đại học vừa nuôi con. Nam nhạc sĩ từng kể lại kỷ niệm sơ tán cùng con gái giữa bom đạn: "Tôi đèo con cùng lỉnh kỉnh xoong, nồi, gạo, nước lên Phổ Yên sơ tán. Phà ra đến giữa sông Hồng thì có báo động, cũng chả biết làm cách nào nên cứ quyết định đi, phó mặt cho số phận. Nhưng rồi trời thương cho cả hai bố con còn sống cả".
Dù thời cuộc khó khăn, ông vẫn kiên trì nuôi dạy con, cho Thanh Lam tham gia đội Chim sơn ca, thi vào Nhạc viện Hà Nội, rồi xin chuyển sang khoa Thanh nhạc bất chấp quy định ngặt nghèo. Khi bị yêu cầu "sau một năm nếu không hát được thì buộc phải rời Nhạc viện", ông không hề nao núng: "Tôi tin là Lam không thể thất bại". Đúng như niềm tin ấy, Thanh Lam đã trở thành diva đầu tiên của nhạc nhẹ Việt Nam – một phần là nhờ bàn tay nâng đỡ âm nhạc từ người cha.
Nhạc sĩ Thuận Yến từng dám chắc rằng: "Tôi tin là Lam không thể thất bại".
Trong ký ức của cố nhạc sĩ Thuận Yến, dấu mốc đầu tiên hé lộ năng khiếu âm nhạc của con gái ông đến từ một buổi học đàn đầy bất ngờ. Khi ấy, ông đưa cô bé Lam theo vào lớp học piano. Tại đây, các giáo viên đã mời cô bé lên đàn để thử phản xạ âm thanh.
Không ngờ, dù các cô giáo đánh ở bất kỳ tone nào, Thanh Lam đều có thể nhận diện và đọc chính xác. Năng lực cảm âm bẩm sinh ấy khiến cả lớp sửng sốt. Ngay cả nhạc sĩ Thuận Yến cũng không khỏi ngạc nhiên, ông từng chia sẻ: “Thực sự lúc đó tôi cũng không nghĩ sau này Thanh Lam thành ca sĩ đâu”.
Chính từ trải nghiệm đặc biệt ấy, vợ chồng ông bắt đầu định hướng cho Thanh Lam theo con đường thanh nhạc. Mỗi lần nhắc tới con gái, người nhạc sĩ tài hoa không giấu được niềm tự hào: “Đó là trời cho, trời ban tặng cho tôi cô con gái tài năng bẩm sinh”.
Ông tự hào về người con gái tài năng bẩm sinh.
Trong chương trình Cuộc hẹn cuối tuần, Thanh Lam kể, khi cô đi biểu diễn, bố thường chở đi và ngồi dưới hàng ghế khán giả. "Ba lạch cạch chở tôi trên con đường đê, hai bên là bờ ruộng. Có lần, chắc ông mải nghĩ chuyện sáng tác, không để ý đường nên hai bố con ngã nhào vào đống rác", cô nhớ lại.
Khi nhạc sĩ Thuận Yến qua đời năm 2014, gia đình đã tìm thấy một cuốn sổ dày hơn một gang tay - nơi ông lưu lại mọi dấu mốc trong cuộc đời nghệ thuật của con gái. Từ những tấm ảnh đầu đời, phiếu bé ngoan, bài báo viết về Thanh Lam, cho đến tấm vé máy bay đầu tiên chị cầm khi sang Cuba biểu diễn, tất cả đều được ông gìn giữ như những báu vật vô giá.
Nam nhạc sĩ bên vợ con những năm cuối đời.
Những năm cuối đời, nhạc sĩ Thuận Yến mắc bệnh Alzheimer. Ông dần quên tên con cháu, quên những người bạn thân thiết, nhưng riêng ký ức về vợ thì chưa bao giờ phai nhạt. NSƯT Thanh Hương trở thành chỗ dựa duy nhất - người bạn đời, người chăm sóc từng bữa ăn, giấc ngủ. Tùng Dương - người em thân thiết của Thanh Lam từng chia sẻ: "Bao nhiêu năm rồi, bà vẫn dành tình yêu cho ông như thế. Bà luôn là người phụ nữ kiên cường, chịu khó, ngọt ngào và dịu dàng ở bên ông".
Bên cạnh Thanh Lam, tác giả Màu hoa đỏ và vợ có con trai là DJ, nhạc sĩ Trí Minh. Hai con đều theo đuổi âm nhạc là niềm tự hào của vợ chồng nhạc sĩ Thuận Yến. Ở tuổi 80, nam nhạc sĩ qua đời tại nhà riêng sau nhiều năm lâm bệnh. Người nhạc sĩ tài hoa, người cha vĩ đại của Thanh Lam đã “chia tay hoàng hôn”, nhưng những khúc ca của ông vẫn cháy mãi cùng năm tháng.
Không chỉ các con, ông đã truyền nhiều tình yêu âm nhạc cho các cháu.