Cô giáo ra đề văn tả cây cối, bé tiểu học kể về “cây cho ra tiền” khiến ai đọc cũng cười bể bụng

Quả thực cây này ngày nào cũng có người “chăm sóc”.

Văn miêu tả ở bậc tiểu học là dạng văn đòi hỏi trẻ muốn viết tốt thì cần phải có sự quan sát nhanh nhạy, kỹ càng mọi thứ ở xung quanh. Tuy nhiên khác với người lớn, trẻ tiểu học chưa có sự nhận thức hoàn thiện, trong suy nghĩ các bé vẫn còn rất ngây thơ. Chính vì lẽ đó mà những bài tập làm văn được sản xuất ra đời nhiều lúc sẽ khiến thầy cô, bố mẹ hay bất kỳ ai đọc vào cũng bất ngờ vì quá bá đạo.

Ví dụ như bài tập làm văn với đề bài được cô giáo yêu cầu “tả cây cối em yêu thích” dưới đây của một nhóc tì tiểu học, khiến dân tình không sao nhịn được cười. Cụ thể, với đề bài này, học sinh đã lựa chọn đối tượng mình muốn miêu tả là một cái “cây cho ra tiền”.

Toàn bộ bài văn được miêu tả cực kỳ chi tiết, câu từ dễ hiểu. Cho thấy học sinh này có kỹ năng viết, lượng từ vựng khá tốt. Tuy nhiên, theo đề bài tả cây cối, thì quả thực cái cây mà nhóc tỳ nhắc đến có phần “hơi lạ”, cũng được gọi với cái tên là cây, nhưng cây này thực tế không thể được xếp vào dòng họ cây cối.

Mặc dù lạc đề nhưng ai cũng phải công nhận, đây là cái cây mà nhiều người lui tới mỗi ngày, “không thể thiếu” trong cuộc sống và tất cả mọi người đều rất thích nó. Học sinh phải có khả năng quan sát nhạy bén lắm thì mới nghĩ ra cái cây này để đưa vào bài văn.

Cụ thể, “cây cho ra tiền” được học sinh tả như sau:

"Gần nhà em có rất nhiều cây. Cây phượng có, cây mai có, cây đa cũng có. Nhưng gia đình em thích nhất cây... ATM. Hằng ngày, người người đến chăm sóc.

Cây ATM đó thuộc ngân hàng. Nó màu xanh dương, có màn hình và các nút để bấm chọn số tiền mình cần. Ngoài ra nó còn có các chỗ để lấy tiền, chỗ để rút thẻ. Nó rất cao và to, ngày nào đi cùng mẹ, em cũng thấy mẹ em khổ sở đứng trên bậc tam cấp để rút tiền.

Em rất quý cây ATM này vì cây chẳng những cho ra tiền, mà nó còn làm đẹp khu phố nhà em".

Bài văn cho thấy sức sáng tạo không tưởng của trẻ tiểu học. Đây là một kỹ năng rất cần thiết để trẻ có thể học tốt môn tập làm văn, đặc biệt là ở các dạng văn như miêu tả. 

Ảnh minh hoạ

3 phương pháp giúp học sinh học tốt văn miêu tả:

- Tập trung vào các yếu tố cốt lõi của văn miêu tả

Việc hướng dẫn học sinh quan sát kỹ lưỡng đối tượng là cơ sở quan trọng để trẻ có thể miêu tả chân thực và sinh động. Học sinh cần chú ý đến các chi tiết nhỏ nhặt như màu sắc, âm thanh, mùi vị, cảm xúc của đối tượng. Điều này giúp trẻ tích lũy vốn từ vựng phong phú và biết cách sử dụng ngôn từ sáng tạo, hình ảnh ẩn dụ để tái hiện đối tượng. Bên cạnh đó, việc tổ chức ý tưởng một cách logic, có trọng tâm cũng là yếu tố then chốt, giúp bài viết miêu tả mạch lạc, dễ hiểu.

- Đa dạng các chủ đề và góc nhìn miêu tả

Việc mở rộng phạm vi miêu tả, không chỉ giới hạn ở con người mà còn có thể bao gồm thiên nhiên, cảnh vật, không gian, thời gian sẽ giúp học sinh tiếp cận với nhiều đối tượng và chủ đề khác nhau. Điều này không chỉ rèn luyện kỹ năng quan sát mà còn giúp trẻ phát triển tư duy sáng tạo, linh hoạt. Ngoài ra, khuyến khích học sinh thử miêu tả từ các góc nhìn khác nhau, như của người quan sát hay nhân vật chính, sẽ giúp trẻ tiếp cận đối tượng miêu tả dưới nhiều khía cạnh khác nhau, làm phong phú thêm bài viết.

- Sử dụng các phương pháp dạy học tích cực

Việc tổ chức các hoạt động trải nghiệm, quan sát thực tế giúp cung cấp nguồn cảm hứng và những hiểu biết sâu sắc về đối tượng miêu tả cho học sinh. Điều này góp phần nâng cao chất lượng bài viết của trẻ. Ngoài ra, áp dụng phương pháp học tập hợp tác, cho học sinh thực hành viết và chia sẻ, nhận phản hồi cũng rất hiệu quả. Việc này không chỉ giúp học sinh học hỏi lẫn nhau mà còn giúp bé tự tin hơn trong quá trình sáng tạo. 

KIỀU TRANG