Con 1 tuổi ở nhà với mẹ và bà nội, camera ghi lại cảnh tượng kinh hoàng trong nhà bếp khiến nhiều người xót xa

Người mẹ và bà bị chỉ trích dữ dội.

Chăm sóc con nhỏ, ngoài việc bố mẹ quan tâm đến chuyện ăn uống, ngủ nghỉ của con thì vấn đề về an toàn cần phải được chú ý hàng đầu. Bởi trẻ trong giai đoạn này chưa có năng lực tự bảo vệ bản thân, chính vì thế chỉ cần người lớn để con ra khỏi tầm mắt, bé có thể rơi vào tình huống nguy hiểm bất cứ lúc nào.

Mới đây, mạng xã hội lan truyền đoạn video được trích ra từ camera của một gia đình khiến dân tình sau khi xem xong những diễn biến xảy ra thì vô cùng tức giận. Cụ thể, trong clip là cảnh một người mẹ và người bà, cùng em bé tầm 1 tuổi đang ngồi ăn ở phòng bếp. 

Mọi chuyện sẽ không có gì đáng nói, nếu như mẹ và bà cùng trông bé nhưng lại lơ là. Trong khoảng thời gian cả hai bỏ đi làm việc riêng, để em bé tự ngồi chơi một mình trên chiếc ghế đồ ăn khá cao dẫn đến tai nạn đáng tiếc xảy ra. Cậu nhóc đã lộn nhào, đập mặt xuống đất khi đang cố gắng với lấy đồ chơi bị rơi của mình.

Cú ngã khá mạnh khiến đứa trẻ bị đau và khóc điếng lên, lúc này người mẹ và bà nghe tiếng động mạnh mới hớt hãi chạy đến kiểm tra, bế bé lên dỗ dành. Xem đoạn video, tiếng khóc thét của bé trai cũng đủ để nhiều người đoán biết được tính nghiêm trọng của tình huống tai nạn này. Dù nặng hay nhẹ thì ngay sau đó, người mẹ và bà cũng cần phải đưa đứa trẻ đến bệnh viện kiểm tra, để tránh hậu quả đáng tiếc về sau. 

Rất nhiều dân tình lên tiếng chỉ trích, phẫn nộ trước sự chủ quan của người lớn trong quá trình trông nom em bé. Trong những tai nạn thế này, đứa trẻ không sao thì đó là một sự may mắn, tuy nhiên nếu hậu quả nguy hiểm đến sức khoẻ, thậm chí là tính mạng của con trẻ thì chắc chắn bố mẹ sẽ phải hối hận cả đời vì bản thân đã không chăm sóc con cẩn thận.

Tai nạn ngã từ trên ghế hoặc giường xuống đất phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Những hậu quả để lại cho đứa trẻ có thể khiến bố mẹ không thể hình dung được. So với vết bầm trên da, thịt rõ ràng, những nguy hiểm tiềm ẩn nghiêm trọng hơn ẩn chứa ở một số nơi không nhìn thấy được, như gãy xương, chấn thương nội sọ....

Vậy, nên làm gì khi con bị ngã từ trên cao xuống?

- Đừng bế trẻ lên ngay lập tức

Trước tiên hãy quan sát bé và nhìn vào nơi đứa trẻ ngã. Đó là vùng như thế nào, liệu con có thể có những vết thương hoặc gãy xương ở đâu không, con có khóc không... Sau đó mới bế con lên.

- Nếu có một cục u trên đầu, đừng chà xát nó bằng tay

Về cơ bản, đây là hành động theo thói quen của mỗi phụ huynh, mục đích là để an ủi đứa trẻ "không sao, không sao". Trên thực tế, nếu có một khối máu tụ trên đầu của trẻ, mẹ nên đưa ngay con đến bác sĩ để được thăm khám kỹ càng.

- Hãy cẩn thận quan sát phản ứng con trong vòng một hoặc hai ngày

Nhìn vào trạng thái tinh thần, tâm trạng và chuyển động, hành vi của em bé ít nhất 2 ngày sau tai nạn. Nếu có các biểu hiện buồn ngủ, ngủ nhiều hơn bình thường, nôn mửa, chảy máu tai và mũi, đừng ngần ngại, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức.

- Cách thức xử lý đúng khi con ngã phải là:

1. Quan sát trong vài giây đầu xem con thế nào, cú ngã có thực sự mạnh….

2. Để ý xem bàn tay, bàn chân, cánh tay, đầu con có bị sưng, bầm tím hay xước không.

3. Để ý tình trạng cảm xúc của con: Con ngủ sâu sau khi ngã, trông tỉnh táo, linh hoạt hay có vấn đề gì khác không?

Ảnh minh hoạ

Tuy nhiên, dù trẻ chắc chắn sẽ gặp phải những va chạm trong quá trình lớn lên thì cha mẹ vẫn nên thực hiện một số biện pháp phòng ngừa để giúp con an toàn hơn:

- Cố gắng ở chung phòng với các giường khác nhau trong giai đoạn trẻ sơ sinh

Học viện Nhi khoa Hoa Kỳ khuyến cáo, để giảm nguy cơ đột tử ở trẻ sơ sinh, trẻ nên ngủ trong cũi hoặc nôi riêng ở cùng phòng với bố mẹ cho đến khi được 1 tuổi.

- Tránh để bé một mình trên giường lớn hoặc ghế sofa

Một số cha mẹ cho rằng con mình còn khá nhỏ, chưa biết lăn lộn nên sẽ để con một mình trên ghế sofa hoặc giường để đi lấy bỉm, bình sữa. Tuy nhiên, chúng ta luôn đánh giá quá thấp khả năng vận động của trẻ, cho dù trẻ không thể lăn thì bạn cũng không biết khi nào trẻ sẽ lăn xuống từ những nơi này.

Vì vậy, hãy cố gắng tránh để bé một mình trên giường lớn hoặc ghế sofa mà hãy đặt bé trên giường có lan can hoặc thảm trải sàn sẽ an toàn hơn.

- Trải thảm bảo vệ lên sàn nhà

Khi bé lớn hơn, cha mẹ có thể trải thảm hoặc chiếu bảo vệ xuống sàn để làm chỗ đệm nếu bé chẳng may bị ngã, đồng thời có thể cho bé tập ngồi hoặc bò nhiều hơn.

Bò là một giai đoạn quan trọng trong quá trình phát triển của trẻ, nó có thể rèn luyện sức mạnh cơ bắp của trẻ, thúc đẩy sự phát triển các cử động thô và tinh của bé, tăng cường khả năng phối hợp tay và mắt và rèn luyện khả năng giữ thăng bằng cho trẻ.

KIỀU TRANG