Vừa qua, Chính phủ vừa ban hành Nghị định 151/2024 quy định về thiết bị giám sát hành trình lắp trên xe ô tô kinh doanh vận tải, xe ô tô đầu kéo, xe cứu thương, xe cứu hộ giao thông đường bộ. Nghị định 151/2024 có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2025.
Trong đó, điều 18 của Nghị định quy định các loại xe được lắp đặt, sử dụng thiết bị phát tín hiệu của xe ưu tiên 18 gồm:
1. Xe chữa cháy của Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ và xe chữa cháy của các lực lượng khác được huy động đi làm nhiệm vụ chữa cháy.
2. Xe của lực lượng quân sự đi làm nhiệm vụ khẩn cấp bao gồm: xe quân sự đi thực hiện nhiệm vụ chỉ huy chữa cháy, cứu nạn, cứu hộ, chỉ huy tác chiến, thông tin làm nhiệm vụ hoả tốc, chỉ huy đoàn hành quân, xe làm nhiệm vụ kiểm soát quân sự, kiểm tra xe quân sự, bảo vệ đoàn; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện hoạt động điều tra khác, áp giải bị can, bị cáo, phạm nhân; tham gia phòng, chống khủng bố.
3. Xe của lực lượng công an đi làm nhiệm vụ khẩn cấp bao gồm: xe Cảnh sát giao thông đi làm nhiệm vụ tuần tra, kiểm tra, kiểm soát, chỉ huy, điều khiển, điều tra, giải quyết tai nạn giao thông; xe đi làm nhiệm vụ cảnh vệ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ; xe thực hiện nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện hoạt động điều tra khác, áp giải bị can, bị cáo, phạm nhân; xe thông tin làm nhiệm vụ hỏa tốc; xe đi làm nhiệm vụ chống biểu tình, bạo loạn, giải tán đám đông gây rối trật tự công cộng; xe đi làm nhiệm vụ phòng, chống khủng bố, giải cứu con tin.
4. Xe của lực lượng kiểm sát đi làm nhiệm vụ khẩn cấp bao gồm: xe đi làm nhiệm vụ bắt, khám xét hoặc thực hiện hoạt động điều tra khác.
5. Xe Cảnh sát giao thông dẫn đường.
6. Xe cứu thương đi làm nhiệm vụ cấp cứu.
7. Xe hộ đê đi làm nhiệm vụ; xe đi làm nhiệm vụ cứu nạn, cứu hộ, khắc phục sự cố thiên tai, dịch bệnh.
8. Xe đi làm nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp theo quy định của pháp luật bao gồm: xe phục vụ Ban chỉ đạo, xe phục vụ các lực lượng chức năng được huy động tham gia thực hiện nhiệm vụ khi tình trạng khẩn cấp được ban bố.
Ngoài ra, một nội dung đáng chú ý tại Nghị định 151/2024/NĐ-CP là quy định về giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ trong các cơ sở giáo dục, cụ thể:
- Nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với trẻ em tại cơ sở giáo dục mầm non bao gồm:
+ Nhận biết loại phương tiện giao thông đường bộ;
+ Nhận biết đèn tín hiệu giao thông, ý nghĩa tín hiệu đèn và một số biển báo hiệu đường bộ thường gặp;
+ An toàn khi đi bộ, trên các phương tiện giao thông đường bộ;
+ Biết đội mũ bảo hiểm đúng cách;
+ Nơi vui chơi an toàn;
+ Những nguy hiểm, hậu quả khi không tuân thủ quy định an toàn giao thông đường bộ.
- Nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với học sinh tiểu học bao gồm:
+ Nhận biết hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; tín hiệu đèn giao thông; biển báo hiệu đường bộ thường gặp;
+ Một số quy tắc giao thông đường bộ thường gặp; nhận biết được sự cần thiết phải tuân thủ quy tắc giao thông đường bộ;
+ Đi qua đường bộ an toàn;
+ Chọn và đội mũ bảo hiểm đúng cách;
+ Lên, xuống xe đạp, xe gắn máy, xe mô tô an toàn;
+ Làm quen với xe đạp và cách điều khiển xe đạp an toàn;
+ Một số kỹ năng phòng tránh tai nạn giao thông đường bộ.
- Nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với học sinh trung học cơ sở bao gồm:
+ Quy tắc giao thông đường bộ;
+ Nhận biết và chấp hành báo hiệu đường bộ;
+ Đội mũ bảo hiểm đạt chuẩn và cài quai đúng quy cách khi tham gia giao thông đường bộ;
+ An toàn khi ngồi trên xe cơ giới;
+ Cách điều khiển xe đạp, xe đạp điện an toàn;
+ Phòng ngừa rủi ro, hậu quả của tai nạn giao thông và xử lý sự cố giao thông.
- Nội dung giáo dục kiến thức pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ đối với học sinh trung học phổ thông, học sinh cơ sở giáo dục nghề nghiệp bao gồm:
+ Quy tắc giao thông đường bộ; báo hiệu đường bộ; tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới;
+ Dự đoán và phòng tránh nguy hiểm;
+ Cách điều khiển xe gắn máy an toàn.