Con gái 2 tuổi phát hiện vết bầm ở chân, Đoàn Di Băng điếng người nghe tin từ bệnh viện

CTV
Con gái Đoàn Di Băng chỉ có một vết bầm nhỏ, không hề có triệu chứng gì nhưng sau khi rút 4 ống máu xét nghiệm, bác sĩ thông báo kết quả khiến bà mẹ 3 con vô cùng lo lắng.

Nuôi con nhỏ mới biết những lúc con đau ốm là vất vả nhất, bố mẹ lúc nào cũng trong trạng thái thấp thỏm "đứng ngồi không yên". Bởi lẽ trẻ nhỏ với hệ miễn dịch yếu ớt, dễ dàng bị mắc bệnh và trở nặng nếu không được quan tâm sát sao. Đại gia quận 7 Đoàn Di Băng cũng không ngoại lệ.

Thời gian qua, nữ doanh nhân đã chia sẻ việc con gái út của mình bị sốt xuất huyết mà không có triệu chứng rõ ràng, đồng thời gửi lời cảnh báo đến các bậc phụ huynh.

Cô cho biết: "Ui trời chết điếng. Tối qua bà vú của Bing bảo mẹ Băng ơi chân Bing lại bị bầm. Mà vú theo kỹ lắm không thấy Bing va vào đâu bị đau cả. Mẹ thấy vậy thống nhất sáng nay đưa con đến bệnh viện khám. Sẵn Bing cũng đang nghẹt mũi, hầm hầm nhẹ thôi khám luôn. Vô bác sĩ lấy 4 ống máu của con luôn. Vừa tức thì bệnh viện gọi báo với mẹ vết bầm của con thì không vấn đề gì, có lẽ con hiếu động thôi. Tuy nhiên tin xấu là con bị sốt xuất huyết. Trời ạ, không tin nổi, vì Bing vẫn chơi vẫn giỡn bình thường, không mệt không đừ cũng không sốt cao, không thấy nổi đỏ luôn. Nhưng may mắn khám này ra kia phát hiện sớm.

Ui thật hôm nay ba mẹ túi bụi công việc luôn. Tý chiều họp báo ra mắt phim mẹ làm. Tối thì tất niên công ty. Cũng may nhà đông người có thể lo cho Bing. Phụ huynh ơi phải hết sức cẩn thận không được chủ quan nhé . Không phải ai cũng may mắn phát hiện được sớm đâu. Tý ai có gặp Băng thông cảm nếu Băng không được niềm nở như mọi khi nhé. Lo cho con sốt ruột quá ạ".

Lập tức trở về nhà sau khi hoàn thành các công việc, Đoàn Di Băng thở phào nhẹ nhõm khi con gái vẫn tươi tỉnh.

Nỗi lòng của Đoàn Di Băng cũng chính là tâm sự chung của nhiều phụ huynh khi con bị ốm. Được biết trước khi phát hiện ra bệnh, Bing Bing vẫn chạy giỡn bình thường, không hề có bất cứ triệu chứng đáng lo ngại nào ngoài vết bầm bất thường ở chân. Sau khi khám bệnh, cô bé được cho về nhà theo dõi vì bệnh viện hết giường. Tuy nhiên vì chỉ số đông máu của Bing Bing hơi cao nên phải tiếp tục xét nghiệm máu.

Bà mẹ 3 con thương con vô cùng, thậm chí còn lo lắng hỏi thăm cộng đồng mạng: "Bing bị lấy máu ngày 2 lần vậy uống gì cho mau lại sức các mom ơi". Những ngày cuối năm công việc tất bật, Đoàn Di Băng có lẽ rất đau lòng và lo lắng khi con gái đột nhiên bị ốm, cô cũng trở nên yếu lòng hơn trước những bình luận tiêu cực từ cộng đồng mạng. May mắn là gia đình Đoàn Di Băng chi tới 100 triệu đồng/tháng thuê cho mỗi người con một bảo mẫu nên luôn có người đỡ đần nữ đại gia quận 7 chăm sóc các nhóc tỳ, cũng như phát hiện sớm những bất thường ở trẻ và có sự thăm khám kịp thời.

Vì chỉ số đông máu khá cao nên Bing Bing liên tục xét nghiệm máu để kiểm tra.

Bing Bing là con gái út của Đoàn Di Băng và doanh nhân Quốc Vũ. Cô bé chào đời vào năm 2020, nhận được nhiều chú ý vì sở hữu ngoại hình "cưng xỉu", làn da trắng nõn cùng đôi mắt long lanh giống hệt mẹ. Có không ít người khen ngợi Bing Bing là "búp bê sống". Trang cá nhân mang tên cô bé cũng thu hút 285 nghìn người theo dõi.

Trong một lần đáp trả anti-fan về việc gia đình có 3 người con gái mà không có con trai, Đoàn Di Băng đã tiết lộ thu nhập khủng của con út khiến ai nấy đều trầm trồ. Bà mẹ đại gia cho biết: "...Nhất là Bing Bing đi, tiếng đầu tiên sau khi con chào đời, em đăng tải tấm hình con trên Facebook của em, anh biết nó thu về bao nhiêu lượng tương tác, kéo theo doanh số của công ty em tăng như thế nào không? Gấp 10 lần. Em nói thật. Em chưa bao giờ tưởng tượng công ty em có thể tăng doanh số như vậy, kể từ khi Bing Bing sinh ra đời. Kể từ sau đó, rất nhiều nhãn hàng muốn book Bing Bing để PR. Hiện tại bây giờ một clip có Bing Bing xuất hiện để review em đã thu về hơn 100 triệu rồi.

Anh nghĩ đi, con gái em mới một tuổi đã kiếm cả chục tỷ rồi đó anh. Con gái đẻ vậy có mát lòng mát dạ không anh? Có cần là con trai, ông này bà nọ không anh? Em rất tự hào về 3 đứa con gái của em, cả ba đứa đều tự kiếm tiền được hết".

Gia đình có điều kiện, Đoàn Di Băng hết lòng chăm sóc và đầu tư cho các con. Ngoài số tiền "khủng" thuê bảo mẫu, người đẹp còn thuê vệ sĩ đảm bảo an ninh cũng như đầu bếp chịu trách nhiệm phần dinh dưỡng cho cả nhà. Các con luôn được đầu tư đồ hiệu, học trường quốc tế, đi siêu xe và du lịch sang chảnh. Đoàn Di Băng từng bật mí số tiền nuôi con hàng tháng khoảng 100 triệu đồng. Dù vậy, cô vẫn chủ trương dạy con tự lập, sống giản dị và hòa đồng.

"Ôi cuộc sống các bé con nhà Băng cũng bình thường à. Đi học cả ngày, về vẫn phụ giúp mấy vú nếu có thể. Băng chưa bao giờ nói với các con nhà mình giàu hay có điều kiện gì cả. Băng muốn các bé không tạo khoảng cách với bạn bè hoặc tỏ vẻ với vú em", Đoàn Di Băng bộc bạch.

Dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ

Đoàn Di Băng cảm thấy may mắn vì ít nhất đã kịp thời phát hiện tình trạng bệnh của con và đến bệnh viện sớm để chữa trị kịp thời. Sốt xuất huyết là bệnh truyền nhiễm cấp tính chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh.

Bố mẹ cần lưu ý

Triệu chứng

Cách phát hiện sốt xuất huyết tại nhà ở trẻ thường bắt đầu bằng triệu chứng sốt với các đặc điểm: sốt đột ngột, sốt liên tục và sốt cao. Sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ, trẻ sơ sinh hay người lớn đều được biểu hiện với 5 triệu chứng phổ biến sau:

- Trẻ cảm thấy bị bồn chồn, kích thích, li bì vật vã.

- Những cơn nôn tăng dần lên.

- Tự nhiên trẻ kêu đau bụng.

- Số lần trẻ đi tiểu ít đi.

- Có các dấu hiệu về chảy máu như: chảy máu cam, chảy máu chân răng, xuất huyết dạ dày, đi ngoài phân kèm lẫn máu...

Khi có 1 trong những dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em trên, phụ huynh cần phải đưa trẻ đến bệnh viện ngay. Tại bệnh viện, ngoài những dấu hiệu trên, bác sĩ còn đánh giá thêm 3 dấu hiệu khác gồm: tràn dịch, gan to, phù nề, tiểu cầu giảm...để đánh giá chính xác tình trạng của trẻ.

Ngay khi nhận thấy trẻ có 5 dấu hiệu trên và được đưa đến bệnh viện, bé sẽ được điều trị theo phác đồ của Bộ Y tế.Theo đó, dưới 6 tiếng cần phải truyền dịch hoặc khuyến khích bé uống. Bên cạnh đó, những dấu hiệu này cần phải được cải thiện trong khoảng thời gian cấp cứu đó.

Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ

Với từng các giai đoạn cụ thể, những dấu hiệu đặc trưng của bệnh sốt xuất huyết sẽ có sự khác nhau nhất định. Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết ở trẻ nhỏ gồm:

- Giai đoạn sốt: Đây là giai đoạn đầu tiên khi bệnh bắt đầu khởi phát. Ở giai đoạn này, trẻ thường sẽ gặp những hiện tượng nhiễm bệnh như trán nóng ran, sốt cao (từ 39-40 độ C) trong khoảng 2-5 ngày đầu. Ngoài ra, có một số dấu hiệu khác cũng cần lưu ý như:

+ Trẻ sốt cao không có dấu hiệu thuyên giảm mặc dù đã dùng thuốc hạ sốt.

+ Trẻ bị đau nhức cơ, đau nhức đầu, mệt mỏi, chán ăn, ho, sổ mũi, hắt hơi.

+ Trẻ bị xuất huyết dưới da: chảy máu chân răng, chảy máu mũi hoặc nổi mẩn trên da, nổi phát ban.

- Giai đoạn nguy hiểm: Bắt đầu vào ngày từ thứ 3 đến thứ 7 của quá trình nhiễm bệnh, đây được xem là giai đoạn nguy hiểm hơn cả. Lúc này, trẻ có thể đã hạ sốt nhưng lại bắt đầu có dấu hiệu tăng tính thấm thành mạch gây ra biểu hiện thoát huyết tương. Những triệu chứng nghiêm trọng khác có thể gặp ở giai đoạn nguy hiểm như sưng đau gan, tràn dịch màng phổi, màng bụng, mô kẽ hoặc nề mi mắt.

Một số các biểu hiện sốc có thể xuất hiện nếu trẻ bị thoát huyết tương như: vật vã, lờ đờ, mệt mỏi, da lạnh ẩm, đầu và chân tay lạnh, mạch nhanh và nhỏ, ít đi tiểu. Ngoài ra, cũng sẽ có thêm các triệu chứng khác như tụt huyết áp, ít đi tiểu, xuất huyết nhiều dưới da hoặc xuất huyết nội tạng, hay khát nước, đau bụng, chướng bụng do thoát huyết tương...

- Giai đoạn phục hồi: Trải qua giai đoạn nguy hiểm khoảng 48-72 giờ, các dấu hiệu sốt xuất huyết ở trẻ em sẽ có dấu hiệu phục hồi dần. Cơ thể trẻ sẽ được dần dần cải thiện và các biểu hiện cũng phục hồi dần như đi tiểu nhiều hơn, huyết áp ổn định hơn.

Cách chăm sóc trẻ khi có dấu hiệu bị sốt xuất huyết

Để hạn chế tối đa các biến chứng nguy cơ cũng như giúp trẻ nhanh chóng phục hồi sức khỏe và khỏi bệnh, phụ huynh nên lưu ý thực hiện về cách chăm sóc trẻ đúng cách:

- Hạ sốt cho trẻ đúng cách: Nếu thấy trẻ bị sốt cao (trên 38,5 độ C), mẹ nên cho bé uống ngay thuốc hạ sốt Paracetamol (liều chỉ định từ 10-15mg/kg). Nếu như sau 4-6 giờ, trẻ vẫn còn sốt thì tiếp tục cho trẻ uống. Ngoài việc dùng thuốc, phụ huynh cũng thường xuyên phải hạ nhiệt cơ thể cho trẻ bằng cách chườm khăn ấm ở trán, nách, bẹn... Việc này sẽ giúp giảm tình trạng sốt cao và gây co giật nguy hiểm.

- Đảm bảo chế độ dinh dưỡng hợp lý: Khi mắc bệnh sốt xuất huyết, trẻ thường cảm thấy chán ăn, mệt mỏi. Vì thế, tốt nhất mẹ nên cho trẻ ăn những món ăn yêu thích ở dạng mềm nhưng vẫn phải đảm bảo được tình trạng dinh dưỡng cần thiết. Có thể chia làm nhiều bữa nhỏ để giúp bé dễ ăn hơn.

- Tăng cường bổ sung thêm nước: Khi bị sốt, mất nước là điều khó tránh khỏi do tình trạng thân nhiệt cao. Do vậy, trẻ cần phải tích cực được bổ sung thêm nước, mẹ có thể cho trẻ uống nước lọc, nước trái cây hoặc dung dịch oresol để bù điện giải.

- Khi trẻ gặp các dấu hiệu sau đây, cần phải đưa trẻ đến cơ sở y tế ngay lập tức:

+ Trẻ bị sốt li bì, không thuyên giảm và ngày càng vật vã hơn.

+ Đã được dùng thuốc hạ sốt nhưng vẫn sốt cao liên tục trong 2 ngày.

+ Cảm thấy lạnh chân tay, môi tím tái, da bầm, nôn trớ nhiều.

- Một số việc cha mẹ không nên làm khi chăm sóc trẻ như:

+ Không được cắt lể, cạo gió khiến nhiễm trùng.

+ Không được tùy tiện dùng thuốc Ibuprofen hay Aspirin nếu không có chỉ định bác sĩ, tránh bị xuất huyết dạ dày.

+ Không cho trẻ ăn các loại thực phẩm có màu đỏ/đen để tránh nghi ngờ xuất huyết tiêu hóa.

+ Không được tùy tiện truyền dịch tại nhà cho trẻ.