Con trai tối nào cũng ra sau vườn nhà rất lâu, một lần lén đi theo tôi mất ngủ cả đêm

Phát hiện bí mật của con trai, cả đêm đó tôi không sao chợp mắt được vì hối hận.

Trong vai trò của một người mẹ, tôi phải thừa nhận rằng bản thân khá nghiêm khắc và khó tính khi nuôi dạy con. Nhiều người đều nhận xét như thế và bản thân tôi cũng biết điều đó, nhưng tôi nghĩ chỉ cần ở một chừng mực nhất định, thì quan điểm giáo dục này sẽ tốt cho sự phát triển của con.

Một phần đứa trẻ nhà tôi là con trai, nên tôi muốn con trở thành một người đàn ông vững vàng và mạnh mẽ trong tương lai. Có lẽ vì biết tính mẹ khó, nên con trai tôi hiểu chuyện và rất vâng lời mẹ, con chưa bao giờ khiến tôi phải phiền lòng. 

Nhưng dạo gần đây tôi thấy con trai có hành vi rất kỳ lạ, cứ tối đến là thằng bé lại ra sau vườn nhà rất lâu. Ban đầu tôi nghĩ rằng con chỉ đi hóng gió, thư giãn cho dễ ngủ hơn. Tuy nhiên gần 1 tuần nay hành động này cứ lặp đi lặp lại nên tôi cũng tò mò không biết con đang làm gì.

Ảnh minh hoạ.

Thế là quyết định lén đi theo thằng bé, và cảnh tượng nhìn thấy sau đó khiến tôi trăn trở, mất ngủ suốt cả đêm. Tôi không vội vạch trần bí mật của con, mà sang ngày hôm sau mới quyết định trò chuyện nghiêm túc với thằng bé. Bằng một thái độ cởi mở, không quá gắt gao, tôi hỏi:

- Con trai à, có phải con đang có điều gì giấu mẹ phải không? Con có đang làm sai chuyện gì không? Con có thể thẳng thắn chia sẻ với mẹ. Mẹ sẽ không phạt hay la mắng, nhung mẹ muốn con thành thật, vì mẹ rất tin con.

- Con không có chuyện gì đâu, mẹ nghĩ nhiều rồi đấy ạ!

Trước việc con trai vẫn một mực không khai nhận hành vi lén hút thuốc của mình, tôi có chút hụt hẫng và thất vọng. Bởi vì trong mắt tôi, con là đứa trẻ toàn diện về mọi mặt. So với những bạn bè khác cũng ở trong độ tuổi dậy thì, con trai tôi có sự chính chắn hơn nhiều. Nhưng đến khi phát hiện việc con đã làm, tôi như không tin vào mắt mình, và cũng không hiểu nguyên nhân nào đã khiến con trở nên như vậy?

- Mẹ sẽ rất buồn khi con không có tính trung thực. Rõ ràng hôm qua, mẹ đã nhìn thấy con đi ra sau vườn nhà, và mẹ đã tận mắt chứng kiến con lấy từ trong túi quần ra một chiếc bật lửa và gói thuốc lá. Con trai à, con có thể giải thích cho mẹ biết vì sao chuyện này xảy ra không?

Bị tôi "vén màng" bí mật, thằng bé im lặng một lúc rồi nói:

- Con chỉ "thử cho biết", các bạn ở lớp bảo con yếu đuối, mong manh giống như con gái, việc gì cũng phụ thuộc và chịu sự quản lý của mẹ. Các bạn đã thách thức con, và con muốn chứng tỏ "bản lĩnh đàn ông" của mình. Vả lại, chẳng phải cả bố, chú, bác... họ hàng nhà ta, ai cũng biết hút thuốc hay sao hả mẹ?

Nghe con giãi bày, lòng tôi đau thắt lại, vì tôi biết lỗi không hoàn toàn ở thằng bé. Ở độ tuổi "nổi loạn" này, môi trường sống xung quanh và cách giáo dục từ gia đình sẽ ảnh hưởng đến con rất nhiều. Nhưng may mắn là tôi đã kịp thời phát hiện ra hành động không phù hợp của con, để từ từ uốn nắn.

Ảnh minh hoạ.

- Nếu sự nghiêm khắc của mẹ đã làm con tổn thương, khiến con cảm thấy áp lực thì mẹ sẽ cố gắng thay đổi vì con, con trai à! Nhưng con có dám hứa sẽ vì mẹ, vì bản thân con mà bỏ thói quen xấu này đi không? Nó thực sự sẽ khiến con hối hận sau này, bởi hút thuốc không hề tốt chút nào, có sẽ khiến sức khoẻ và tinh thần của con ngày càng xấu hơn mà thôi!

Mẹ biết ở tuổi này, con có cái tôi riêng của mình và con cũng muốn khẳng định giá trị bản thân. Nhưng có rất nhiều cách khác tốt hơn, hiệu quả hơn để con làm điều đó, thay vì "tập tành" bắt chước hút thuốc. Mẹ biết con là một đứa trẻ ngoan, con sẽ hiểu lời mẹ nói và biết mình cần phải làm gì để không tự biến bản thân thành một đứa trẻ hư trong mắt mọi người, đúng không?

- Con xin lỗi mẹ, con sẽ suy ngẫm lại hành vi của mình và hứa sẽ không làm bố mẹ phải thất vọng thêm một lần nào nữa!

Cuối cùng thì cuộc tâm sự của 2 mẹ con cũng kết thúc trong một cái ôm ấm áp. Tôi rất vui vì con trai có thể tiếp thu lời dạy của mình. Vì đây chỉ là lần đầu, chưa phát triển thành thói quen nên tôi tin rằng thằng bé sẽ điều chỉnh được. 

Có lẽ qua sự việc này, không chỉ có con trai là tự nhìn lại chính mình, mà cả tôi cũng thế. Tôi cần nhìn lại cách giáo dục của bản thân, để đảm bảo rằng nó thực sự hiệu quả với con ở độ tuổi "ẩm ương" 15, 16 này.

Tâm sự từ độc giả mydieu...@gmail.com

Thực tế ngày nay, trẻ ở độ tuổi dậy thì "nổi loạn" thường phát triển những hành vi không phù hợp, đơn cử như hút thuốc lá. Bởi vì trẻ có sự thay đổi lớn về tâm sinh lý, đặc biệt là việc muốn khẳng định lòng tự tôn và nhu cầu cá nhân hoá.

Khi bố mẹ phát hiện con ở tuổi nổi loạn hút thuốc, một thách thức đã bắt đầu trong gia đình. Tuy nhiên, đối diện với tình huống này, phản ứng của bố mẹ có thể trở thành "ánh sáng dẫn đường", quyết định rất lớn đến nhận thức, tính cách và tâm lý của con. Nếu bố mẹ có phương pháp giáo dục phù hợp, bố mẹ có thể giúp con thay đổi và điều chỉnh hành vi của mình tích cực hơn.

Trước hết, vào thời điểm bố mẹ phát hiện trẻ hút thuốc, hãy kiềm chế cảm xúc và lắng nghe. Hãy tìm hiểu nguyên nhân đằng sau hành vi này của con, không phải để chỉ trích, mà là để hiểu con hơn. Có thể con đang gặp áp lực từ bạn bè, đang phải đối mặt với những cảm xúc khó khăn trong cuộc sống nhưng ngại chia sẻ.

Hãy tạo ra một môi trường yêu thương và thoải mái để trò chuyện cùng con, bằng cách dành thời gian cho con, lắng nghe những suy nghĩ và tâm tư của con. Đồng thời, bố mẹ hãy thể hiện sự quan tâm và lo lắng chân thành về sức khỏe và tương lai của con. Đừng để con cảm thấy cô đơn hoặc bị chối bỏ, mà hãy khẳng định rằng bố mẹ sẽ luôn ở bên cạnh con và hỗ trợ con trên hành trình khôn lớn.

Hãy cung cấp cho con kiến thức về tác hại của việc hút thuốc. Điều này không chỉ giúp con hiểu rõ hơn về nó, mà còn giúp con đánh giá lại quyết định của mình và có được cái nhìn toàn diện hơn ở tương lai. Ngoài ra, bố mẹ có thể tìm kiếm sự hỗ trợ từ chuyên môn như bác sĩ, nhà tâm lý học để nhận được sự hướng dẫn và hỗ trợ trong việc giúp con vượt qua những khó khăn ở độ tuổi dậy thì. 

Cuối cùng, bố mẹ cần thiết lập những quy tắc rõ ràng và hỗ trợ con. Đặt ra các giới hạn về việc không hút thuốc trong gia đình, và xác định những hình phạt hoặc hậu quả nếu vi phạm. Tuy nhiên, đồng thời hãy tạo cơ hội cho con tham gia vào các hoạt động tích cực, và tạo ra một môi trường khuyến khích cho con phát triển các sở thích và kỹ năng cá nhân.

Trong cuộc hành trình nuôi dạy con ở độ tuổi "nổi loạn", bố mẹ cần nhớ rằng tình yêu thương và sự thấu hiểu chính là chìa khóa. Hãy truyền tải cho con thông điệp rằng bố mẹ luôn ở bên cạnh, và tin tưởng vào khả năng của con. Bố mẹ sẵn sàng trở thành những người dẫn đường, những người truyền cảm hứng và những người hỗ trợ cho con trong cuộc sống, bất cứ khi nào con cần.

TRANG TRI