Công an “điểm mặt” dự án Sunbay vì vi phạm quy định pháp luật
09:12 16/07/2019
Trong khi dự án SunBay Park chưa có giấy phép xây dựng, nhưng hàng loạt công ty bất động sản đã đứng ra rao bán, môi giới dự án và thu tiền từ người dân.
Mới đây, Công an tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản số 546/CAT-PC03 gửi cho Sở Xây dựng tỉnh Ninh Thuận về việc đề nghị xử lý công ty Cổ phần bất động sản Hải Phát và phối hợp kiểm tra một số doanh nghiệp có dấu hiệu huy động vốn trái phép thông qua hình thức rao bán căn hộ tại dự án Sunbay Park.
Dự án Sunbay Park
Theo đó, dự án SunBay Park do Công ty Cổ phần Crystal Bay Property Servies (địa chỉ tại TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà) làm chủ đầu tư, tổng mức đầu tư dự án là 4.500 tỷ đồng.
Lực lượng chức năng cho hay, dự án đã tổ chức khởi công nhưng chưa có giấy phép xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay đã có 5 công ty bất động sản (Công ty bất động sản Đất Vàng, Công ty Hải Phát, Công ty CPTM và DV tư vấn bất động sản An Vượng Land, Công ty bất động sản TVN, Công ty TNHH Phú Gia Thịnh Land) và một số cá nhân rao bán căn hộ tại dự án, huy động vốn trái phép dưới hình thức nhận tiền “cọc thiện chí”.
“Việc kinh doanh căn hộ nhưng dự án chưa có giấy phép xây dựng, chưa hoàn thành xong phần móng là vi phạm tại Khoản 1, điều 55, Luật kinh doanh bất động sản. Trong đó, điều kiện của bất động sản hình thành trong tương lai được đưa vào kinh doanh phải có giấy phép xây dựng, biên bản nghiệm thu đã hoàn thành xong phần móng toà nhà”, cơ quan công an nhấn mạnh.
Chính vì thế, Công an tỉnh Ninh Thuận (PC03) đã phối hợp với Thanh tra Sở Xây dựng tiến hành kiểm tra hoạt động của Công ty CP bất động sản Hải Phát - chi nhánh Nha Trang tại phường Mỹ Hải, TP. Phan Rang.
Qua kiểm tra, công ty này chưa có giấy phép đăng ký kinh doanh hoạt động tại Ninh Thuận, chưa được chủ đầu tư cho phép huy động vốn nhưng công ty đã huy động vốn của 19 cá nhân với số tiền 860 triệu đồng trái luật.
Công an tỉnh Ninh Thuận kết luận Công ty Hải Phát đã vi phạm nghị định số 139/2007/NĐ-CP ngày 27/11/2017 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động đầu tư xây dựng, khai thác, chế biến, kinh doanh khoáng sản làm vật liệu xây dựng, kinh doanh, sản xuất vật liệu xây dựng, quản lý công trình hạ tầng kỹ thuật, kinh doanh bất động sản, phát triển nhà ở, quản lý sử dụng nhà ở và công sở.
Về thẩm quyền xử phạt, Công an tỉnh Ninh Thuận đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc cho Sở Xây dựng tỉnh, để đơn vị tiến hành xử lí theo quy định pháp luật. Ngoài Công ty Hải Phát, công an tỉnh Ninh Thuận cũng đề nghị Sở xây dựng kiểm tra 4 công ty còn lại là Công ty bất động sản Đất Vàng, Công ty CPTM và DV tư vấn bất động sản An Vượng Land, Công ty bất động sản TVN, Công ty TNHH Phú Gia Thịnh Land về việc huy động vốn trái luật. Bên cạnh đó, công an tỉnh Ninh Thuận còn phát đi cảnh báo về việc các cá nhân, tổ chức lợi dụng việc đầu tư tại dự án SunBay Park để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Trao đổi với luật sư Lê Văn Hoan - Đoàn luật sư TP.HCM về trường hợp nhận cọc giữ chỗ và có dấu hiệu huy động vốn, ông Hoan cho biết, đối chiếu với các điều khoản quy định tại điểm a, khoản 2 Điều 19 Nghị định số 99/2015 hướng dẫn Luật Nhà ở quy định: “Chủ đầu tư không được áp dụng hình thức huy động vốn để phân chia sản phẩm nhà ở hoặc để ưu tiên đăng ký, đặt cọc, hưởng quyền mua nhà ở hoặc để phân chia quyền sử dụng đất trong dự án cho bên được huy động vốn, trừ trường hợp góp vốn thành lập pháp nhân mới để được Nhà nước giao làm chủ đầu tư dự án xây dựng nhà ở”.
Theo luật sư Hoan, Luật Kinh doanh bất động sản đã quy định khá rõ, chỉ khi nào dự án làm xong móng, xong hạ tầng và được sự chấp thuận đủ điều kiện bán hàng của Sở Xây dựng, chủ đầu tư mới được bán hàng, huy động vốn. Điều này nhằm bảo vệ khách hàng tránh những rủi ro đáng tiếc khi các doanh nghiệp bất động sản kinh doanh theo kiểu “tay không bắt giặc”, đẩy rủi ro về phía khách hàng.
PHÙNG SƠN