Thông tin tại Hội nghị khoa học điều trị chứng hậu COVID-19 bằng phương pháp kết hợp y học cổ truyền và y học hiện đại lần đầu tiên được Hội Đông Y Việt Nam tổ chức ngày 30/3, GS.TS Nguyễn Văn Kính – Phó Chủ tịch Tổng hội Y học Việt Nam, nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cho biết COVID-19 để lại 203 di chứng, theo Giáo Dục và Thời Đại.
Trong số đó, tình trạng mệt mỏi chiếm 80%, xơ phổi chiếm 61%, 52% số trường hợp gặp vấn đề về trí nhớ, 51% bị đột quỵ, 45% mất ngủ và 33% tổn thương thận cấp.
Theo chuyên gia, tình trạng hậu COVID-19 thường xuất hiện sau 3 tháng kể từ ngày khởi phát triệu chứng và tồn tại kéo dài ít nhất 2 tháng, không thể lý giải bằng các chẩn đoán khác. Triệu chứng gồm mệt mỏi, khó thở, rối loạn nhận thức và một số triệu chứng khác ảnh hưởng tới cuộc sống hàng ngày.
Các triệu chứng có thể xuất hiện sau khi COVID-19 đã phục hồi hoặc tồn tại từ giai đoạn ban đầu, bên cạnh đó có thể dao động hoặc tái phát theo thời gian. Đặc biệt, các triệu chứng sẽ nặng hơn sau các hoạt động thể lực.
Ảnh hưởng của hậu COVID-19 tác động tới tất cả các cơ quan như hô hấp, huyết học, tim mạch, thần kinh, nội tiết, tiêu hóa, da liễu (rụng tóc), hội chứng viêm đa hệ thống (MIS-C).
Tri Thức Trực Tuyến dẫn lời GS Kính cho hay: “Hậu COVID-19 là bệnh lý mới nổi chưa được hiểu biết đầy đủ nhưng có thể gây tình trạng sức khỏe nghiêm trọng (tàn tật).
Một số lượng lớn người lớn và trẻ em có các bệnh lý hậu COVID-19 nhưng con số chính xác khó xác định. Hậu COVID-19 không phụ thuộc vào mức độ nặng của bệnh COVID-19 ban đầu và khoảng thời gian của các triệu chứng trong giai đoạn cấp tính”.
Các bệnh lý này xảy ra ở cả bệnh nhân nhập viện hoặc điều trị tại nhà. Trẻ em ít có khả năng bị nặng nhưng vẫn có thể bị các bệnh lý hậu COVID-19.