Đắk Lắk: Một bệnh viện tư miễn chi phí xét nghiệm tìm vi khuẩn lao

Với mong muốn tiến tới chấm dứt bệnh lao, Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột triển khai miễn phí 100% chi phí xét nghiệm tìm vi khuẩn lao cho người bệnh.

Sáng 1/8, bác sĩ Võ Minh Thành – Giám đốc Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk cho biết, đơn vị vừa mới ký cam kết tham gia dự án “Quỹ toàn cầu phòng chống lao giai đoạn 2021-2023”.

Dự án “Quỹ toàn cầu phòng chống lao giai đoạn 2021-2023” do Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Tổ chức Health Poverty Action Việt Nam, Bệnh viện Phổi tỉnh Bình Thuận và Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk thực hiện tại 19 huyện, thị xã, thành phố của 2 tỉnh Bình Thuận, Đắk Lắk.

Mục tiêu của dự án, đến cuối giai đoạn 2021 - 2025 giảm 50% tỷ lệ mắc lao mới trong cộng đồng, giảm 75% tỷ lệ tử vong do lao, giảm 50% số hộ gia đình phải chịu chi phí thảm họa do lao so với năm 2018 và duy trì tỷ lệ mắc lao kháng thuốc trong số bệnh nhân mới dưới mức 5%.

Các hoạt động cụ thể của dự án bao gồm: Tăng cường phát hiện ca bệnh lao, cách ly an toàn, điều trị sớm và hiệu quả; điều tra tiếp xúc gần, phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng do cán bộ thực địa thực hiện. Đồng thời, điều tra tiếp xúc gần phát hiện bệnh nhân lao tại cộng đồng do cán bộ y tế thực hiện; khám sàng lọc tại cộng đồng có nguy cơ cao phát hiện bệnh nhân lao; tăng cường phối hợp y tế công - tư trong phát hiện bệnh nhân lao.

Sức khỏe - Đắk Lắk: Một bệnh viện tư miễn chi phí xét nghiệm tìm vi khuẩn lao

Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột triển khai miễn phí 100% chi phí xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong đờm bằng máy PCR XPERT.

Với mong muốn chung tay hành động nhằm tiến tới mục tiêu chấm dứt bệnh lao, Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột triển khai miễn phí 100% chi phí xét nghiệm tìm vi khuẩn lao trong đờm bằng máy PCR XPERT. Nếu trong trường hợp dương tính, Bệnh viện Đại học Y dược Buôn Ma Thuột sẽ hoàn thiện hồ sơ để gửi Bệnh viện Lao và Bệnh phổi tỉnh Đắk Lắk để bệnh nhân được tiếp tục điều trị theo phác đồ phù hợp và hiệu quả nhất.

Bác sĩ Võ Minh Thành khuyến cáo, người bệnh nếu gặp phải những dấu hiệu nghi ngờ mắc lao như: Ho kéo dài trên 2 tuần (ho khan, ho có đờm, ho ra máu); gầy sút, kém ăn, mệt mỏi; sốt nhẹ về chiều; ra mồ hôi “trộm” ban đêm; đau ngực, đôi khi khó thở... thì cần tới ngay các cơ sở y tế gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời.

Đối với người bệnh thuộc nhóm nguy cơ cao nghi lao gồm: Người nhiễm HIV; người tiếp xúc trực tiếp với nguồn lây, đặc biệt trẻ em; người mắc các bệnh mạn tính (loét dạ dày-tá tràng, đái tháo đường, suy thận mạn,...); người nghiện ma tuý, rượu, thuốc lá, thuốc lào; người sử dụng các thuốc ức chế miễn dịch kéo dài như corticoid, hoá chất điều trị; ung thư; các trường hợp có bất thường trên X-quang phổi cần chú ý thăm khám sức khỏe định kỳ, xem xét phát hiện lao phổi.