Đang ngủ con gái hét lớn "Mẹ ơi, cháy rồi", tôi kinh hoàng bật dậy ôm con khóc trong ân hận

CTV
Nếu thực sự có chuyện chẳng may xảy ra với con gái thì tôi biết sống thế nào đây.

Nhà có con nhỏ, mỗi một việc bố mẹ làm đều cần phải hết sức cẩn thận và chỉn chu, bởi chỉ cần qua loa một chút là tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra bất cứ lúc nào. Đó là bài học mà tôi đã rút ra sau sự cố xảy đến với con gái gần đây, và chính tôi đã mắc sai lầm suýt nữa thì đẩy con vào nguy hiểm, còn bản thân thì hối hận cả đời.

Chuyện bắt đầu vào cuối tuần vừa rồi, tôi ở nhà với con gái 5 tuổi. Tôi để con bé chơi trong phòng, còn mình thì loay hoay dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Một mình làm nhiều thứ nên tôi tất bật tay chân, không ngơi chút nào. Chỉ có cuối tuần rảnh rỗi mới tranh thủ làm công việc nhà, chứ bình thường những ngày còn lại đều dành 100% cống hiến cho tư bản rồi nên làm gì còn thời gian cho tôi trổ tài phụ nữ đảm đang như thế này.

Mà thú thật là sau khi sinh con, cộng thêm việc từng trải qua giai đoạn trầm cảm nhẹ sau sinh trước đây, tôi cảm thấy trí nhớ của mình giảm đi nhiều. Đôi lúc cứ đãng trí, đang làm việc này rồi bỏ đi làm việc khác là chuyện thường tình mỗi ngày. Nhưng xui sao mọi khi không vấn đề gì, đến lần này mới xảy ra chuyện lớn.

Ảnh minh hoạ

Mải mê làm việc nhà nên tôi không chú ý đến con gái nhiều, chỉ nhắc nhở con lúc đầu là ngồi chơi ngoan trong phòng. Con bé cũng rất hiểu chuyện, đóng cửa tự chơi mà không mè nheo mẹ. Khoảng một tiếng sau, tôi bất ngờ nghe con khóc thất thanh trong phòng, lúc chạy vào kiểm tra thì mới tá hoả phát hiện ra bản thân ủi đồ xong lại quên tắt bàn ủi. Vì sơ xuất này mà lửa cháy bắt đầu bốc lên khiến con gái đang chơi sợ điếng người. 

May mắn là tôi có ở nhà, và kịp thời phát hiện tình huống nên đã giải quyết ngay lúc đó. Tôi trấn an con và phải mất một hồi lâu đứa trẻ mới bình tĩnh lại. Chuyện lần này khiến tôi sợ thót tim, tôi tự hứa với lòng chắc chắn sẽ không có lần sau, vì tôi biết không phải lúc nào cũng đủ may mắn như lần này.

Ảnh minh hoạ

Sự việc mới xảy ra nên dường như con gái tôi vẫn còn rất kinh hãi, cảm thấy ám ảnh và bất an. Cũng chính vì thế mà tối hôm qua, đang nửa đêm thì con gái bật khóc hét lớn "Mẹ ơi, cháy rồi". Tôi kinh hoàng bật dậy, tưởng chuyện cũ lặp lại nhưng hoá ra là do con gái đang mớ ngủ. Có lẽ sự cố vừa rồi đã khiến tâm lý đứa trẻ của tôi bị ảnh hưởng nhiều, tôi ôm con vào lòng rồi nước mắt cũng trực trào trong ân hận. 

Nếu thực sự lúc đó có chuyện chẳng may xảy ra với con gái thì tôi không biết sống thế nào đây...

Tâm sự từ độc giả thuquynh...@gmail.com

Việc đảm bảo an toàn về phòng cháy, chữa cháy trong gia đình có trẻ nhỏ là trách nhiệm hàng đầu của các bậc cha mẹ. Có nhiều biện pháp quan trọng cần được thực hiện đồng bộ để phòng ngừa, và ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra.

Đầu tiên, việc đảm bảo an toàn về điện là hết sức quan trọng. Bố mẹ cần thường xuyên kiểm tra hệ thống điện trong nhà, không sử dụng các thiết bị điện cũ hoặc bị hư hỏng, mà thay vào đó là các ổ cắm, công tắc an toàn được lắp đặt ở nơi xa tầm với của trẻ. Điều này nhằm tránh các rủi ro như chập mạch, giật điện có thể xảy ra khi trẻ chạm vào hoặc vô tình kéo lôi dây dẫn.

Tiếp theo, vấn đề quản lý các nguồn lửa, nhiệt cũng phải được đặc biệt lưu ý. Bố mẹ tuyệt đối không để các thiết bị sưởi, bếp gas, nến ở những nơi dễ dàng tiếp cận của trẻ, đồng thời phải cẩn thận khi sử dụng những nguồn nhiệt này để tránh các sự cố đáng tiếc có thể xảy ra, chẳng hạn như khi trẻ chơi đùa gần những nguồn lửa.

Ngoài ra, việc lưu trữ an toàn các hóa chất, dụng cụ cũng không thể bỏ qua. Bố mẹ cần bảo quản các chất dễ cháy, hóa chất độc hại ở nơi xa tầm với của con nhỏ, đồng thời không để các dụng cụ sắc nhọn, dễ gây thương tích ở những vị trí dễ lấy.

Chuẩn bị phương tiện phòng cháy cũng là một khâu quan trọng. Việc lắp đặt báo động, bình chữa cháy ở những nơi dễ thấy, dễ lấy, cùng với việc lưu giữ số điện thoại cứu hỏa ở vị trí dễ tiếp cận sẽ giúp bố mẹ ứng phó kịp thời khi xảy ra hoả hoạn. Bên cạnh đó, việc lập kế hoạch sơ tán an toàn trong trường hợp có cháy cũng là điều cần thiết.

Cuối cùng, giám sát và hướng dẫn trẻ cũng không thể bỏ qua. Bố mẹ nên luôn giữ mắt trên con, không để trẻ tự do vui chơi ở những nơi nguy hiểm, đồng thời giải thích, dạy trẻ cách phòng tránh và ứng phó khi có hoả hoạn. Như vậy, trẻ sẽ được trang bị những kiến thức cần thiết để bảo vệ bản thân trong trường hợp xấu nhất xảy ra.

Bằng việc thực hiện đồng bộ các biện pháp trên, bố mẹ có thể giảm thiểu đáng kể nguy cơ xảy ra hoả hoạn, từ đó đảm bảo an toàn tuyệt đối cho con trẻ và gia đình.