Vào cuối thập niên 50, đầu thập niên 60, có một giai nhân đẹp tuyệt trần xuất hiện giữa làng nhạc và vụt sáng thành hiện tượng độc đáo bậc nhất. Không màu mè, cầu kì, chỉ bằng tiếng hát và nhan sắc trời phú, người ca sĩ ấy đã chiếm trọn trái tim khán giả và khiến biết bao nhạc sĩ tài hoa phải si mê mình. Đó chính là Thanh Thúy – người được mệnh danh là "Nữ hoàng của thể điệu Bolero, Rumba, Slow" hay "Hoa hậu nghệ sĩ".
Cô cũng là người nhận được nhiều mỹ từ do giới văn nghệ sĩ và báo chí phong tặng nhất như: Tiếng hát liêu trai, Tiếng hát khói sương, Tiếng hát lúc không giờ, Tiếng sầu ru khuya, Tiếng hát lên trời, Tiếng hát khói sương chiêu niệm…Bằng sức cuốn hút kì lạ của mình, Thanh Thúy trở thành ca sĩ Bolero được đi vào ngòi bút của nhiều thi nhân, văn sĩ nhất. Và Thanh Thúy chính là người tình trong mộng của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn từ thời trai trẻ. Vị nhạc sĩ tài hoa này đã từng si mê cô như điếu đổ và viết tặng cô những hai ca khúc nổi tiếng là Ướt mi, Thương một người. Đây là cả một câu chuyện tình dài và lãng mạn.
Năm 1958, chàng thư sinh Trịnh Công Sơn 19 tuổi “đêm nào cũng lò dò đến các phòng trà để nghe Thanh Thúy hát… không thể không đêm nào thiếu hình ảnh và tiếng hát của nàng”. Lúc ấy, Thanh Thúy đã là một ngôi sao được nhiều người hâm mộ vây quanh, còn Trịnh Công Sơn nghèo, vô danh, đêm về âm thầm viết “Ướt mi” tặng cho nàng. Khoảnh khắc Thanh Thúy cất tiếng hát “Ướt mi” là giây phút lịch sử, đưa nhạc Trịnh lần đầu ra với công chúng. Cô ca sĩ Huế 16 tuổi, mảnh mai ấy chính là nàng thơ người hát ca khúc đầu tiên, khơi nguồn cảm hứng dạt dào nhiều tác phẩm về sau của người nhạc sĩ tài hoa.
Đạo diễn “Em và Trịnh” đã tìm kiếm khắp nơi một gương mặt chừng 17 tuổi, tự tin, nhan sắc lộng lẫy, giọng hát ma mị cuốn hút, để vào vai Thanh Thúy. Nhưng yêu cầu quá khó, tìm đâu cho được một vẻ đẹp vừa cổ điển, vừa hiện đại, biết nói giọng Huế, lại biết hát với chất giọng day dứt của "mỹ nhân Bolero"?
Một lần casting ở Huế, ê kíp sản xuất đều sững sờ khi bước vào phòng là một gương mặt mang thần thái giống Thanh Thúy. Đó là Phạm Nhật Linh, một cô gái không chỉ có ngoại hình trùng khớp mà còn đúng là người Huế và cũng có giọng hát mang tinh thần của nữ danh ca một thời.
Dù “bắt được vàng” nhưng cô sinh viên sinh trường ĐH Sân khấu Điện ảnh TP.HCM vẫn phải trải qua đủ 3 vòng casting nghiêm ngặt. Vỡ oà hạnh phúc khi được nhận vai, Phạm Nhật Linh chia sẻ hiện cô đang nỗ lực tập hát với sự hỗ trợ của nhạc sĩ Đức Trí để có thể tự tin hóa thân thành “danh ca Thanh Thuý phiên bản 10X” trong “Em và Trịnh”.
Phim Em và Trịnh được bấm máy vào đầu tháng 11, dự kiến ra mắt ngày 1/4/2021 - nhân dịp 20 năm giỗ Trịnh. Tác phẩm có kinh phí 40 tỷ đồng, chủ yếu đầu tư ở bối cảnh, do phim kéo dài từ thập niên 1960 đến 1990. Đạo diễn Nguyễn Quang Dũng làm tư vấn sản xuất cho phim. Anh là con trai cố nhà văn Nguyễn Quang Sáng - một trong những người bạn thân của Trịnh Công Sơn sinh thời. Gia đình Trịnh Công Sơn cho biết có đóng góp ý kiến cho êkíp về kịch bản nhưng tôn trọng sáng tạo riêng của đạo diễn.