Đau đớn nghệ sĩ Việt ngày mất mẹ mất cha vẫn phải cười trên sân khấu

Dẫu nước mắt rơi trong lòng, nhiều nghệ sĩ vẫn nén đau, tiếp tục vai diễn.

XEM VIDEO: Nghệ sĩ Thanh Thủy chia sẻ lần mất cha vẫn phải diễn hài.

Trong ánh đèn sân khấu rực rỡ, người nghệ sĩ mang lại tiếng cười, niềm vui cho khán giả. Nhưng phía sau đó có khi là nỗi đau tột cùng, là giây phút mất đi đấng sinh thành – mất mát tưởng chừng không thể vượt qua. Dẫu nước mắt rơi trong lòng, nhiều nghệ sĩ vẫn nén đau, tiếp tục vai diễn. Với họ, "sân khấu là thiêng liêng", còn nghề là chốn để gửi gắm cả yêu thương và mất mát.

MC Đại Nghĩa

Mới đây, mẹ của nghệ sĩ Đại Nghĩa mất đúng ngày Phật Đản (8/4 âm lịch), sau 4 ngày hôn mê vì đột quỵ, hưởng thọ 70 tuổi. Theo tiết lộ của Hồng Ánh, sáng 5/5, khi lo xong thủ tục tang lễ của mẹ tại bệnh viện, Đại Nghĩa đã đến thẳng sân khấu để tập vở kịch thiếu nhi.

Trước đó 1 ngày, khi mẹ đang hôn mê vì đột quỵ, Đại Nghĩa vẫn diễn 2 vở ở 2 nơi khác nhau, một vai mang nhiều cảm xúc, một vai hài hước. Anh thể hiện đủ mọi biểu cảm từ cười, nói, khóc, nhảy, múa… Chỉ lúc sau cánh gà, nam NSƯT mới ít nói, ít cười và lặng lẽ hơn thường ngày.

Nghệ sĩ Hồng Ánh chia sẻ với báo chí rằng, hôm đó cô để ý vai Cám của Đại Nghĩa có phần trang điểm nhẹ hơn thường lệ và nhịp diễn cũng nhanh hơn đôi chút. Trong khi đó, nhân vật Tạ Thanh trong Lệ Chi Viên lại mang nhiều cảm xúc u uẩn hơn khi bộc bạch về cái chết với thần phi. Theo Hồng Ánh, những chi tiết tinh tế ấy có lẽ chỉ người trong nghề và những ai biết chuyện buồn của Đại Nghĩa mới nhận ra. Với khán giả, họ chỉ thấy một Đại Nghĩa diễn xuất sắc, không để lộ chút sơ hở nào. “Nhìn Nghĩa có vẻ ổn vì Nghĩa hiểu Phật pháp nhưng tôi nghĩ trong lòng, Nghĩa đang buồn lắm”, cô nói

NSƯT Kim Tử Long

Trong chương trình Đời nghệ sĩ, NSƯT Kim Tử Long từng nhớ lại khoảnh khắc mẹ mất: “Tôi nhớ đêm đó 21h tôi phải có mặt nhưng tôi xin vắng vì mẹ tôi mất. Thế nhưng, bầu show không chấp nhận, năn nỉ tôi đến trình diễn vì nếu không có tôi, khán giả sẽ nổi giận đập đồ. 

Sau khi được ba động viên, tôi đến địa điểm nhưng không thể nào trình diễn được vì nỗi buồn mất mẹ. Tôi bị hoa mắt, giọng bị nghẹt mũi, khàn tiếng nhưng không hiểu có một nguồn năng lượng nào, tự nhiên khán giả vỗ tay là tôi trình diễn rất trôi chảy”.

Nghệ sĩ Trung Dân

Nghệ sĩ Trung Dân chia sẻ, với ông, tình yêu nghệ thuật luôn đi kèm với sự hy sinh. Dù cuộc sống có xảy ra điều gì, một khi đã bước ra sân khấu hay đứng trước ống kính máy quay, ông đều tự nhủ phải giữ trọn vai diễn. Nhắc đến điều này, ông xúc động nhớ lại một kỷ niệm khó quên: Lần đi diễn xa thì hay tin mẹ vừa mất.

"Ngày xưa tôi diễn ở sân khấu kịch Idecaf, đêm đó má tôi mất nhưng tôi vẫn phải diễn. Tôi diễn bình thường, khán giả không biết gì. Và trên đường đi về thì lúc đó tôi mới dám rơi nước mắt. Trong lúc diễn thì tôi cũng vẫn bình thường thôi. Chứ làm sao bây giờ, vé đã bán rồi, khán giả đến rồi nên mình không thể vì lý do đó được. Chứ bây giờ mình trở về, có mặt thì xác mẹ mình cũng nằm đó. Thì thôi mình cứ diễn đi, lát mình về rồi ngắm bà", nam nghệ sĩ kể.

Danh hài Minh Nhí

Nghệ sĩ Minh Nhí kể, đang khỏe thì bị tai biến, nằm liệt giường mười mấy năm, ba anh cáng đáng lo cho các con. Ai cũng nghĩ mẹ anh mất trước ba, không ngờ ba anh lại mất trước. Nam nghệ sĩ cho hay: Năm 33 tuổi, anh mua được căn nhà nhỏ, muốn có chỗ cho ba ghé nghỉ mỗi lần lên Sài Gòn. Nhưng chính trong ngày sơn phết nhà, anh nhận được tin dữ.

“Tối đó, tôi đi diễn cùng anh Hữu Châu. Hồi đó, nhóm tụi tôi đang ăn khách, diễn 10 – 15 show/đêm là bình thường. Tôi nhận tin nhắn từ chiếc máy phonelink: Ba mat roi, em ve gap. Tôi tưởng ai đùa ác vì chúng tôi vẫn hay chọc nhau “Phước Sang chết rồi, Nhật Cường chết rồi”. Tôi làu bàu chửi: Ai đùa mà mất dạy thì lại tiếp tục một tin nhắn đến như vậy. Show sau ở rạp Trống Đồng, tôi mượn điện thoại bàn gọi về nhà thì biết chính xác là ba đã mất! Vừa gác máy, tôi nghe MC giới thiệu: Không để quý khán giả chờ lâu, sau đây là tiết mục của nhóm hài Minh Nhí - Hữu Châu... Và tôi đã ra diễn, một cách vui vẻ. 

Sau vài show, tôi ra nói với anh Châu: Em diễn hết nổi rồi. Anh Châu định chia tiền cát-sê, tôi nói để tính sau rồi lên xe với anh Năm. Suốt đoạn đường về Sa Đéc, chuyến xe không một tiếng động, thỉnh thoảng là tiếng sụt sịt của hai người con trai vừa mất ba. Ba mất, tụi tôi không dám cho má hay, phải đưa má sang nhà hàng xóm chơi vài ngày. Sau khi chôn cất ba, tụi tôi đưa má về nhà. Má bị liệt, không nói được nhưng cứ nhìn dáo dác tìm ba. Hình ảnh đó tôi nhớ hoài, nhớ mãi trong đời… 3 năm sau, tôi mua nhà mới lớn hơn thì má mất. Má đi sau mười mấy năm nằm liệt giường vì tai biến”, anh kể.

Hiếu Hiền

Trong chương trình Ký ức vui vẻ, Quyền Linh thì cho biết, ngày NSƯT Kim Ngọc qua đời, các nghệ sĩ đều khóc vì sự mất mát quá lớn. Nhưng con trai bà - diễn viên Hiếu Hiền vẫn phải đứng trên sân khấu diễn suất cuối cùng trước khi về với mẹ: "Lúc má Ngọc mất, toàn bộ anh em nghệ sĩ đều khóc hết vì má mất một cách quá bất ngờ. Lúc đó tới lượt Hiếu Hiền ra diễn.  Và dù má Ngọc đã mất, nhưng cậu ấy vẫn bước ra sân khấu diễn vì vé đã bán hết rồi.

Khi ấy, anh em ai cũng hiểu nên mới bảo Hiếu Hiền thôi ngừng cũng được, nhưng cậu ấy bảo "Thôi, để em diễn hết đêm nay, hết suất này rồi em về với má". Điều này khiến chúng tôi ai cũng cảm động. Diễn được trong tình cảnh éo le như thế là điều đáng trân trọng ở một nghệ sĩ”.

NSƯT Thanh Thủy

NSƯT Thanh Thủy từng chia sẻ trong The Khang Show về nỗi đau mất cha mẹ. Cô cho biết: “Mẹ mất thanh thản, tôi nắm tay má và đếm từng phút theo hơi thở. Sáng hôm sau là chương trình thiếu nhi, có 2 suất là 9 giờ và 15 giờ, tôi điện thoại cho bên sân khấu nói không biết mình phải làm sao bây giờ nên cứ canh thôi. Tôi nói 7 giờ tôi sẽ thông báo dù mẹ tôi có qua khỏi hay không”.

Nữ nghệ sĩ cho biết, cô đã làm tròn bổn phận của mình và có sự chuẩn bị rất kỹ nên vượt qua được nỗi đau mất mẹ. Nhưng khi bố mất, Thanh Thủy cảm thấy khủng khiếp hơn nhiều. “Lần đó, tôi diễn ở Hà Nội, không có vé về luôn.15 giờ ba đi thì buổi tối phải diễn ở Đà Nẵng với Hoài Linh. Mà phải diễn hài kịch, Hoài Linh không dám nhìn vào mắt tôi. Khi diễn, khán giả cười thì tôi mới biết mình nói đúng, lúc đó tôi mơ màng và phải cố gắng nhớ từng câu thoại. Không biết làm sao tôi đi qua được hơn 2 tiếng của tiểu phẩm”, Thanh Thủy tâm sự.

Nỗi đau riêng của nghệ sĩ: không được phép gục ngã

Với người làm nghệ thuật, nhất là diễn viên hài, giây phút ra sân khấu là lúc họ phải gạt bỏ mọi cảm xúc cá nhân. Khán giả không cần biết hôm đó họ đau buồn ra sao – chỉ cần tiếng cười vang lên, màn trình diễn trọn vẹn.

Nhưng đằng sau mỗi nụ cười ấy, là bao giọt nước mắt âm thầm. Họ không than trách, chỉ hy vọng được khán giả thấu hiểu, và thương hơn cho những người chọn sống trọn vẹn với nghề.

ANNE