Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an cho biết, tính đến ngày 13/10, hệ thống định danh điện tử đã cấp được 10,5 triệu tài khoản, trong đó 115.000 tài khoản đăng ký online (tài khoản mức 1) và 10,4 triệu tài khoản đăng ký tại cơ quan công an (tài khoản mức 2).
Công dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử đăng nhập vào Cổng dịch vụ công quốc gia để thực hiện nộp hồ sơ trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của các bộ ngành, địa phương.
Trong thời gian qua, Bộ Công an đã chủ trì, tham mưu Thủ tướng Chính phủ triển khai Đề án "Phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022-2025, tầm nhìn đến năm 2030" (Đề án 06).
Theo Bộ Công an, hiện cơ quan chức năng đã cung cấp 6 tiện ích cho công dân, gồm: dùng tài khoản định danh điện tử thực hiện dịch vụ công; sử dụng căn cước công dân, ứng dụng VNeID thay thẻ bảo hiểm xã hội; dùng căn cước công dân thay thẻ ATM; chấm điểm tín dụng phục vụ cho vay tín chấp; kết nối với hợp đồng điện tử xác thực phục vụ thu thuế và truy thu thuế; làm sạch thông tin tài khoản ngân hàng, thông tin thuê bao di động.
Bên cạnh đó, từ nay đến cuối năm 2022, Bộ Công an sẽ cung cấp toàn bộ 227/227 dịch vụ công trực tuyến để giải quyết thủ tục hành chính cho người dân trên môi trường điện tử. Trong tháng 10, cơ quan chức năng phối hợp cung cấp 2 dịch vụ công liên thông về đăng ký khai sinh, khai tử và 28 dịch vụ công khác trên cổng dịch vụ công quốc gia; cung cấp chữ ký số miễn phí, cấp mã an sinh cho người dân.
Trong tháng 12, Bộ Công an tiếp tục cung cấp dịch vụ tạo lập tài khoản ngân hàng gắn với số điện thoại, mã số thuế để thực hiện thu thuế và truy thu thuế; tích hợp bằng lái xe trên ứng dụng VNeID.
Ghi nhận thực tế, tài khoản định danh điện tử đã mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Công dân có thể thực hiện các giao dịch trên môi trường điện tử bảo đảm tin cậy, chính xác, nhanh chóng, đơn giản, tiết kiệm, hiệu quả... Bên cạnh đó, công dân có thể giao dịch ở mọi lúc mọi nơi, kể cả với những giao dịch thiết yếu mà vẫn bảo đảm được sự quản lý chặt chẽ, an ninh, an toàn thông tin, bảo mật dữ liệu, tránh giả mạo, vì vậy giúp các giao dịch được thuận tiện.
Chia sẻ với báo Hà Nội mới, chị Phạm Ngọc Hà (phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy) cho biết, sau khi điền thông tin vào tờ khai điện tử đề nghị cấp đổi hộ chiếu, chị đến Cục Quản lý xuất nhập cảnh (Bộ Công an), xuất trình căn cước công dân gắn chíp cho cán bộ thực hiện tra cứu kết quả hồ sơ và chỉ mất vài phút chụp ảnh, chị đã nhận được giấy hẹn ngày lấy hộ chiếu. Chị Hà đánh giá thủ tục hành chính này hiện đơn giản hơn trước rất nhiều. Lần làm hộ chiếu trước, chị phải mất cả buổi, lần này chỉ trong đầu giờ sáng.
Cũng cảm nhận được tiện ích, em Nguyễn Phương Uyên (sinh viên Trường đại học Ngoại thương) đang thuê trọ tại phường Yên Hòa (quận Cầu Giấy) đến Công an phường Yên Hòa làm thủ tục đăng ký tạm trú và được hướng dẫn trực tiếp ngay trên máy tính. Sau khi nhập đầy đủ thông tin, em đã đăng ký tạm trú thành công. Em Nguyễn Phương Uyên cho biết, các cán bộ còn hướng dẫn em tải ứng dụng định danh điện tử VNeID về điện thoại để lần sau khai báo tạm trú, tạm vắng trên đó, không phải ra trụ sở công an.
Theo Bộ Công an, để tiếp tục khẳng định trách nhiệm của ngành công an trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia, với vai trò là cơ quan thường trực của Chính phủ triển khai Đề án 06, năm 2023, Bộ Công an sẽ cung cấp các dịch vụ, tiện ích như: sử dụng VNeID trong bảo hiểm y tế, giáo dục, thương mại điện tử, hợp đồng điện tử, quản lý thị trường, quản lý thuế, tài khoản sàn giao dịch điện tử; nền tảng mạng xã hội, ví điện tử, xác thực sinh trắc...
Bên cạnh đó, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân thuộc Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội phối hợp với Công ty cổ phần dịch vụ EPAY đã xây dựng các giải pháp như: xác thực thông minh dành cho sân bay, ứng dụng điện tử khai báo hải quan, xác thực ví điện tử bằng căn cước công dân gắn chip.
Các giải pháp này nhằm mang lại nhiều tiện ích cho người dân trong việc sử dụng các dịch vụ công và dịch vụ số khác. Đồng thời, giải pháp xác thực thông tin còn tham gia vào công cuộc chuyển đổi số theo đúng định hướng của Đề án 06 đã đề ra.
Bộ Công an khẳng định, thời gian tới, cơ quan chức năng sẽ thực hiện bỏ phiếu, bầu cử điện tử; khảo sát, lấy ý kiến người dân... trên nền tảng ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân.
Cũng theo Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công an, đơn vị vừa ban hành Kế hoạch "cao điểm 90 ngày, đêm" triển khai các giải pháp đảm bảo hoàn thành những chỉ tiêu phục vụ triển khai quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường đẩy mạnh triển khai thực hiện Đề án 06 của Chính phủ.
Kế hoạch "cao điểm 90 ngày, đêm" nhằm nâng cao nhận thức, xác định cụ thể vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu công an các cấp trong việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu bảo đảm dữ liệu dân cư "đúng, đủ, sạch, sống"; cấp căn cước công dân, cấp định danh điện tử, dịch vụ công trực tuyến để chuẩn bị các điều kiện bảo đảm việc triển khai thực hiện hiệu quả, kịp thời quy định của Luật Cư trú năm 2020 về việc sổ hộ khẩu, sổ tạm trú hết giá trị sử dụng sau ngày 31/12/2022 và tăng cường triển khai thực hiện Đề án 06.