Để người dân không phải “xin - cho” khi làm thủ tục hành chính

ĐBQH đề nghị bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí đánh giá chất lượng.

Đảm bảo dân giám sát, dân thụ hưởng

Tiếp tục Chương trình kỳ họp thứ 3, sáng 14/6, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.

Phát biểu thảo luận, đại biểu Lương Văn Hùng (đoàn Quảng Ngãi) cho biết, Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh nhiệm vụ tiếp tục hoàn thiện, cụ thể hóa, thực hiện tốt cơ chế Đảng lãnh đạo Nhà nước quản lý, nhân dân làm chủ. Trong đó có chủ trương dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát dân thụ hưởng và nêu rõ quan điểm cụ thể về phát huy dân chủ.

Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, thể chế hóa đầy đủ các quan điểm, định hướng trên, xác định và bổ sung quy định về cơ chế dân giám sát, dân thụ hưởng, vai trò nòng cốt của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;

Các tổ chức chính trị xã hội và lấy kết quả công việc, sự hài lòng, tín nhiệm của nhân dân làm tiêu chí quan trọng để đánh giá chất lượng tổ chức bộ máy Nhà nước và chất lượng cán bộ, đảng viên. Cần thể chế hóa đầy đủ nội dung, phương châm dân giám sát, dân thụ hưởng.

Tiêu điểm - Để người dân không phải “xin - cho” khi làm thủ tục hành chính

Đại biểu Lương Văn Hùng phát biểu thảo luận sáng 14/6. 

Theo đó, nghiên cứu bổ sung một điều luật về nhân dân giám sát tại Chương II để thể chế hóa cơ chế dân thụ hưởng vào dự thảo Luật.

“Các nội dung quy định về chính quyền cấp xã phải thực hiện công khai, minh bạch trong việc thực hiện dịch vụ công, hạn chế tối đa người dân phải “xin - cho” khi giải quyết thủ tục hành chính, giải quyết công việc của nhân dân. Đảm bảo thực hiện đầy đủ, hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội… đối với nhân dân địa phương”, đại biểu Hùng cho hay.

Đại biểu đề nghị, quy định người đứng đầu cấp ủy, chính quyền cấp xã phải thực hiện nghiêm túc chế độ tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân để nắm bắt tình hình, xử lý trí ý kiến, kiến nghị của nhân dân.

Ban hành quy chế, quy định rõ nghĩa vụ của cán bộ, công chức cấp xã về tinh thần, thái độ phục vụ nhân dân, thực hiện nghiêm trách nhiệm công vụ đối với nhân dân. Đồng thời, phải quy định chế tài cụ thể để đảm bảo điều kiện thực thi dân giám sát, dân thụ hưởng.

Theo đó, nếu không làm hoặc làm sai quy định pháp luật về dân chủ ở cơ sở thì phải chịu trách nhiệm hoặc bị xử lý trách nhiệm và bồi thường thỏa đáng.

Xem xét quy định về tổ chức lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của nhân dân đối với kết quả hoạt động của chính quyền, mức độ hoàn thành nhiệm vụ của cán bộ, công chức cấp xã.

Quy định rõ trình tự thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát

Cũng cho ý kiến tại hội trường, ĐBQH Nguyễn Danh Tú (đoàn Kiên Giang) cơ bản nhất trí với nhiều nội dung trong dự thảo Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở, đại biểu Nguyễn Danh Tú nêu rõ, dự thảo Luật quy định 2 hình thức nhân dân kiểm tra và 4 hình thức nhân dân giám sát.

Theo đại biểu, mô hình nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát có đặc điểm riêng với chủ thể đối tượng trình tự, thủ tục, hệ quả pháp lý là khác nhau.

Tuy nhiên, dự thảo Luật còn quy định rất chung chung về trình tự, thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát theo dẫn chiếu sang các quy định có liên quan.

Do đó, đại biểu đoàn Kiên Giang đề nghị dự thảo Luật cần quy định cụ thể hơn về trình tự, thủ tục nhân dân kiểm tra, nhân dân giám sát phù hợp với mỗi hình thức kiểm tra, giám sát của nhân dân; nhất là trình tự thủ tục Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng thực hiện hoạt động kiểm tra, giám sát để làm cơ sở thực hiện thống nhất trong thực tiễn và cũng là cơ sở để Chính phủ quy định chi tiết hướng dẫn thi hành.

Tiêu điểm - Để người dân không phải “xin - cho” khi làm thủ tục hành chính (Hình 2).

Đại biểu Nguyễn Danh Tú.

Ngoài ra, theo đại biểu Nguyễn Danh Tú, dự thảo Luật quy định hình thức nhân dân giám sát thông qua hoạt động giám sát việc tuân theo Hiến pháp và pháp luật của Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp là vượt ra ngoài phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật.

Đại biểu đề nghị cần xem xét, cân nhắc nội dung này để bảo đảm phù hợp với phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật là ở phạm vi cơ sở.

Cho biết, chức năng kiểm tra và chức năng giám sát là 2 chức năng khác nhau với thẩm quyền, trình tự thủ tục, hệ quả pháp lý là khác nhau nhưng dự thảo Luật chưa có sự phân biệt cho hoạt động kiểm tra, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần tiếp tục nghiên cứu quy định cụ thể hơn các nội dung liên quan hoạt động kiểm tra, hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân.

Về Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, đại biểu đề nghị dự thảo Luật cần xem xét, bổ sung thêm các quy định cụ thể hơn để bảo đảm quá trình triển khai thực hiện được thống nhất, bảo đảm cân đối hài hòa.

Bên cạnh đó, đại biểu cũng đề nghị rà soát để bảo đảm sự thống nhất giữa quy định của dự thảo Luật với các quy định của Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân.

Để nhân dân phát huy quyền làm chủ

Tham gia thảo luận, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho biết, dân chủ là phương thức để nhân dân phát huy quyền làm chủ, để thể hiện ý chí, quyền làm chủ thể của nhân dân.

Thực hiện quy chế dân chủ trong thời gian qua đã góp phần xây dựng môi trường lành mạnh, cởi mở, vai trò của người dân, người lao động đã phát huy tối đa trên tất cả các lĩnh vực về dân bàn, dân biết, dân làm, dân kiểm tra góp phần phát triển kinh tế xã hội, nhất là an sinh xã hội, xây dựng cơ sở hạ tầng địa phương, tạo sự chuyển biến tích cực, ý thức trách nhiệm công vụ, đạo đức, phong cách, lề lối làm việc của người lao động.

Tiêu điểm - Để người dân không phải “xin - cho” khi làm thủ tục hành chính (Hình 3).

Đại biểu Phạm Văn Hòa cho rằng việc xây dựng Luật Dân chủ cơ sở là hết sức cần thiết.

Tuy nhiên, việc thực hiện dân chủ còn nhiều bất cập trong nội dung, hình thức, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng chưa thống nhất, mỗi nơi thực hiện khác nhau, thiếu chế tài xử lý tùy trường hợp cụ thể, vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận, đoàn thể cũng như của người dân chưa rõ, ít được lắng nghe. Cho nên, việc xây dựng Luật Dân chủ cơ sở là hết sức cần thiết.

Theo đại biểu, thời gian qua, các địa phương cả nước tổ chức vận động với phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm đã mang lại những kết quả tích cực, góp phần xây dựng nông thôn mới, an sinh xã hội cho người dân thôn, xóm, bản, làng, đặc biệt là tình làng, nghĩa xóm càng khăng khít, hỗ trợ để giúp đỡ lẫn nhau.

Tuy nhiên, cũng đã xảy ra nhiều bất cập, từ cử chỉ, việc làm của mỗi hộ, mỗi cá nhân chưa có sự thống nhất chung, dẫn đến việc người lao động không làm, thậm chí có người tuyệt đối không thực hiện.

“Vì đây là sự tự nguyện nên cần quy định dân tham gia quyết định những vấn đề về thôn, xóm, bản, làng. Những trường hợp người dân không đồng tình tham gia hưởng ứng thì giải quyết ra sao, cũng cần định tính, định lượng cho rõ ràng để dễ dàng thực hiện”, đại biểu Hòa nhấn mạnh.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật