Đề xuất 3 trường hợp cảnh sát được nổ súng để dừng phương tiện

Bộ Công an đề xuất 3 tình huống cho phép lực lượng chức năng nổ súng quân dụng vào phương tiện giao thông khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Ngày 1/12, Bộ Công an công bố dự thảo luật để lấy ý kiến đóng góp trong vòng 60 ngày.

Theo dự thảo Tờ trình, qua 05 năm tổ chức triển khai thực hiện Luật Quản lý, sử dụng vũ khí (VK), vật liệu nổ (VLN) và công cụ hỗ trợ (CCHT), các bộ, ngành, Ủy ban nhân dân, Công an các đơn vị, địa phương đã tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

Bộ Công an đã tham mưu với Chính phủ chỉ đạo, triển khai Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT đạt nhiều kết quả tích cực, trong đó: Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật được tiến hành thường xuyên, rộng khắp, hiệu quả, qua đó đã nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong công tác quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT. Kết quả trong 05 năm, toàn quốc đã vận động nhân dân giao nộp 99.689 khẩu súng các loại, 17.860 bom, mìn, lựu đạn, 423.390 viên đạn, 3.762.871 kg thuốc nổ, 46.416 kíp nổ, 25.056 công cụ hỗ trợ, 98.895 vũ khí thô sơ, 6.801 linh kiện lắp ráp vũ khí.

Bộ Công an với vai trò nòng cốt trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN và CCHT đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ triển khai quyết liệt, xuyên suốt, hiệu quả từ Bộ đến cơ sở (Công an cấp xã) nên tội phạm, vi phạm pháp luật liên quan đến VK, VLN và CCHT đã được kiềm chế; kết quả trong 05 năm toàn quốc đã phát hiện 34.109 vụ, bắt giữ 56.027 đối tượng, trong đó: Chế tạo trái phép 135 vụ, 197 đối tượng; mua bán trái phép 593 vụ, 812 đối tượng; vận chuyển trái phép 208 vụ, 251 đối tượng; tàng trữ trái phép 4.342 vụ, 5.659 đối tượng; chiếm đoạt trái phép 30 vụ, 30 đối tượng; trộm cắp 86 vụ, 91 đối tượng; sử dụng trái phép 28.715 vụ, 48.987 đối tượng (sử dụng các loại dao và phương tiện tương tự dao 16.841 vụ, 26.472 đối tượng); thu 4.975 khẩu súng các loại, 706.169 viên đạn, 321 lựu đạn, bom, mìn, 27.165,8 kg thuốc nổ, 106.564 kíp nổ, 15.249 công cụ hỗ trợ, 28.023 vũ khí thô sơ.

Bên cạnh những kết quả đạt được, quá trình triển khai, thực hiện Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT đã phát sinh một số bất cập, hạn chế, vướng mắc do có những quy định của Luật không còn phù hợp, chưa đáp ứng được tình hình thực tế hiện nay của công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, vi phạm pháp luật trong lĩnh vực này.

Vì vậy, để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trên, việc nghiên cứu xây dựng Luật Quản lý, sử dụng VK, VLN và CCHT (sửa đổi) là cần thiết, nhằm đảm bảo phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức và người dân; đồng thời, đáp ứng yêu cầu công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm, vi phạm pháp luật về VK, VLN và CCHT trong tình hình mới.

Nhiều loại súng được bổ sung vào danh sách vũ khí quân dụng

Về giải thích từ ngữ, Điều 3 dự thảo Luật đã sửa đổi, bổ sung một số từ ngữ để giải thích các khái niệm cho phù hợp với nội dung, phạm vi điều chỉnh của dự thảo Luật, tạo thuận lợi cho việc áp dụng Luật, phục vụ hiệu quả công tác quản lý nhà nước và phòng ngừa, đấu tranh chống tội phạm, gồm: Vũ khí; vũ khí quân dụng; vũ khí thô sơ; vũ khí thể thao; vật liệu nổ; vật liệu nổ quân dụng; vật liệu nổ công nghiệp; vật liệu nổ công nghiệp mới; tiền chất thuốc nổ; công cụ hỗ trợ; dao có tính sát thương cao; phế liệu, phế phẩm vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ; kinh doanh.

Trong đó, súng bắn đạn ghém, súng kíp, súng bắn đạn nổ, súng bắn đạn sơn, súng nén gas, súng nén khí, súng nén hơi… được bổ sung vào danh mục các loại vũ khí quân dụng.

Các loại dao có tính sát thương cao được bổ sung vào danh mục các loại vũ khí thô sơ.

Dao có tính sát thương cao được định nghĩa là dao sắc, dao nhọn, dao sắc nhọn, có chiều dài lưỡi dao từ 20cm trở lên hoặc dao có chiều dài lưỡi dao dưới 20cm nhưng được hoán cải, lắp ráp để có công năng, tác dụng tương tự dao có tính sát thương cao.

Bộ Công an cũng đề xuất thêm một số hành vi bị nghiêm cấm như: nghiên cứu, chế tạo, sản xuất, mua bán, xuất khẩu, nhập khẩu, tàng trữ, vận chuyển, sử dụng trái phép, chiếm đoạt vũ khí thô sơ..., trừ dao có tính sát thương cao sử dụng vào mục đích lao động, sản xuất, sinh hoạt.

Trường hợp cảnh sát được nổ súng vào phương tiện giao thông

Tại Điều 25 dự thảo luật quy định các trường hợp nổ súng quân dụng khi thực hiện nhiệm vụ bảo đảm an ninh, trật tự.

Cụ thể, người thi hành nhiệm vụ độc lập phải cảnh báo bằng hành động, mệnh lệnh lời nói hoặc bắn chỉ thiên trước khi nổ súng vào đối tượng trong trường hợp sau đây:

Thứ nhất, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác tấn công hoặc chống trả đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Thứ hai, đối tượng đang sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, vũ lực hoặc công cụ, phương tiện khác gây rối trật tự công cộng đe dọa tính mạng, sức khỏe, tài sản của người khác.

Thứ ba, người đang bị truy nã, bị bắt, người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam, người đang bị áp giải, xét xử hoặc chấp hành hình phạt tù đang chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác; đối tượng đang đánh tháo người bị dẫn giải, người bị giam, giữ, áp giải do phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, tái phạm nguy hiểm.

Thứ tư, khi biết rõ đối tượng đang thực hiện hành vi phạm tội nghiêm trọng, phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng.

Thứ năm, được nổ súng vào phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, phương tiện giao thông đường thủy nội địa, trừ phương tiện giao thông của cơ quan đại diện ngoại giao, cơ quan lãnh sự nước ngoài, cơ quan đại diện tổ chức quốc tế để dừng phương tiện đó trong trường hợp đối tượng điều khiển phương tiện đó tấn công hoặc đe dọa trực tiếp đến tính mạng người thi hành công vụ hoặc người khác; khi biết rõ phương tiện do đối tượng phạm tội điều khiển cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin; khi biết rõ trên phương tiện chở đối tượng phạm tội hoặc vũ khí, vật liệu nổ trái phép, tài liệu phản động, bí mật nhà nước, ma túy, bảo vật quốc gia cố tình chạy trốn, trừ trường hợp trên phương tiện có chở người hoặc có con tin.

Cũng tại Điều 25 của dự thảo, người thi hành nhiệm vụ độc lập được nổ súng vào đối tượng không cần cảnh báo khi đối tượng sử dụng vũ khí, vật liệu nổ để khủng bố, giết người; đối tượng phạm tội về ma túy đang sử dụng vũ khí chống trả.

Ngoài ra còn được nổ súng vào đối tượng đang trực tiếp thực hiện hành vi cướp súng của người thi hành công vụ; động vật đang đe dọa trực tiếp đến tính mạng và sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

Bộ Công an đề xuất trước khi sử dụng vũ khí quân dụng, các lực lượng phải căn cứ vào tình huống, tính chất, mức độ nguy hiểm của hành vi mà đối tượng thực hiện để quyết định.

Chỉ sử dụng vũ khí quân dụng khi không còn biện pháp nào khác và sau khi đã cảnh báo mà đối tượng không tuân theo.

Trong đó, nếu việc sử dụng vũ khí quân dụng không kịp thời sẽ đe dọa trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ, người khác hoặc có thể gây ra hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác thì được sử dụng ngay.

Các lực lượng không sử dụng vũ khí quân dụng khi biết rõ đối tượng là phụ nữ, người khuyết tật, trẻ em, người cao tuổi, trừ trường hợp những người này sử dụng vũ khí, vật liệu nổ tấn công hoặc chống trả, đe dọa tính mạng, sức khỏe của người thi hành công vụ hoặc người khác.

T.M