Đổ mồ hôi được xem là hoạt động sinh lý bình thường nhằm đào thải nhiệt dư thừa để duy trì cơ thể luôn ở 37 độ, bảo đảm an toàn cho các cơ quan bên trong. Nhưng nếu mồ hôi bài tiết quá nhiều thì có thể do những bệnh lý tiềm ẩn nguy hiểm.
Mọi người cho rằng đổ mồ hôi là biểu hiện cơ thể đang được thải độc, mồ hôi ra nhiều đồng nghĩa với việc chất độc trong cơ thể đào thải nhiều hơn, có thể giúp cơ thể khỏe mạnh.
Tuy nhiên, đổ mồ hôi thực chất chỉ là một trong những phản ứng sinh lý tự nhiên của cơ thể, việc bài tiết mồ hôi qua các tuyến mồ hôi có thể giúp cân bằng nhiệt độ của cơ thể. Ví dụ, trong quá trình vận động hàng ngày hoặc khi thời tiết quá nóng, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng lên, để giữ cho nhiệt độ ổn định, cơ thể sẽ hạ nhiệt bằng cách đổ mồ hôi.
Quan niệm đổ nhiều mồ hôi tức cơ thể đang tăng cường thải độc là không có cơ sở. Bởi vì, cơ quan thải độc chính của cơ thể là gan và thận, đa phần các chất độc, chất thải sẽ được bài tiết ra bên ngoài qua nước tiểu. Mồ hôi của bạn có khoảng 98% là nước và 2% còn lại gồm muối, protein, carbohydrate và urê, không chứa độc tố mà cơ thể thải ra ngoài.
Lượng mồ hôi ra nhiều hay ít chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố như trọng lượng cơ thể, giới tính, di truyền, môi trường nhiệt độ xung quanh, tình trạng vận động của cơ thể. Nếu chỉ dựa vào yếu tố đổ mồ hôi nhiều hay ít thì không thể đánh giá chính xác sức khỏe của con người.
Nhưng khi cơ thể đột nhiên đổ mồ hôi nhiều vào ban đêm đi kèm các triệu chứng như sụt cân, rụng tóc, tay chân run rẩy thì rất có thể cơ thể đang gửi tới bạn lời kêu cứu liên quan tới các bệnh như:
Cường giao cảm
Đây là nguyên nhân phổ biến nhất ở những người đổ mồ hôi nhiều lâu năm hoặc từ khi còn nhỏ. Mồ hôi xuất hiện ngay cả khi nghỉ ngơi hay khi trời lạnh do hệ thần kinh chỉ huy hoạt động của tuyến mồ hôi bị nhạy cảm quá mức. Mồ hôi có thể ra nhiều ở đầu mặt, chân, tay, bụng, lưng, nách… hay ở bất kể bộ phận nào trên cơ thể.
Mồ hôi nhiều do cường giao cảm thường rất khó chữa nếu không tìm đúng phương pháp. Nhiều cách được áp dụng như tiêm botox, dùng thuốc xịt giảm mồ hôi hay uống thuốc ức chế hệ thần kinh giao cảm có hiệu quả trong thời gian đầu nhưng tỷ lệ tái phát rất cao, bệnh nhân phải điều trị lại nhiều đợt. Hiện nay, y học phát triển xuất hiện các phương pháp mới như cắt hạch giao cảm, nạo hút tuyến mồ hôi có thể trị dứt mồ hôi nhiều tại chỗ, nhưng sẽ bị đổ mồ hôi bù trừ vùng khác, đồng thời gây khô ráp vùng da điều trị. Một khi đã phẫu thuật thì các hạch hoặc tuyến mồ hôi không thể nối lại được nữa nên chúng tôi khuyến cáo bạn cần suy nghĩ thật kỹ trước khi lựa chọn.
Rối loạn lo âu
Những bệnh nhân rối loạn lo âu thường bị đổ mồ hôi nhiều đi kèm hiện tượng buồn nôn, tiêu chảy, mất ngủ, kém tập trung và luôn lo sợ sẽ có nguy hiểm đe dọa mình.
Điều trị rối loạn lo âu cần sử dụng thuốc an thần và liệu pháp tâm lý để ổn định tâm trạng và đẩy lùi triệu chứng.
Đái tháo đường
Đổ mồ hôi nhiều do đái tháo đường là biến chứng thường gặp, do đường huyết không ổn định khiến hệ thần kinh giao cảm hoạt động sai cách. Hậu quả là rối loạn quá trình điều tiết mồ hôi. Có bệnh nhân ra mồ hôi vùng trên cơ thể, đặc biệt là vùng đầu mặt nhưng có những người bị tắc tuyến mồ hôi hoàn toàn. Vì vậy, tốt nhất là người bệnh cần dùng thuốc tiểu đường đều đặn và sinh hoạt khoa học. Khi đường huyết được kiểm soát tốt, mồ hôi cũng sẽ giảm bớt.
Hạ đường huyết
Tình trạng này thường xảy ra do tác dụng phụ của thuốc hạ đường huyết ở những bệnh nhân đái tháo đường lâu năm hoặc hay bỏ bữa ăn. Lượng glucose trong máu giảm kích thích hệ giao cảm hoạt động mạnh để tiết adrenalin, gây đổ mồ hôi.
Nếu tình trạng này thỉnh thoảng xảy ra, bạn có thể mang theo kẹo ngọt để ăn mỗi khi tụt đường huyết, đồng thời đi khám sớm để có giải pháp phù hợp, điều chỉnh thuốc cũng như chế độ ăn khoa học.
Cường giáp
Đổ mồ hôi nhiều cũng không loại trừ khả năng là do bạn bị cường giáp (tuyến giáp hoạt động quá mức) vì hormon tuyến giáp có thể kích thích hoạt động của tuyến mồ hôi. Bạn nên để ý xem có gặp phải triệu chứng tay run, hay hồi hộp, lo âu, rối loạn giấc ngủ, sợ nóng, thèm ăn liên tục, ăn nhiều nhưng lại sụt cân hoặc mắt lồi hay không. Nếu có, bạn nên đi kiểm tra tại khoa Nội tiết để có kết luận chính xác và được khắc phục sớm. Vì bệnh tuyến giáp để lâu ngày không chỉ khiến bạn đổ mồ hôi liên tục mà còn có nguy cơ ảnh hưởng đến tim mạch rất nguy hiểm.
Rối loạn hormon sinh dục
Vấn đề này có thể xảy ra ở cả nam và nữ khi hormon sinh dục suy giảm. Mức testosrerol ở nam thấp dẫn tới truyền thông tin sai lệch cho não là cơ thể đang quá nóng, khiến não chỉ huy tăng đổ mồ hôi để hạ nhiệt. Để điều trị có thể bổ sung testosterol dạng tiêm hoặc uống.
Với nữ giới, đây là tình trạng thường gặp ở tuổi tiền mãn kinh, khi nồng độ estrogen giảm thấp.
Nguyên nhân khác
Ngoài những nguyên nhân kể trên thì mồ hôi nhiều còn có thể do một số bệnh lý ít gặp như: Tác dụng phụ của thuốc chống trầm cảm, viêm màng trong tim, bệnh lao, bệnh ung thư,…
Thùy Dung (T/h)