Đòi nợ không đúng cách, chủ nợ vừa là bị hại, vừa là bị cáo

Trước nguy cơ mất trắng số tiền 300 triệu mồ hôi nước mắt, Hoàng Gia Minh quay cuồng nghĩ cách đòi lại tiền. Được 2 người bạn “hiến kế”, Minh đồng ý làm theo để rồi rơi vào vòng xoáy tố tụng.

“Tiền mất, tật mang”

Tuổi đời còn trẻ nhưng Hoàng Gia Minh (trú tại phường Hà Cầu, quận Hà Đông, Hà Nội) vừa phải ngậm ngùi lĩnh trọn bản án 9 năm tù về Tội bắt cóc nhằm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 169 Bộ luật hình sự 2015.

Nguồn cơn dẫn tới vụ án trớ trêu xuất phát từ quan hệ vay mượn tài sản mà Minh lại là người cho vay tiền. Nếu biết có ngày “làm ơn mắc oán” và có hiểu biết về pháp luật thì có lẽ Minh đã không chọn cách này.

Các bị cáo tại tòa.

Về diễn biến hành vi phạm tội của bị cáo, quá trình xét xử làm rõ như sau: Giữa năm 2019, Hoàng Gia Minh cho anh N.D.T. (34 tuổi, ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) vay số tiền 300 triệu đồng để giải quyết việc cá nhân. Thế nhưng đến hạn, anh T. không trả, thậm chí còn có biểu hiện trốn tránh.

Theo lời bị cáo Minh khai: “Số tiền 300 triệu là tiền tiết kiệm cá nhân của bị cáo. Bị cáo đã nhiều lần liên lạc với anh T. và tới nhà tìm gặp nhưng anh này đều lánh mặt, nên rất bực tức. Vì tin tưởng mà bị cáo mới cho T. vay tiền, hai bên không viết giấy tờ biên nhận”.

Minh quay cuồng nghĩ cách đòi lại số tiền “mồ hôi nước mắt” có nguy cơ mất trắng. Đúng lúc này, Minh gặp và bàn bạc cùng các bạn là Vũ Tiến Thành (32 tuổi, ở quận Kiến An, TP Hải Phòng), Nguyễn Việt Dương (28 tuổi, ở quận Hà Đông, Hà Nội) cùng đi tìm anh T. để đòi nợ.

Khoảng 22h ngày 14/7/2020, Thành cùng Dương đã tìm được anh T. ở trước số nhà 497 Âu Cơ, phường Nhật Tân, quận Tây Hồ, Hà Nội. Hai người này sau đó gọi Minh đi ôtô đến để bắt, đưa anh T. về khu nghĩa trang Ninh Hải (phường Anh Dũng, quận Dương Kinh, TP Hải Phòng).

Tại đây, 3 bị cáo đã dùng chân, tay, tuýp nước đánh đập anh T., ép phải gọi điện về nhà cho bà N.T.H. (là mẹ anh T.) để yêu cầu bà trả nợ thay.

Sau đó, các bị cáo đi ô tô đưa anh T. về nhà Minh ở Hà Nội. Tại đây, Thành, Dương và Minh đã ép anh T. viết giấy nhận nợ số tiền 300 triệu đồng rồi mang đến đưa cho mẹ của anh này biết để bắt bà phải trả nợ thay cho con mình.

Khoảng 22h ngày 15/7/2020, khi các bị cáo đang trên đường đưa anh T. về nhà gặp bà H. để yêu cầu trả nợ thì bị Công an quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) phát hiện và bắt quả tang.

Tại bản kết luận giám định pháp y, anh T. bị nhóm Minh đánh gãy xương mũi và một đốt ngón tay, tổn thương 9% sức khỏe.

Anh T. xác nhận có việc vay nợ, nói "đã trả một ít nhưng không nhớ bao nhiêu". Anh T. yêu cầu bồi thường 100 triệu đồng và xin giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.

Chuyên gia mách nước cho chủ nợ tránh nguy cơ thành bị cáo

Trao đổi với PV, Luật sư, Thạc sĩ Trần Văn Huy – Công ty luật Bảo Tín (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) cho biết: Nguyên tắc bất định trong giao dịch dân sự theo cách nói dân dã “có vay có trả” được hợp thức hóa trong Bộ luật Dân sự năm 2015. Theo quy định pháp luật dân sự hiện hành thì hợp đồng vay tài sản là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cho vay giao tài sản cho bên vay; khi đến hạn trả, bên vay phải hoàn trả cho bên cho vay tài sản cùng loại theo đúng số lượng, chất lượng và chỉ phải trả lãi nếu có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định.

Luật sư, Thạc sĩ Trần Văn Huy – Công ty luật Bảo Tín.

Như vậy, nguồn cơn dẫn tới vụ án trên chính là việc người vay vi phạm nghĩa vụ trả nợ và có thái độ lẩn tránh, chây ỳ khiến chủ nợ bức xúc. Người xưa vẫn nói “đồng tiền đi liền khúc ruột”, số tiền trong vụ việc này lại không hề nhỏ đối với sự tích cóp của một người.

Bản thân người được hỏi vay tiền cũng rất đắn đo, khó xử nếu không cho vay sẽ mang tiếng keo kiệt, không cứu giúp người đang rơi vào hoàn cảnh khó khăn, hoặc vì nể nang, ngại từ chối mà cho vay tiền. Thế nhưng, người vay khi đã vay được tiền để giải quyết công việc cá nhân thì lại không có ý thức trả nợ, hoặc chí ít cũng nên chủ động gặp mặt, trình bày lý do chưa có khả năng trả nợ và đưa ra phương án cũng như lịch hẹn trả tiền cụ thể, để tránh việc chủ nợ thấy hoang mang, suy nghĩ.

Luật sư Huy nói thêm, để bảo đảm quyền lợi của người cho vay, nhất là đối với số tiền lớn, hai bên nên làm hợp đồng vay tài sản hoặc viết giấy biên nhận, có người làm chứng và nên có biện pháp bảo đảm khi thực hiện giao dịch cho vay tiền như: Thế chấp, cầm cố, ký cược… Người cho vay cần áp dụng những biện pháp này để hạn chế rủi ro trong hoạt động cho vay tài chính.

“Và quan trọng hơn, trong bất kỳ tình huống nào khi bên vay chưa thực hiện đúng nghĩa vụ trả nợ thì người cho vay không được manh động, bức xúc và có những hành vi tiêu cực như bắt cóc, đánh đập, ép con nợ ký giấy nhận tiền. Tất cả những hành vi như trên đều vi phạm pháp luật. Thay vì đang là bị hại, chủ nợ sẽ có nguy cơ cao trở thành bị cáo”, Luật sư Huy nói.

Theo Người Đưa Tin