Doanh nghiệp không dám bung ra sản xuất hàng Tết
Nếu như những năm trước, thời điểm này các doanh nghiệp ở Tp.HCM rầm rộ sản xuất hàng hóa Tết, năm nay, nhiều doanh nghiệp lại sản xuất dè chừng, ngại bung hàng đón Tết. Lý do dẫn đến thực trạng này, phần vì vừa tái sản xuất sau dịch, phần vì sức mua yếu và chi phí sản xuất tăng cao.
CTCP TNHH Ba Huân, đơn vị sản xuất, kinh doanh thịt và trứng gia cầm, đến thời điểm này vẫn chưa dám bung ra sản xuất hết công suất. Qua khảo sát, sức mua của thị trường yếu, giảm khoảng 30% so với trước dịch bệnh nên công ty dù triển khai các chương trình giảm giá sâu nhưng sức mua vẫn chậm. Trước đây, mỗi ngày công ty tiêu thụ khoảng 1,5 triệu trứng gia cầm thì hiện nay bán được chưa đến 1 triệu trứng.
Bà Phạm Thị Huân, Tổng Giám đốc CTCP TNHH Ba Huân cho biết, công ty tiếp tục thăm dò thị trường rồi mới chuẩn bị nguồn hàng Tết: "Chi phí sản xuất tăng, cái gì cũng tăng thì sẽ tăng giá sản phẩm, nhưng tăng ở mức cho phép theo bình ổn thị trường trước Tết, ngay Tết, sau Tết. Chúng tôi cam kết không thiếu thực phẩm ngành hàng của này dịp Tết".
Theo dự báo của một số công ty nghiên cứu thị trường, sức mua trong tết Nhâm Dần 2022 sẽ giảm 10% - 20% so với Tết năm trước, do ảnh hưởng của dịch bệnh, người dân thắt chặt chi tiêu. Người dân cũng lo ngại dịch bệnh, hạn chế tập trung mua sắm nên thị trường khó nhộn nhịp như mọi năm.
Bà Lý Kim Chi, Chủ tịch Hội Lương thực thực phẩm Tp.HCM cho biết, nhiều doanh nghiệp sản xuất thực phẩm Tết cũng đang khó khăn sau dịch và chưa dự báo được thị trường nên sẽ không dự trữ hàng hóa nhiều như mọi năm.
Theo Bà Lý Kim Chi, doanh nghiệp chưa dự đoán được thị trường sẽ phát triển tốt hay không? Hay diễn biến như thế nào với tình hình dịch bệnh nên điều đó khiến họ cũng không yên tâm. Hằng năm, đến thời điểm này các doanh nghiệp đã chuẩn bị nguồn hàng gối đầu một tháng trước Tết, một tháng sau Tết... dự trữ tăng 20%, nhưng năm nay thì nguồn hàng dự trữ không tăng nhiều như các năm trước.
Tiểu thương không mạnh tay dự trữ hàng Tết
Hiện nay, sức mua tại các chợ truyền thống trên địa bàn Tp.HCM vẫn chậm khiến tiểu thương kinh doanh các mặt hàng phục vụ nhu cầu Tết như bánh mứt, kẹo, đồ khô... không dám trữ hàng nhiều.
Khác với mọi năm, không khí chuẩn bị nguồn hàng phục vụ cho thị trường Tết Nguyên đán 2022 ở các khu chợ như Bến Thành (quận 1), An Ðông (quận 5), Bình Tây (quận 6), Bà Chiểu (quận Bình Thạnh), hiện đang trong tình trạng im hơi lặng tiếng. Nhiều tiểu thương kinh doanh các mặt hàng bánh kẹo, mứt cho biết chỉ mua vào một số lượng hàng tượng trưng để bán, thậm chí nhiều sạp kinh doanh chưa có kế hoạch mua hàng do lo ngại sức mua giảm trong dịp Tết sắp tới.
Với chợ Bến Thành, dù đã mở cửa từ đầu tháng 10 nhưng lượng khách đến chợ Bến Thành hầu như không có. Chủ sạp 949 – Hương Xuân, kinh doanh bánh kẹo tại chợ Bến Thành, chia sẻ hơn 20 năm kinh doanh ở chợ chưa bao giờ ế ẩm như năm nay. Sức mua dịp tết năm nay khó đoán nên nếu ôm hàng trong dịp Tết này rủi ro rất cao.
Bà Dương Thị Thanh Thủy, 41 tuổi, kinh doanh tại chợ Bến Thành hơn 10 năm, cho biết vẫn đang nghe ngóng và chưa dám đặt hàng bán Tết. Theo bà Thủy, đặc thù của chợ là bán cho khách du lịch là chính, nhưng dù chợ đã mở cửa từ đầu tháng 10, lượng khách vẫn rất ít.
Cũng trong hoàn cảnh tương tự, chợ Bình Tây, khu chợ sỉ lớn nhất Tp.HCM những ngày này, các hoạt động buôn bán, chào hàng, đóng gói, chuyển hàng đi tỉnh không tất nập người mua kẻ bán mà thay vào đó là cảnh tượng vắng lặng.
Theo tiểu thương nơi đây, các công ty thường đến giới thiệu sản phẩm mới, hoặc mời nhập hàng về bán cũng chưa xuất hiện. Nguồn cung bánh, mứt từ Trung Quốc hay Đà Lạt (Lâm Đồng) cũng trở nên khan. Nhiều cửa hàng không trụ nổi đã phải đóng sạp.
Hoạt động cầm chừng, nghe ngóng thị trường và chờ đợi người tiêu dùng là cách mà các tiểu thương tại chợ truyền thống đang làm mặc dù đã vào mùa mua sắm cho Tết Nguyên đán 2022.
Tết là mùa làm ăn lớn nhất trong năm của các doanh nghiệp chế biến lương thực, thực phẩm cũng như các tiểu thương tại chợ truyền thống. Tuy nhiên, năm nay, sau dịch bệnh, các chi phí sản xuất tăng, sức mua yếu, thị trường khó dự báo... khiến doanh nghiệp khó khăn trong tính toán lượng hàng, giá bán lẻ nên dè dặt trong việc tăng sản lượng hàng hóa, không dám bung ra sản xuất cho dịp Tết như các năm trước. Và các tiểu thương cũng không dám mạnh tay dự trữ hàng Tết.
Ông Lê Huỳnh Minh Tú, Phó Giám đốc Sở Công Thương Tp.Hồ Chí Minh cho biết, thời gian này những năm trước, Sở đã lên kế hoạch chuẩn bị nguồn hàng Tết. Năm nay, do điều kiện khó khăn vì dịch bệnh, nên việc đi lại giao thương với các tỉnh cũng khó khăn hơn. Sở cùng các đơn vị, doanh nghiệp cung ứng đã phải xuống các tỉnh, thành làm việc với Sở Công Thương các địa phương để rà soát lại nguồn hàng, xây dựng kế hoạch cung ứng hàng hóa phục vụ Tết. "Hiện nay, các doanh nghiệp đã làm việc với các nhà sản xuất, cung ứng ở các tỉnh, thành và cam kết đảm bảo đầy đủ hàng hóa Tết cho dù bất cứ tình huống nào xảy ra. Ngoài ra, để kiểm soát giá cả bình ổn, nhiều đơn vị và các doanh nghiệp của thành phố cũng đã có kế hoạch dự trữ nguồn hàng dồi dào, phong phú hơn để có giá bình ổn khi thị trường có biến động, sức mua tăng đột biến vào dịp cận Tết”, ông Lê Huỳnh Minh Tú nói. |
Theo Người Đưa Tin