Tôi và con gái 10 tuổi mới chuyển về sống trong căn nhà thuê hồi đầu tháng 10. Căn nhà 1 tầng và chỉ có 1 gác mái nhỏ để chứa đồ đạc thừa trong gia đình chứ con người không thể ở được trên đó. Sở dĩ tôi thuê căn nhà đó cũng chỉ vì nó gần với trường học của con gái để tiện đưa đón bé đi về. Sau này có tiền tôi sẽ thuê căn nhà lớn hơn.
Hồi đầu mới chuyển về căn nhà mới này con gái có vẻ hào hứng vì trông nó nhỏ nhưng gọn và nhất là có phòng riêng nhỏ cho con còn tôi thì ngủ ngoài phòng khách. Thế nhưng sống ở đó được khoảng 1 tháng con gái bắt đầu có những thay đổi nhỏ khi nói với tôi rằng không muốn sống ở căn nhà này nữa. Gặng hỏi con mới thú nhận lý do:
- Trên gác mái có người mẹ ạ, con sợ lắm.
- Làm gì có người hả con, nhà này chỉ có hai mẹ con mình ở thôi, con yên tâm không sợ gì nhé.
- Có người thật mà mẹ, người đó thường xuyên cúi xuống nhìn con, con sợ lắm.
Ảnh minh họa
Tôi quả thực không tin những lời con gái lắm bởi khi đến xem nhà để thuê tôi đã xem rất kĩ căn gác mái đó hoàn toàn đã được chủ dọn dẹp sạch sẽ đồ đạc. Sau khi mẹ con tôi chuyển đến có một chút đồ thừa tôi cũng mang lên đó cất.
Và suốt 1 tháng qua mặc dù tôi chưa lên tới đó lần thứ 2 bởi vì không có cầu thang đi lên mà phải bắc thang mới leo lên được tới nơi nhưng tôi dám chắc không có ai sống trên đó bởi tôi đi đâu luôn khóa cửa cẩn thận. Căn nhà khép kín nên không thể nào có cửa cho người khác lẻn vào căn nhà nữa.
Vậy nên khi nghe lý do của con gái tôi cảm thấy quá nực cười và không mảy may suy nghĩ đến nó nữa.
Những ngày sau đó, con gái tiếp tục nhiều lần nói với tôi về chuyện "Trên gác mái có người".
- Thực sự con đã nhìn thấy có người trên đó đó mẹ, tối đến con ra ngoài uống nước người ấy luôn dõi theo con. Con sợ lắm, mẹ con mình chuyển nhà khác đi mẹ.
Để trấn an con gái, tôi quyết định bắc thang lên xem lại một lần nữa cho chắc chắn. Và quả thực đúng như những gì tôi suy nghĩ, hoàn toàn không có chuyện gì, không có ai cả. Để con gái yên tâm hơn tôi thậm chí còn lắp camera giám sát để theo dõi thường xuyên. Kết quả vẫn là không phát hiện ra đối tượng khả nghi nào xuất hiện trên đó như lời con gái nói cả.
Ảnh minh họa
Suy nghĩ mãi về điều này, tôi cho rằng vấn đề nằm ở phía con gái mình nên quyết tìm hiểu ra nguyên nhân sâu xa để giúp con vui vẻ trở lại.
- Con gái, mẹ đã lên trên đó xem và quả thực không hề có người nào như con nói cả. Mẹ cho con xem cả camera giám sát này, mọi thứ đều bình thường. Vậy nên con hoàn toàn yên tâm nhé, một thời gian nữa đủ tiền mẹ con mình sẽ tìm nhà khác để thuê.
- Đi luôn được không mẹ, con không muốn sống ở đây.
- Đi luôn thì chưa được vì giờ mẹ chưa đủ tiền thuê chỗ khác, với lại mẹ đã cọc tiền nhà ở đây 6 tháng rồi nên không thể đi được.
- Hay là mình về nhà cũ ở với bố đi mẹ, vừa không mất tiền thuê nhà mà lại có bố.
- Con nói vậy là sao. Liệu đây có phải là lý do con đã nói dối mẹ?
- Con, con...
Đứa trẻ cúi đầu như ngầm thừa nhận.
- Vâng, con đã nói dối mẹ chuyện có người trên gác mái tại con không muốn bố mẹ ly thân như hiện nay. Con muốn gia đình mình sống hạnh phúc như trước kia. Căn nhà này có phòng riêng cho con nhưng con thấy không ấm áp như nhà cũ của mình và nhất là ở đây không có bố.
- Mẹ xin lỗi nhưng không thể con ạ, bố đã yêu người khác và sắp tới bố mẹ không thể cùng ở trong một nhà nữa.
Ảnh minh họa
- Sao lại không thể hả mẹ, mình cứ ở chung một nhà như trước kia là được mà mẹ. Con sẽ bảo bố chia tay với cô kia và yêu mẹ như trước kia. Con xin mẹ đấy, bố mẹ đừng chia tay, con muốn sống với cả bố và cả mẹ trong căn nhà của mình chứ con không muốn sống ở bất kỳ căn nhà nào khác cả.
Đứa trẻ vừa khóc vừa ôm lấy mẹ khiến tôi cũng khóc theo. Tôi hiểu ra được tất cả lý do vì sao con đã phải tự tạo ra câu chuyện trên để mong muốn được trở về nhà cũ của mình, tôi rất thương con. Nhưng chuyện hòa hợp e là khó có thể. Hiện nay tôi đang rất bối rối không biết phải làm gì.
Tâm sự từ độc giả tuuyen...
Ly hôn là một quyết định khó khăn và không bao giờ dễ dàng cho bất kỳ ai, đặc biệt là khi có trẻ nhỏ trong gia đình. Khi tình yêu giữa vợ và chồng phai nhạt, và không còn sự hòa hợp, việc ly hôn có thể trở thành điều cần thiết. Tuy nhiên, điều này cũng mang lại nhiều hệ quả cho những đứa trẻ, khiến chúng phải đối mặt với những thay đổi lớn trong cuộc sống. Dưới đây là một số điều bố mẹ cần thực hiện để giúp trẻ chấp nhận và hiểu rõ hơn về quyết định này.
1. Giao tiếp rõ ràng và trung thực
Trẻ em cần được thông tin một cách rõ ràng và đúng đắn về tình hình gia đình. Bố mẹ nên chọn thời điểm và không gian yên tĩnh để nói chuyện với trẻ. Hãy giải thích lý do tại sao bố mẹ quyết định ly hôn, nhưng cần lưu ý giữ cho những lý do này đơn giản và phù hợp với độ tuổi của trẻ. Việc tránh những chi tiết không cần thiết hoặc những lời đổ lỗi sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn.
2. Lắng nghe cảm xúc của trẻ
Trẻ em có thể có nhiều cảm xúc khác nhau, từ buồn bã, giận dữ, cho đến sự hoang mang. Bố mẹ cần tạo không gian cho trẻ bày tỏ cảm xúc của mình mà không sợ bị phán xét. Hãy khuyến khích trẻ chia sẻ suy nghĩ và cảm xúc của chúng, và chắc chắn rằng trẻ biết rằng mọi cảm xúc đều hợp lý và được chấp nhận.
3. Giữ thói quen và lịch trình ổn định
Trong giai đoạn chuyển tiếp này, việc duy trì thói quen và lịch trình hàng ngày sẽ giúp trẻ cảm thấy an toàn hơn. Hãy cố gắng giữ cho hoạt động hàng ngày như giờ ăn, giờ ngủ, và các hoạt động vui chơi không bị thay đổi quá nhiều. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy rằng mặc dù có nhiều thay đổi, nhưng vẫn có những điều quen thuộc mà chúng có thể dựa vào.
4. Đảm bảo tình yêu và sự hỗ trợ từ cả hai phía
Bố mẹ cần khẳng định rằng mặc dù họ không còn ở bên nhau, tình yêu dành cho trẻ vẫn không thay đổi. Trẻ cần biết rằng cả hai người vẫn sẽ ở bên cạnh và hỗ trợ chúng. Hãy cho trẻ thấy rằng cả hai bố mẹ vẫn là một phần quan trọng trong cuộc đời của chúng và sẽ tiếp tục là những người chăm sóc.
5. Khuyến khích trẻ tham gia vào quyết định
Khi phù hợp, bố mẹ có thể cho trẻ tham gia vào một số quyết định nhỏ liên quan đến cuộc sống mới của chúng, chẳng hạn như việc chọn phòng ngủ mới hoặc hoạt động mà trẻ muốn tham gia. Điều này sẽ giúp trẻ cảm thấy có quyền kiểm soát và không bị bỏ rơi trong quá trình chuyển tiếp.
6. Tìm kiếm sự hỗ trợ bên ngoài
Đôi khi, việc tìm kiếm sự giúp đỡ từ các chuyên gia, như nhà tâm lý học hoặc cố vấn gia đình, có thể rất hữu ích. Những người này có thể cung cấp hỗ trợ cho cả bố mẹ và trẻ em trong việc xử lý cảm xúc và điều chỉnh với tình huống mới.
7. Thời gian để hồi phục
Cuối cùng, cần nhớ rằng quá trình chấp nhận và hồi phục sẽ mất thời gian. Bố mẹ nên kiên nhẫn và tạo điều kiện cho trẻ có thời gian để thích nghi với những thay đổi. Hãy hỗ trợ trẻ trong suốt quá trình này và giúp trẻ thấy rằng mọi thứ sẽ ổn.