Tại viện dưỡng lão Steglitz ở thủ đô Berlin (Đức), bà Gertrud Haase, 101 tuổi, cư dân lớn tuổi nhất và là người Berlin đầu tiên được tiêm chủng trước sự chứng kiến của thượng nghị sỹ Dilek Kalayci.
Sau bà Gertrud Haase, 2 cư dân 100 tuổi và 96 tuổi tại viện dưỡng lão cũng đã được tiêm phòng.
Thượng nghị sỹ Kalayci nói rằng, đây là tín hiệu cho thấy không bao giờ là quá muộn để tiêm phòng, bà cảm thấy nhẹ nhõm khi công tác tiêm vắcxin ở thủ đô đã có một "khởi đầu tốt."
Theo bà Kalayci, tại Berlin có hơn 29.000 người sống trong 313 nhà dưỡng lão được coi là đối tượng có nguy cơ đặc biệt trong đại dịch. Do đó, họ cần được phải tiêm phòng.
Bà đánh giá: “27/12 là một ngày của hy vọng” và việc 3 người phụ nữ lớn tuổi là những người đầu tiên được tiêm phòng không chỉ là “tín hiệu tốt” cho tất cả người dân Berlin noi theo, mà còn là lời phản bác cho những người phủ nhận sự tồn tại của virus SARS-CoV-2.
Tại Berlin, cơ quan y tế nhận được 9.750 liều vắcxin trong đợt đầu tiên và sẽ nhận được thêm 39.000 liều vào cuối năm nay.
Công tác tiêm chủng cho những nhân viên đặc biệt dễ bị tổn thương cũng được bắt đầu vào sáng 27/12 tại các phòng khám trong cả nước.
Tại bang Sachsen-Anhalt, 3 đội tiêm chủng lưu động đã được triển khai để tiêm phòng cho cư dân của một viện dưỡng lão ở phía Bắc thành phố Magdeburg. Khoảng 120 người cao tuổi và 60 nhân viên y tế cần được tiêm chủng.
Trong khi đó, tại bang Nordrhein-Westfalen, một cụ ông 95 tuổi là người đầu tiên được tiêm chủng tại cơ sở chăm sóc người cao tuổi Marienheim.
Tại bang Mecklenburg-Vorpommern, việc tiêm chủng cũng được bắt đầu tại một cơ sở chăm sóc ở Güstrow.
Trong một trung tâm hậu cần ở thành phố Lübeck thuộc bang Schleswig-Holstein, 3 đội tiêm chủng lưu động đã được trang bị vắcxin trước sự chứng kiến của Thủ hiến Daniel Günther và việc tiêm chủng cho người dân, nhân viên điều dưỡng đã được bắt đầu tại các nhà ở của người cao tuổi trong thành phố.
Trên Twitter ngày 26/12, Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn bày tỏ lạc quan về việc bắt đầu tiêm chủng trên toàn quốc để kiểm soát đại dịch COVID-19. Ông viết: “Việc tiêm chủng bắt đầu từ hôm nay mang lại hy vọng và sự tự tin.”
Việc tiêm chủng là không bắt buộc, nhưng Chính phủ Đức chủ trương càng có nhiều người được tiêm chủng càng tốt.
Theo các chuyên gia, tỷ lệ tiêm chủng cần đạt từ 60-70% là cần thiết để kiểm soát đại dịch. Theo một cuộc khảo sát của YouGov, khoảng 65% người dân Đức có ý định tiêm phòng.
Trong diễn biến có liên quan, Tổng giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cảnh báo rằng COVID-19 không phải là đại dịch cuối, và nỗ lực cải thiện sức khỏe con người sẽ thất bại nếu không đối phó biến đổi khí hậu và cải thiện sức khỏe động vật.
Ông cho rằng việc vung tiền đối phó sự bùng phát của dịch bệnh mà không làm gì để chuẩn bị đối phó khả năng xảy ra dịch bệnh khác là “thiển cận nguy hiểm”.
Phát biểu nhân kỷ niệm lần thứ nhất Ngày quốc tế sẵn sàng đối phó dịch bệnh, ông nhấn mạnh rằng đã đến lúc học từ đại dịch COVIID-19: “Từ lâu nay, thế giới vận hành theo chu kỳ hoảng hốt và lơ là. Chúng ta ném tiền vào dịch bệnh, và khi hết rồi, chúng ta quên nó đi và không làm gì để đề phòng đại dịch khác. Điều này là thiển cận nguy hiểm và thật khó hiểu”.
Vào tháng 9/2019, Ban Giám sát tình trạng sẵn sàng toàn cầu đưa ra báo cáo thường niên đầu tiên về sự chuẩn bị của thế giới đối với tình trạng khẩn cấp về y tế, cảnh báo rằng thế giới không hề chuẩn bị gì cho các đại dịch tàn phá.
“Lịch sử cho thấy đây không phải là đại dịch cuối, và dịch bệnh là điều thực tế trong cuộc sống. Đại dịch cho thấy mối liên hệ mật thiết giữa sức khỏe con người, động vật và hành tinh”, ông nhấn mạnh.
Ông Tedros kêu gọi các nước đầu tư vào năng lực sẵn sàng phòng ngừa, phát hiện và giảm thiểu mọi tình trạng khẩn cấp, cũng như cải thiện chăm sóc y tế cơ bản.