Việt Nam hiện đang đối mặt với làn sóng dịch COVID-19 thứ 4, số ca mắc mới mỗi ngày đều ở con số hàng nghìn và được ghi nhận tại nhiều tỉnh thành trên cả nước. Kéo theo đó, hoạt động của các ngành nghề, trong đó có ngân hàng chịu ảnh hưởng không nhỏ.
Với hoạt động của ngân hàng trong quá trình kinh doanh
Chia sẻ với PV Tạp chí Đời sống & Pháp luật, PGS. TS Đỗ Hoài Linh, Viện Ngân hàng - Tài chính, Đại học Kinh tế Quốc dân cho biết ngành ngân hàng được đánh giá là “huyết mạch” kết nối mọi hoạt động của nền kinh tế. Vì thế, một khi nền kinh tế có biến động, ngành ngân hàng chắc chắn sẽ phải chịu những ảnh hưởng nhất định.
Dịch COVID-19 bùng phát và diễn biến phức tạp tác động lớn đến nhiều lĩnh vực như du lịch lữ hành, xuất nhập khẩu, đầu tư, giao thông vận tải, điện tử điện lạnh... Một trong những đối tượng gặp khó khăn đầu tiên chính là các doanh nghiệp.
Trong số các khách hàng của ngân hàng, những doanh nghiệp trong các lĩnh vực kể trên chiếm số lượng khá lớn. Việc các doanh nghiệp đó gặp khó vì dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng tới năng lực trả nợ vay cho ngân hàng, dẫn đến nguy cơ gia tăng tỷ lệ nợ quá hạn, gia tăng nợ xấu.
Thêm vào đó, COVID-19 cũng ảnh hưởng tới chi tiêu hộ gia đình. Báo cáo từ Infocus Mekong đã chỉ ra, dịch bệnh sẽ khiến chi tiêu hộ gia đình giảm bình quân 15% đối với các lĩnh vực như ăn uống, giải trí, nhà cửa hay giáo dục. Tổng chi tiêu của người dân giảm sẽ kéo theo sự sụt giảm của nhu cầu vay tiêu dùng.
Với nội bộ ngân hàng trong quá trình hoạt động
Theo PGS. TS Đỗ Hoài Linh, dịch COVID-19 còn tác động tới cả nội bộ ngành ngân hàng. Cụ thể, một nhân viên ngân hàng mắc COVID-19 hoặc vô tình tiếp xúc với bệnh nhân nhiễm SARS-CoV-2, chi nhánh nơi nhân viên này làm việc sẽ phải tạm đóng cửa.
Như vậy, không chỉ công việc của nhân viên đó bị đình trệ ngay lập tức, một chuỗi các công việc khác, thậm chí cả quá trình hoạt động của ngân hàng cũng chịu ảnh hưởng. Việc đó còn có khả năng tác động không nhỏ tới tâm lý cũng như hiệu quả làm việc của các nhân viên khác.
Thêm nữa, thông tin ngân hàng có ca mắc COVID-19 hoặc có nhân viên phải đi cách ly cũng có thể ảnh hưởng tới tâm lý của khách hàng, khiến họ cảm thấy e ngại với khi tới quầy giao dịch trực tiếp.
Trong khi đó, hệ thống số hóa của từng ngân hàng và hệ thống ngân hàng hiện vẫn chưa đạt mức độ cao. Các ngân hàng mới chỉ số hóa ở những hoạt động như mở thẻ hay một số hoạt động rất đơn giản. Phần lớn các giao dịch vẫn được tiến hành trực tiếp tại ngân hàng. Vì vậy, khi vấn đề nói trên xuất hiện, các hoạt động như mở tài khoản ngân hàng, gửi tiền, vay tiền và các dịch vụ khác sẽ bị ảnh hưởng.
Đâu là giải pháp giúp ngành ngân hàng vượt qua thách thức?
Khi được hỏi về giải pháp để có thể giúp ngành ngân hàng đối mặt với những ảnh hưởng do dịch bệnh gây ra, PGS. TS Đỗ Hoài Linh cho biết Nhà nước có rất nhiều kênh để thúc đẩy kinh tế thông qua ngân hàng. Đó chính là các nghị quyết, chỉ thị từ Chính phủ, các văn bản của Ngân hàng nhà nước.
Từ năm 2020 tới thời điểm hiện tại, Nhà nước đã ra nhiều chỉ thị và văn bản nhằm hỗ trợ hoạt động của các ngân hàng, song song với đó là hỗ trợ các hoạt động của cả nền kinh tế.
Một trong số đó là Nghị quyết 42/2017/QH14 về thí điểm xử lý nợ xấu của các tổ chức tín dụng và hiệu quả trong điều hành kinh tế của Chính phủ, hay Thông tư số 01/2020/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước quy định về việc các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ; miễn, giảm lãi, phí; giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch COVID-19.
Tuy nhiên, PGS. TS Đỗ Hoài Linh cho rằng bên cạnh các chỉ thị và văn bản, Nhà nước cũng cần tính đến việc xây dựng hệ thống pháp lý liên quan tới chuyển đổi số, xây dựng ngân hàng số. Để có ngân hàng số hoàn chỉnh, chúng ta phải có nền kinh tế số và nhà nước phải đóng vai trò cầm trịch. Dịch COVID-19 bùng phát gây nhiều khó khăn nhưng cũng là động lực để đẩy mạnh tiến trình chuyển đổi số ngân hàng.
Đối mặt với những thách thức do dịch COVID-19 tạo nên, các ngân hàng cũng đã rất linh hoạt, giảm thu từ tín dụng, thay vào đó là thu từ các hoạt động phi tín dụng như bảo hiểm, dịch vụ. Bên cạnh đó, các ngân hàng cũng đang tích cực số hóa các hoạt động để khách hàng có thể thực hiện các giao dịch thông qua các ứng dụng, thay vì phải tới trực tiếp ngân hàng.
Mặc dù gặp không ít khó khăn, các ngân hàng vẫn sẵn sàng chia sẻ lợi nhuận để đóng góp vào các hoạt động an sinh xã hội, chung tay với nhà nước để hỗ trợ các doanh nghiệp, cá nhân vượt qua khó khăn.
Mới đây, 16 ngân hàng đã đồng thuận giảm lãi suất cho vay đối với các khoản vay hiện hữu trong 5 tháng cuối năm 2021 theo chỉ đạo của Phó Thống đốc Ngân hàng nhà nước Đào Minh Tú. Các ngân hàng này gồm Vietcombank, Agribank, Vietinbank, BIDV, MB, Techcombank, SHB, LienVietPostBank, VPBank, VIB, TPBank, SeABank, MSB, Sacombank, ACB, HDBank.
Tuy nhiên, việc giảm lãi suất từ 0,5% - 2,5%, dự tính bình quân sẽ là 1% sẽ ảnh hưởng lớn và trực tiếp tới doanh thu và lợi nhuận của các ngân hàng. Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Đỗ Hoài Linh đề ra giải pháp rằng nhà nước cần có chính sách hỗ trợ về các mặt như vốn trên thị trường liên ngân hàng, tái cấp vốn từ Ngân hàng nhà nước.
Đinh Kim - Người Đưa Tin Pháp Luật