Ngày 31/8, Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) cho biết đơn vị này vừa tiếp nhận một nam thanh niên 31 tuổi, tiền sử khỏe mạnh, được người nhà đưa vào cấp cứu trong trình trạng vật vã kích thích, huyết áp không đo được, mạch nhanh, kèm theo sốt rất cao (40 độ C), theo báo An Ninh Thủ Đô.
Người thân kể, bệnh nhân bị sốt 2 ngày không đỡ nên đã nhờ y tá về nhà truyền dịch và có tiêm thuốc vitamin tổng hợp. Tuy nhiên, ngay sau khi truyền dịch, bệnh nhân xuất hiện các triệu chứng nói trên, diễn biến xấu đi rất nhanh.
Sau khi tiếp nhận người bệnh, các bác sĩ nhận định đây là trường hợp sốc phản vệ nặng với tỷ lệ tử vong cao. Bệnh nhân lập tức được xử lý cấp cứu theo đúng phác đồ của bộ Y tế, được theo dõi liên tục với các trang thiết bị hiện đại nhưng tình trạng vẫn tiếp tục diễn biến nặng hơn.
Người bệnh sau đó được cho thở oxy liều cao, lọc máu và điều trị tích cực. Hiện, tình trạng bệnh nhân đã ổn định nhưng vẫn đang được theo dõi tích cực tại khoa Hồi sức tích cực của Bệnh viện Thanh Nhàn.
Báo Phụ Nữ Việt Nam dẫn lời các bác sĩ cho hay truyền dịch chỉ áp dụng cho những trường hợp như bệnh nhân mất nước cấp tính không thể bù được lượng dịch bằng đường uống. Người ăn uống kèm, suy kiệt, người không thể ăn được trong những ngày đầu sau phẫu thuật ống tiêu hóa… cần phải được truyền dịch dể nuôi dưỡng cơ thể.
Lưu ý, cần phải có chỉ định của bác sĩ khi truyền dịch. Mọi người tuyệt đối không tự ý truyền dịch tại nhà vì không có người theo dõi đầy đủ, không có thuốc và phương tiện cấp cứu chống sốc. Người bệnh tốt nhất nên đến bệnh viện hoặc nơi khám bệnh có uy tín, đủ điều kiện và được sở Y tế cấp phép để đảm bảo an toàn, tránh xảy ra những hậu quả đáng tiếc.