Hệ lụy từ việc công khai chỉnh sửa thông tin cá nhân để “bùng” tiền vay app

Hiện nay trên mạng xã hội xuất hiện rất nhiều những quảng cáo công khai chỉnh sửa thông tin, chứng minh thư, bằng lái xe, các giấy tờ tùy thân… để phục vụ mục đích “bùng” tiền vay app online. Theo luật sư, đây là những cái bẫy mà người tiếp nhận thông tin cần cảnh giác.

Sự hiện diện của hàng loạt ứng dụng cho vay tiền đã được phản ánh rất nhiều trong thời gian gần đây. Có đến hàng trăm app cho vay tiền online không đăng ký kinh doanh, không được pháp luật cho phép nhưng vẫn hoạt động công khai. Và chính cách thức hoạt động với thủ tục cho vay chớp nhoáng đã dẫn tới hình thành một bộ phận người chuyên vay nợ rồi “bùng” tiền các app. 

Trong một hội nhóm có tên “Hội bùng app vay tiền và chia sẻ cách đối phó” với hàng chục nghìn thành viên, có rất nhiều các bài “đăng đàn” công khai về các khoản vay nợ app, chia sẻ cách đối phó khi bị đòi nợ và chỉ nhau các “quái chiêu” nhằm trốn tránh sự truy lùng của app.

Một tin nhắn về việc công khai khoản nợ và hỏi cách để bùng nợ trên hội nhóm khi bị nhân viên app nhắc nợ.

Không những vậy, nhiều người trên các hội nhóm này còn công khai nhận chỉnh sửa ảnh chứng minh thư, hộ khẩu, bằng lái xe và các giấy tờ khác để vay tiền và bùng tiền. Theo tài khoản P.T.T. trong nhóm này cho hay, do trót vay tiền của một app và không muốn trả khoản vay 2 triệu đồng, T. đã “chat” với một người nhận chỉnh sửa thông tin cá nhân. Tuy nhiên, sau khi gửi thông tin của mình đi, người này đe dọa và yêu cầu T. chuyển 1 triệu đồng vào tài khoản, nếu không sẽ chuyển các thông tin lại cho bên app. Biết mình bị lừa, T. ngậm đắng nuốt cay trả tiền cả 2 bên vì không muốn bị rắc rối. Ngay sau đó, người này khóa nick trên Facebook.

Nhiều trang hội nhóm đã không ngần ngại công khai việc chỉnh sửa thông tin cá nhân để dạy cách bùng tiền app.

Trao đổi với PV, luật sư Phạm Văn Phất - Văn phòng Luật sư An Phát Phạm cho rằng, vấn đề ở đây là, cần xem xét nội dung thông tin đăng tải trên mạng xã hội có vi phạm đạo đức xã hội hay không, có kích động tội phạm hay không, nếu có xử phạt thì chỉ phạt vi phạm hành chính. Nhưng vấn đề nguy hiểm hơn là những lời mời gọi chỉnh sửa chứng minh nhân dân hay các thông tin cá nhân đó có thể trở thành nguồn gốc cho những loại tội phạm phía sau.

Luật sư phân tích, ví dụ đăng thông tin “tôi làm bằng giả” thì chỉ phạt về mặt đưa thông tin lên mạng xã hội nếu thông tin đó vi phạm các quy định của pháp luật. Nhưng nếu làm giả giấy tờ thật, làm giả chứng minh nhân dân cho người khác vay tiền rồi bùng tiền thì có thể rơi vào khung tội lừa đảo.

“Xử lý vấn đề lừa đảo phía sau mới là quan trọng. Còn việc xử lý thông tin và người đăng thông tin chỉ là xử lý phần ngọn, chưa triệt để. Nếu xử phạt chỗ này thì nó có thể sẽ nảy sinh ở chỗ khác bởi việc xử phạt vi phạm hành chính là chưa đủ sức răn đe.

Ở đây có tính hai mặt của vấn đề. Một khi đã đưa thông tin lên mạng xã hội, những người có nhu cầu xem được thì cũng không loại trừ công an có thể xem được. Vấn đề quan trọng là phối hợp xử lý như thế nào của các cơ quan chức năng”, Luật sư Phất nói.

Nhan nhản những lời mời công khai chỉnh sửa thông tin cá nhân để “giúp” bùng app vay online.

Theo luật sự, rất khó để xử lý những người đăng thông tin nếu chỉ căn cứ vào những dòng trạng thái chia sẻ trên trang cá nhân như vậy. Nhiều người vay tiền, tìm cách bùng tiền app và tưởng rằng mình có độc chiêu “thoát xác” thì sẽ không bị ảnh hưởng gì. Nhưng với sự phát triển công nghệ như hiện nay, việc truy cập vào điện thoại, lấy cắp thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng là rất có thể. 

“Thực tế vi phạm này hiện nay rất tràn lan. Vậy lời cảnh báo được đưa ra ở đây là người dùng mạng xã hội đừng ngây thơ tin rằng tất cả thông tin được đưa lên mạng là thông tin hợp pháp. Cần chọn lọc thông tin, đặc biệt là những vấn đề có liên quan đến thông tin cá nhân, người thân của mình. 

Không nên để người lạ truy cập vào điện thoại, nhất là danh bạ, thông tin tài khoản ngân hàng, chứng minh nhân dân… Càng không nên cung cấp cho người lạ thông tin cá nhân bởi chỉ với một số thao tác, các đối tượng xấu có thể hack mất thông tin và dùng nó đi uy hiếp chính bạn hoặc người thân của bạn”, luật sư Phạm Văn Phất đưa lời khuyên.

Theo Người Đưa Tin