Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi (sau đây gọi tắt là Dự thảo) và lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, thời gian quan, chăn nuôi đã góp phần bảo đảm an ninh thực phẩm quốc gia, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội diễn biến phức tạp, ngành chăn nuôi tiếp tục duy trì sản xuất diễn ra bình thường để bảo đảm cung ứng cơ bản đủ thực phẩm cho gần 100 triệu người dân, góp phần vào tăng trưởng chung của ngành nông nghiệp trong việc thực hiện vai trò “trụ đỡ” của nền kinh tế và ổn định tình hình xã hội của cả nước.
Mặc dù, chăn nuôi Việt Nam đang chuyển dịch nhanh theo hướng trang trại, công nghiệp chiếm trên 45% về quy mô và trên 60% về sản lượng nhưng đây cũng là loại hình kinh tế tạo được nhiều việc làm và góp phần cải thiện thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn. Ngành chăn nuôi đã tạo sinh kế cho 6,0-6,5 triệu hộ trong 8,6 triệu hộ sản xuất nông nghiệp, góp phần thay đổi đời sống vật chất, tinh thần của người dân ở khu vực nông thôn. Thu nhập của đại bộ phận dân cư nông thôn không ngừng được cải thiện, nhiều hộ gia đình đã làm giàu từ hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực chăn nuôi.
Để tạo điều kiện phát triển chăn nuôi nông hộ bền vững, hiệu quả, ngày 04/9/2014, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ giai đoạn 2015 - 2020. Sau gần 6 năm triển khai thực hiện hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ, Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg đã góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất chăn nuôi trong nông nghiệp, giá trị các sản phẩm chủ lực, có tiềm năng lợi thế ngày càng tăng; thị trường các sản phẩm gia súc, gia cầm nhìn chung ổn định, bảo đảm nâng cao hiệu quả cho người chăn nuôi; từng bước chuyển đổi hướng sản xuất từ chú trọng vào năng suất, sản lượng sang chú trọng vào chất lượng và giá trị sản phẩm, nâng cao an toàn thực phẩm; các tiến bộ kỹ thuật trong chăn nuôi được cập nhật, ứng dụng và chuyển giao có hiệu quả.
Tuy nhiên, quá trình triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi nông hộ theo Quyết định 50/2014/QĐ-TTg vẫn tồn tại một số hạn chế như: chậm ban hành thông tư hướng dẫn về cơ chế tài chính; phương thức hỗ trợ chính sách là hỗ trợ sau đầu tư mà chủ hộ chưa quen hoặc thiếu kinh phí đối ứng để thực hiện đầu tư mua con giống trước, nhận hỗ trợ sau; các hộ nông dân chưa chú trọng đầu tư, áp dụng kỹ thuật mới để phát triển chăn nuôi, xử lý chất thải chăn nuôi; chính quyền địa phương chưa chủ động cân đối được ngân sách địa phương; việc lựa chọn đơn vị cung cấp con giống, tinh, vật tư kỹ thuật còn nhiều tiêu chí quy định cho các đơn vị cung cấp con giống, vật tư kỹ thuật. Quyết định 50/2014/QĐ-TTg đã hết hiệu lực từ ngày 01/01/2021.
Nhằm hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi đến năm 2030 (thay thế Quyết định số 50/2014/QĐ-TTg ngày 04/9/2014) thực hiện chính sách được giao tại Điều 4 Luật Chăn nuôi và tạo động lực mạnh mẽ để ngành chăn nuôi phát triển hiệu quả, bền vững hơn, nhằm đạt được các mục tiêu về phát triển chăn nuôi theo Chiến lược phát triển chăn nuôi giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1520/QĐ-TTg ngày 06/10/2020, việc xây dựng và ban hành Nghị định Quy định về chính sách đầu tư hỗ trợ nâng cao hiệu quả chăn nuôi là hết sức cần thiết cho phát triển chăn nuôi trong thời gian tới.
Hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi
Điều 8 dự thảo quy định, đối tượng áp dụng là tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp có dự án đầu tư cơ sở sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi.
Dự thảo nêu rõ điều kiện được hỗ trợ là: Phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Dự án đầu tư phải đảm bảo hoạt động ổn định tối thiểu trong 5 năm và đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về môi trường. Dự án có cơ sở sản xuất thức ăn chăn nuôi, cơ sở chăn nuôi đáp ứng điều kiện quy định tại Luật Chăn nuôi, các văn bản hướng dẫn Luật Chăn nuôi và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Ưu tiên dự án mua vật tư, thiết bị, bồn bảo quản thức ăn chăn nuôi được sản xuất trong nước.
Theo đó, hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp xây dựng vùng trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi không quá 50% chi phí đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, bao gồm: đường giao thông nội đồng, thủy lợi, hệ thống tưới tiêu, điện, khu tập kết sản phẩm sau thu hoạch; mức hỗ trợ tối đa 5 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã, doanh nghiệp không quá 50% chi phí mua giống cây trồng làm thức ăn chăn nuôi gồm: ngô lấy hạt, ngô sinh khối, sắn, cỏ, cao lương; mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/dự án.
Hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã không quá 50% chi phí thuê đất, thuê mặt bằng, thuê mặt nước; thu gom, chuyển đổi đất nông nghiệp kém hiệu quả để xây dựng vùng trồng nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã không quá 50% chi phí mua vật tư, thiết bị thu gom, đóng gói, vận chuyển, sơ chế, chế biến, bảo quản phụ phẩm công nghiệp, nông nghiệp làm nguyên liệu thức ăn chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 1 tỷ đồng/dự án.
Hỗ trợ tổ hợp tác, hợp tác xã không quá 50% chi phí mua bồn bảo quản thức ăn chăn nuôi dạng hàng rời tại trại chăn nuôi; mức hỗ trợ tối đa 100 triệu đồng/dự án.
Hỗ trợ doanh nghiệp không quá 50% kinh phí mua thiết bị, bản quyền công nghệ từ nước ngoài để sản xuất nguyên liệu đơn làm thức ăn bổ sung; mức hỗ trợ tối đa 2 tỷ đồng/dự án.
Tổ chức, cá nhân có nhu cầu đăng ký hỗ trợ kinh phí sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi, nộp hồ sơ về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với dự án do ngân sách cấp tỉnh cấp, gửi về Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đối với dự án do ngân sách Trung ương cấp.
Trong thời hạn 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan Nhà nước có thẩm quyền tổ chức thẩm định hồ sơ. Trường hợp kết quả thẩm định đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền ban hành quyết định phê duyệt kinh phí hỗ trợ sản xuất, chế biến, bảo quản và tiêu thụ nguyên liệu trong nước để sản xuất thức ăn chăn nuôi; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Theo Cục Chăn nuôi (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), trong 7 tháng năm 2022, ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi đã phải chi tới gần 2,7 tỷ USD để nhập khẩu 2 nguyên liệu chính là ngô, đậu tương. Ngoài ra, Việt Nam còn tốn hơn 400 triệu USD để nhập khẩu các nguyên liệu khác. Như vậy, nhập khẩu nguyên liệu đầu vào của sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc gia cầm từ đầu năm đến nay lên tới 3,1 tỷ USD.
Cục Chăn nuôi cho hay, do sản lượng ngô và đậu tương trong nước mới chỉ đáp ứng khoảng 37% nhu cầu của ngành sản xuất thức ăn chăn nuôi, nên suốt nhiều năm qua nước ta phải nhập khối lượng rất lớn 2 nguyên liệu này. Brazil, Hoa Kỳ và Canada là 3 thị trường cung cấp đậu tương chính cho Việt Nam trong nửa đầu năm 2022 với 99,2% thị phần.