Sáng 14/1, văn phòng Tổng cục Phòng chống thiên tai (bộ NN-PTNT) cho biết, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa có công văn số 02 gửi tỉnh Thừa Thiên-Huế về việc “tăng cường biện pháp ứng phó rét đậm rét hại”.
Công văn nêu, Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai vừa nhận được báo cáo của phòng Nông nghiệp huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên-Huế và từ thông tin đại chúng về việc ở đây có tới 909 con gia súc (trâu, bò, dê) bị chết, trong đó có 62 con trâu, 469 con bò và 378 con dê.
Theo Ban chỉ đạo Trung ương, đây là số lượng thiệt hại rất lớn trong khi tỉnh Thừa Thiên-Huế không nằm trong khu vực trọng điểm rét đậm, rét hại và còn lớn hơn tổng thiệt hại của các tỉnh ở miền núi phía Bắc (trung tâm của đợt rét đậm, rét hại vừa qua).
Vì vậy, Ban chỉ đạo Trung ương đề nghị tỉnh Thừa Thiên-Huế thành lập các đoàn công tác có sự giám sát của cơ quan chuyên môn để đánh giá thiệt hại và tìm nguyên nhân, sử dụng nguồn ngân sách và quỹ phòng chống thiên tai của địa phương để khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân; đồng thời triển khai, hướng dẫn bà con các biện pháp phòng chống rét cho người, vật nuôi, cây trồng vì theo dự báo của Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn Quốc gia, trong tháng 1/2021 còn nhiều đợt rét đậm, rét hại.
Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện A Lưới cho biết, những ngày vừa qua, tại Thừa Thiên - Huế thời tiết giá rét phổ biến từ 12-14 độ C, về đêm xuống dưới 10 độ C, miền núi A Lưới là khu vực có nhiệt độ thấp nhất.
"Đợt này thời tiết lạnh quá, tại vùng Đông Sơn, A Roàng, Lâm Đắt nhiệt độ xuống thấp. Chênh với Huế 5-6 độ. Trước đã có tập huấn, rồi hỗ trợ thức ăn, nhưng chuồng trại không bảo đảm. Bà con lại có tập quán bán chăn thả", ông Hùng nói.
Trước đó, UBND huyện A Lưới đã hỗ trợ 14 tấn cám gạo cho các hộ chăn nuôi; cử cán bộ nông nghiệp hướng dẫn người chăn nuôi chủ động công tác phòng chống đói, rét và dịch bệnh cho vật nuôi. Các địa phương hướng dẫn hỗ trợ người dân làm áo chắn gió cho trâu bò, khuyến cáo không chăn thả trong những ngày rét đậm, rét hại.