Chiều tối 25/5, bác sĩ CKII Huỳnh Xuân Nghiêm - Phó giám đốc bệnh viện Hùng Vương cho biết, bệnh viện đã kịp thời cấp cứu cho chị B.T.C. (31 tuổi, ở TPHCM) bị tổn thương tử cung sau khi hút thai tại một phòng khám tư nhân.
Theo đó, cách nhập viện 3 tuần, chị C. bị thai lưu 9 tuần tuổi, chị khám và hút thai tại một phòng khám tư nhân. Sau hút thai chị không đi tái khám.
Tối 22/5, chị đau bụng dữ dội, ra máu sậm màu, da xanh, mệt mỏi,… người nhà đưa chị đến bệnh viện quận 12 cấp cứu. Nhận thấy tình trạng của chị C. chuyển biến nặng, các bác sĩ chuyển chị đến bệnh viện Hùng Vương. Lúc này, chị C. rơi vào nguy kịch do xuất huyết nội.
Ngay lập tức, các bác sĩ bệnh viện Hùng Vương thăm khám, chẩn đoán chị C. có khối máu tụ to cạnh tử cung nghi ngờ do tổn thương tử cung, xuất huyết nội sau hút thai. Bác sĩ quyết định phẫu thuật khẩn để cứu chị.
Khi mở ổ bụng, bác sĩ thấy ổ bụng chị chứa khoảng 500ml máu tươi. Tử cung có khối máu tụ to từ đoạn eo, ngang qua dây chằng rộng ngang qua vách chậu trái, lan đến thận, lách trái. Một lần nữa, ê-kíp phải gọi ngay đến bệnh viện Chợ Rẫy nhờ các bác sĩ khoa Mạch máu xử lý khối máu tụ.
Sau khi ê-kíp bác sĩ bệnh viện Chợ Rẫy đến, cả 2 ê-kíp bác sĩ thực hiện bóc tách các túi máu tụ nằm cạnh tử cung cho chị C.. Do chị C. đã một lần sinh mổ, một lần mổ thai ngoài tử cung nên nếu sơ xuất, chị có nguy cơ tử vong ngay trên bàn mổ.
Hơn 4 tiếng đồng hồ căng thẳng, các bác sĩ đã lấy được túi máu ra ngoài, tiếp tục kiểm tra, cầm máu, đặt dẫn lưu sau phúc mạc, từ vách chậu trái ra hố chậu trái, dẫn lưu túi cùng sau ra hố chậu phải cho chị C.
Trong quá trình mổ, chị được truyền 10 đơn vị hồng cầu, 8 đơn vị huyết tương tươi đông lạnh, 8 đơn vị kết tủa lạnh. Hiện tại, chị đã qua cơn nguy kịch, đang được theo dõi sát.
Từ trường hợp trên, PGS-TS-BS Hoàng Thị Diễm Tuyết - Giám đốc bệnh viện Hùng Vương khuyến cáo, bệnh nhân có vết mổ cũ, thai lưu cần đến cơ sở y tế chuyên khoa sản có đầy đủ phương tiện để khám và điều trị chuyên sâu. Bệnh nhân nên tái khám sau khi đã thực hiện thủ thuật tại cơ sở y tế để phát hiện sớm rủi ro có thể xảy ra.
Cơ quan y tế cấp ngành cần giám sát các cơ sở y tế không đủ điều kiện thực hiện việc nạo phá thai đặc biệt có vết mổ cũ. Các cơ sở y tế, phòng khám tư nên cân nhắc thực hiện các thủ thuật phá thai đặc biệt có vết mổ cũ.