Lên thủ đô làm phụ hồ, dính bẫy tín dụng đen
Cuộc sống đang êm đềm sau lũy tre làng thì anh Nguyễn Hữu Du (Kim Bảng, Hà Nam) xảy ra mâu thuẫn với gia đình nhà vợ. Làm rể gần 10 năm không có điều tiếng gì, nhưng chỉ vì sinh 3 cô con gái mà trong các đám cỗ của nhà vợ anh luôn phải chấp nhận “ngồi chiếu dưới”. Đã vậy, cậu em vợ lại “vênh mặt” với anh rể vì vợ mới sinh đôi hai cậu con trai kháu khỉnh. Tuy không nói ra nhưng từng lời cạnh khóe, ám chỉ việc không có thằng con “chống gậy” khiến tình cảm tốt đẹp với bên vợ của anh Du bao năm nay rạn nứt.
Trước khi lên Hà Nội, anh Du chăm chỉ làm ăn, thu nhập ổn định (Ảnh chị Thảo chụp cách đây hơn 1 năm).
Vợ anh hết lòng khuyên giải và cho rằng cậu em trai trẻ người non dạ, kém anh chị đến 13 tuổi nên suy nghĩ hai thế hệ gần như khác nhau. Thế nhưng, một phần vì mặc cảm bao lâu phải kìm nén để vợ vui lòng với 3 cô công chúa nhỏ, một phần vì chút sĩ diện nổi lên trong phút chốc, anh Du đập chén đũa bỏ về ngay trong đám giỗ. Giọt nước tràn ly, mâu thuẫn anh rể em vợ căng thẳng đã đành, bố mẹ vợ cũng trách anh cư xử không đàng hoàng, không đáng mặt làm anh.
Vì muốn mọi chuyện lắng lại, anh Du tạm lánh lên Hà Nội một thời gian. Nhưng vì không có trình độ, chỉ quen việc đồng áng, chăn nuôi từ bé nên anh chỉ xin được làm phụ hồ cho công trình xây dựng ở khu Thanh Trì.
Không may, anh Du vừa lên Hà Nội được một thời gian thì dịch bệnh Covid-19 căng thẳng trở lại. Hà Nội giãn cách xã hội, các công trình xây dựng không hoạt động. Không có tiền tiêu, xoay xở vay bạn bè, người thân cũng không được, cuối cùng anh Du tìm đến tín dụng đen.
Thời gian giãn cách không có việc làm, sẵn nỗi buồn chán trong lòng, anh Du hết tìm rượu giải khuây lại ngồi bài bạc với những người công nhân thất nghiệp giống mình, kết quả số tiền vay cứ thế nhân lên.
Chỉ mấy tháng ở Hà Nội, anh đã dính một khoản nợ 85 triệu đồng và không cách nào trả được. Trong khi đó, lương của một phụ hồ như anh khi chưa có dịch Covid-19 chỉ 5,8 triệu đồng/tháng. Bí bách đường cùng, anh “ship” giấy vay nợ về tận nhà bố mẹ vợ ở quê.
Ngậm đắng nuốt cay trả nợ cho chồng
Nhiều tháng liền không liên lạc được với chồng, chị Thảo (vợ anh Du) đứng ngồi không yên. Nhưng vì dịch bệnh căng thẳng, đi lại khó khăn nên chị cũng không thể lên Hà Nội tìm chồng, chỉ bập bõm biết được thông tin qua những lần anh gọi điện nói chuyện với con.
Cuộc sống khó khăn đã khiến bao người khốn khổ vì tín dụng đen (Ảnh minh họa).
Một ngày cuối tháng 10, chị Thảo chết lặng khi chủ nợ kéo nhau về nhà bố mẹ đẻ của chị để đòi nợ. Họ không chỉ đe dọa mà còn bắt gà, đuổi chó để “thị uy”. Hôm đó vợ chồng ông Lang không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sau đó mới biết con rể đang nợ một khoản 85 triệu đồng. Nhóm người tuyên bố, nếu không trả khoản tiền mà anh Du nợ, họ sẽ đập phá nhà cửa và không để cho gia đình sống yên ổn.
Vì thương bố mẹ bị làm phiền, lại là lỗi của chồng, chị Thảo ngậm đắng nuốt cay vay giật gom góp, mang hết tiền tiết kiệm ra trả khoản nợ cho chồng.
Số tiền thì không quá lớn với nhiều người, nhưng với chị Thảo - một nách 3 đứa con nhỏ thì thực sự là quá sức. Rồi chị vừa lo trấn an, xin lỗi bố mẹ, vừa phải lo làm thêm để có tiền trả nợ cho chồng vì vay mượn bạn bè, người thân cũng có hạn.
Đã vậy, anh Du lại không chịu về nhà nên một mình chị nai lưng bươn trải cuộc sống. Chị thầm trách người chồng vô tâm, hành động thiếu suy nghĩ, rồi lại lo không biết anh có quay đầu làm lại hay vẫn cứ dấn thân vào tín dụng đen. Người mẹ ba con lo nếu chồng cứ tiếp tục dính bẫy tín dụng đen, căn nhà đang ở của họ không biết có còn giữ được nữa hay không.
*Tên nhân vật trong bài đã được thay đổi.
Theo Người Đưa Tin