Công nghệ làm đẹp ngày càng phát triển mạnh mẽ và ngành phẫu thuật thẩm mỹ cũng ngày càng trở nên phổ biến. Nhiều phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ ra đời giúp phái đẹp có ngoại hình hoàn hảo hơn, từ những cuộc phẫu thuật nâng cấp vòng 1, sửa mũi đến những "thủ thuật" can thiệp nhẹ nhàng hơn như căng da mặt, tiêm filler, botox,... Tuy nhiên, có những bộ phận chị em không nên động tới kẻo có chi tiền tỷ cũng gặp cảnh rước họa vào thân.
Theo đó, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được hội đồng chứng nhận và người dẫn chương trình podcast "Buổi triển lãm phẫu thuật thẩm mỹ toàn diện"- Tiến sĩ Anthony Youn, MD cũng đã lên tiếng để cảnh báo chị em về những bộ phận trên cơ thể dù có xấu cũng tuyệt đối tránh “tu sửa”.
Nâng cấp vòng 1
Có 2 cách nâng cấp vòng 1 khá phổ biến hiện nay: 1 là bằng cách tiêm chất làm đầy và 2 là nội soi.
Cả 2 cách đều có những nguy hiểm riêng nhưng cách tiêm chất làm đầy là nguy hiểm hơn hết. Tốt nhất chị em đừng nên động vào. Điển hình như thời gian giữ được phom dáng vòng 1 sau khi nâng cấp tương đối ngắn và có thể xảy ra nhiều biến chứng sau khi tiêm,...
Bên cạnh đó, với phương pháp cấy mỡ ngực cũng được nhiều chuyên gia khác cảnh báo. Theo bác sĩ Kelly Killeen, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ và chỉnh hình được cấp phép tại Los Angeles (Mỹ), việc đưa một lượng lớn mỡ lên ngực mang đến nhiều rủi ro đối với sức khỏe của bệnh nhân. “Nếu bạn cần một lượng mỡ lớn để làm những gì bạn muốn, bạn sẽ có nguy cơ bị biến chứng như u nang, hoại tử mỡ, biến dạng đường nét nơi bạn đã hút mỡ, mỡ không có cấu trúc của mô cấy hoặc mô vú. Vì vậy, cuối cùng bạn sẽ có một bộ ngực trông giống như bánh bao và tôi sẽ không bao giờ làm điều đó”, chuyên gia này cho hay. Cô nói thêm rằng trong trường hợp muốn có vòng 1 to hơn, mọi người nên cân nhắc việc đặt túi ngực.
Không chỉ có Kelly Killeen, nhiều chuyên gia khác cũng khuyến cáo không nên thực hiện phương pháp thẩm mỹ này. Theo Cleveland Clinic, những rủi ro khi nâng ngực bằng phương pháp cấy mỡ bao gồm: chảy máu và bầm tím, tế bào mỡ chết/ hoại tử hoặc di chuyển ra khỏi ngực, đi đến bộ phận khác trên cơ thể, nhiễm trùng, u nang vú, vôi hóa tuyến vú…
Tái tạo vòng 1 săn chắc
Bên cạnh phương pháp tăng kích thước vòng 1, nâng vòng 1 sa trễ hoặc treo vòng 1 chảy xệ cũng là lựa chọn của nhiều chị em.
Đây là phương pháp điều chỉnh thay đổi kích thước, đường viền và độ cao của "núi đôi" cắt bỏ phần da thừa để trông thon gọn, căng tròn hơn và không còn bị chảy xệ. Tuy nhiên theo bác sĩ Youn giải thích: “Thông thường phương pháp này sẽ thực hiện cắt bỏ phần da thừa để vòng 1 không còn bị chảy xuống, thao tác này chắc chắn sẽ để lại sẹo xung quanh vòng 1. Tuy nhiên chỉ vài tháng sau vùng da xung quanh vòng 1 sẽ bị giãn lại”. “Đây đúng hơn là thủ thuật giúp làm phẳng chứ không thực sự giúp nâng vòng 1”, bác sĩ Youn giải thích thêm.
Nâng cấp vòng 3 Brazil
Bác sĩ Youn cho biết nâng V3 Brazil (BBL) là một trong những hoạt động làm đẹp phát triển nhanh nhất trong những năm gần đây vì cơn sốt Kim Kardashian.
Không kém gì vòng 1, kích thước vòng 3 cũng đang được nhiều chị em vô cùng quan tâm. Bác sĩ Youn cho biết nâng vòng Brazil (BBL) là một trong những hoạt động làm đẹp phát triển nhanh nhất trong những năm gần đây. Có người dành hầu hết thời gian trong phòng tập để có thể nâng và làm tăng kích thước vòng 3, tuy nhiên số còn lại thì lựa chọn phương pháp "dao kéo". Và một trong những biện pháp nâng cấp vòng 3 là phương pháp BBL.
Đây là quy trình phẫu thuật dùng mỡ của bệnh nhân để tiêm vào vùng mông, giúp vòng 3 trở nên căng tròn, đầy đặn và tạo đường cong đẹp mắt hơn. Tuy nhiên, bác sĩ Kelly Killeen tuyên bố đây là quy trình thẩm mỹ đứng đầu trong danh sách các thủ thuật mà cô sẽ không bao giờ thực hiện với tư cách là một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ. Cô giải thích: “Đây là quy trình thẩm mỹ có tỷ lệ tử vong và biến chứng cao nhất so với bất kỳ quy trình thẩm mỹ nào khác”. Cô cũng cho rằng các bác sĩ thường xuyên thực hiện BBL không nên được ca ngợi và quảng cáo quá nhiều.
Theo Hiệp hội Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ Quốc tế, có khoảng 396.105 người đã thực hiện nâng mông kiểu Brazil và quy trình làm đẹp này nổi tiếng có tỉ lệ tử vong lên đến 1/3.000. Pat Pazmiño - một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được chứng nhận ở Miami (Mỹ), từng chia sẻ với NBC rằng có nhiều người chết vào năm 2021 do nâng mông Brazil hơn bất kỳ năm nào trước đó.
Loại bỏ mỡ hai bên má
Những chị em có khuôn mặt gầy thì không nên thực hiện thủ thuật loại bỏ mỡ 2 bên má vì dễ trông hốc hác, già nua.
Quá trình này giúp loại bỏ chất béo từ bên trong miệng để giảm độ đầy đặn của má. Bác sĩ Youn cũng cho biết anh đã thực hiện thủ thuật này được khoảng 15 năm và phương pháp này vô cùng phù hợp với những chị em có gương mặt tròn và phần má hơi đầy đặn. Tuy nhiên với những chị em có khuôn mặt gầy thì không nên thực hiện thủ thuật này.
Tiến sĩ David Shafer, bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ được hội đồng chứng nhận ở New York cũng đồng ý với quan điểm này. Theo ông, khi loại bỏ mỡ má được thực hiện bởi một bác sĩ phẫu thuật có kinh nghiệm trên đúng đối tượng, quy trình không nguy hiểm và có thể mang lại kết quả hiệu quả. Tuy nhiên, với những ai sở hữu gương mặt gầy và thon gọn rồi thì không nên áp dụng phương pháp này nếu không muốn về già tiếc nuối. “Vì khi chúng ta già đi, chúng ta sẽ bị mất mỡ một cách tự nhiên và lúc đó hầu hết chị em lại ước má trở nên đầy đặn trở lại”, tiến sĩ David Shafer cho biết.
Làm tan mỡ bằng hóa chất
Việc sử dụng hóa chất để tiêm tan mỡ rất nguy hại cho cơ thể về lâu về dài như đau, sưng, đóng hòn tại khu phẫu thuật
Ăn uống không kiêng cữ, không vận động thể thao dẫn đến việc mỡ tích tụ thành từng lớp, nhất là ở vùng bụng. Theo đó, việc sử dụng hóa chất để tiêm tan mỡ rất nguy hại cho cơ thể về lâu về dài như đau, sưng, đóng hòn tại khu phẫu thuật do hóa chất không tan trong lớp mỡ, thậm chí một số trường hợp bị lở loét da, gây biến đổi bất thường cho cơ thể. Hậu quả còn nguy hiểm hơn nếu bác sĩ phẫu thuật không có kinh nghiệm.
Theo bác sĩ Youn cho biết, dù là thủ thuật nhỏ nhưng nếu bác sĩ thực hiện không có nhiều kinh nghiệm thì rất dễ xảy ra tình trạng nhiễm trùng, sẹo, dẫn đến việc “tiền mất tật mang”.
Căng chỉ nâng cơ mặt
Căng da bằng phương pháp căng chỉ nâng cơ là một tiểu phẫu, không xâm lấn nên được nhiều người lựa chọn trong thời gian gần đây.
Phương pháp căng chỉ nâng cơ là một thủ thuật khá phổ biến từ năm 2005 đến năm 2010, theo đó ở hiện tại phương pháp này cũng trở nên quen thuộc với nhiều chị em. Mục đích của nâng cơ bằng chỉ là luồn chỉ khâu tạm thời để “nâng” da lên một cách tinh vi và khéo léo. Bác sĩ Youn cho biết: “Làn da có thể trông đẹp hơn ngay sau khi làm thủ thuật nhưng hiệu quả chỉ kéo dài khoảng một năm”.
Kéo dài chân
Phẫu thuật kéo dài chân dường như là "cứu cánh" cho những người có chiều cao không lý tưởng và vì thế mà không ít người đã đánh đổi số tiền không nhỏ để thực hiện.
Phương pháp phẫu thuật này chỉ mới phát triển gần đây nhưng cũng được không ít người quan tâm. Nếu như vòng 1 hay vòng 3 còn có thể cải thiện phần nào qua việc tập luyện, ăn uống nhưng chiều cao thì dường như không thể tăng lên đối với người trưởng thành. Vì vậy, kéo dài chân dường như là "cứu cánh" cho những người có chiều cao không lý tưởng và vì thế mà không ít người đã đánh đổi tất cả để thực hiện phẫu thuật kéo chân.
Đây được xem là ca phẫu thuật khó và đòi hỏi chuyên môn cao. Ca phẫu thuật bắt đầu từ việc bác sĩ phải làm gãy cả hai chân, sau đó dùng các vít và nẹp sắt, từ từ kéo xương ra. Suốt quá trình kéo dài vài tháng đến cả năm này, bệnh nhân vô cùng đau đớn và dễ gặp biến chứng. Nó chỉ thích hợp với người quá thấp, và cũng được bác sĩ khuyến cáo nên tránh xa nếu bạn coi đó là cách làm đẹp.