Loạt ca khúc "cũ mà mới" nghe xong phấn chấn tinh thần khi ở nhà mùa dịch Covid-19

Trong những ngày quá nhiều thông tin về dịch bệnh Covid-19, đây là lúc âm nhạc mang đến những ảnh hưởng tích cực cho người nghe. Và các ca sĩ trẻ chính là những người truyền tải thông điệp đó nhanh chóng, gần gũi góp sức nhỏ cho cộng đồng bằng cách ra mắt ca khúc cổ vũ đến tất cả mọi người.

"Ghen Cô Vy" - Min, Erik

Ngay thời điểm dịch Covid-19 bùng phát tại Việt Nam và một số quốc gia trên thế giới, Erik và Min đã cho ra mắt “Ghen Cô Vy” trên nền nhạc của ca khúc “Ghen”. Ca khúc này đã được Khắc Hưng viết lại lời bài hát và được 2 ca sĩ thu âm nhằm mục đích tuyên truyền cộng đồng về cách rửa tay và vệ sinh thật kỹ càng. “Ghen Cô Vy” ngay lập tức nhận sự chú ý lớn, được đài truyền hình Mỹ đưa tin về bài hát, cùng rất nhiều sự hưởng ứng đến từ quốc tế.

Đây cũng là bài hát được đặt hàng của Viện Sức khỏe nghề nghiệp và môi trường (thuộc Bộ Y tế) với nhạc sĩ Khắc Hưng, ca sĩ Erik và Min. Không chỉ là một sản phẩm nghệ thuật tuyên truyền thông thường, “Ghen Cô Vy” cùng “vũ điệu rửa tay” do biên đạo Quang Đăng sáng tạo, vượt ra khỏi biên giới nước nhà, trở thành hiện tượng âm nhạc trên thế giới trong mùa dịch Covid-19.

Đến nay, ca khúc này có phụ đề 25 ngôn ngữ và đang thực hiện phụ đề 6 tiếng dân tộc cùng bản lời hát tiếng Anh để đến với nhiều đối tượng hơn. Qua đó, âm nhạc Việt Nam liên tục có thêm nhiều sản phẩm về cuộc chiến chống “giặc Covid-19” và nhận được sự hưởng ứng mạnh mẽ từ cộng đồng thế giới.

"Mắc dịch" - Lâm Nguyên

Ca khúc này được viết và trình bày bởi tân binh Lâm Nguyên. Anh đã gia nhập V-Pop bằng nhiều ca khúc như “Hết tiền”, “Em đâu rồi em?”, “Tình nhân 2” và gần đây nhất còn có “Này thì 8 tháng 3”. Những sáng tác và thể hiện của Lâm Nguyên luôn hướng đến giới trẻ, những vấn đề mà giới trẻ quan tâm, cũng như thường xảy ra với họ.

Do đó, “Mắc dịch” cũng mang đến một nội dung đầy tích cực khi người trẻ sẽ phải làm gì suốt mùa dịch Covid-19 này. Trong bài hát, Lâm Nguyên còn mang đến sự hài hước khi nói về chuyện social distance hay chuyện kinh tế xuống dốc đầy tính thời sự. Như đoạn hát, “mì gói với xúc xích trứng sắm năm ba thùng rồi ở nhà chơi game. Cả tháng cũng chớ có dám bước chân ra đường dù ngày hay đêm. Vào trong thang máy thì nên rửa tay bằng cồn, đi siêu thị cũng rửa tay bằng cồn”.

Khi chia sẻ ca khúc trên YouTube, nhiều khán giả hào hứng cho rằng, “Mắc dịch” nói trúng “tim đen” của mọi người nhưng bài hát lại không hề nặng nề mà có sự biến tấu vui tươi.

"Cách ly" - Sony Tran và Zuy

Cách ly cũng lắm niềm vui chính là tinh thần chủ đạo của ca khúc này do hai nghệ sĩ trẻ Sony Tran và Zuy thể hiện. Sony Tran là nghệ sĩ mới theo dòng nhạc Lofi, với một loạt ca khúc được phát hành online trên YouTube. Ngay từ trong MV”Cách Ly”, khán giả có thể thấy cách thực hiện “in house” với đủ trò giải trí mà mọi người cách ly ở nhà có thể cùng làm như karaoke, chơi boardgame, dọn dẹp nhà cửa... Nó khiến người xem dễ dàng liên tưởng đến cuộc sống thực tế hiện tại, khi mọi người đều yên vị ở nhà.

Theo Sony Tran chia sẻ, “Cách Ly” là một chút năng lượng tích cực muốn gửi tới mọi người trong thời điểm khó khăn này, hi vọng rằng tất cả chúng ta sẽ sớm đồng lòng vượt qua đại dịch. Hãy cùng nhau ở nhà và cách ly. Bài hát cũng chính là những gì đang diễn ra với Sony Tran hay bất cứ ai, tìm niềm vui trong những ngày “chôn chân” ở nhà.

"Cô Vi Đi Ra" (Diệt Cô Vy) - Tuấn Trần

Là sản phẩm âm nhạc vừa ra mắt, Tuấn Trần mang đến một ca khúc hài hước, nhẹ nhàng hóa những câu chuyện thời sự về dịch Covid-19. Anh khéo léo đưa những hoạt động phòng dịch vào bài hát một cách dễ chịu. Ca khúc vẫn giữ nguyên giai điệu gốc vốn có từ bài “21 Ngày Yêu” nhưng được nhạc sĩ Nam Nam viết lại hoàn toàn với lời hợp với tình hình dịch bệnh hiện tại, đánh vào tâm lý của người nghe vào thời điểm chỉ ở nhà cách ly. Với giai điệu bắt tai, tiết tấu nhanh càng khiến “Cô Vi Đi Ra” dễ có sự đồng cảm từ khán giả hơn.

Qua ca khúc, Tuấn Trần cũng muốn gửi gắm thông điệp mỗi người dân cùng nâng cao ý thức và có trách nhiệm với cộng đồng. Cùng đồng lòng, việc chiến thắng đại dịch sẽ không còn xa. Trong bài hát, không chỉ gợi nhắc những hoạt động rèn luyện sức khỏe tại nhà, Tuấn Trần còn đưa luôn số đường dây nóng 19009095 của Bộ Y tế để thực hiện khai báo nếu phát hiện tình trạng nghi nhiễm.

Tuấn Trần cũng như toàn thể các nghệ sĩ khác, hy vọng tình hình sẽ sớm được cải thiện và sẽ tốt trở lại với cả cộng đồng. Âm nhạc chính là cách để hỗ trợ cộng đồng về mặt tinh thần để vượt qua thời gian chống dịch này một cách thiết thực. Với sự gần gũi trong cách thể hiện, “Cô Vi Đi Ra” là ca khúc lên tinh thần cho bất cứ tai nghe nhạc nào đang cảm thấy chán chường khi phải ở nhà.

"Em là virut Cô Vy" - NQP

Bằng lối hát dễ thương, ca từ hợp thời, ca khúc này không chỉ là lời tuyên truyền mà đó còn là một món quà tinh thần mà nghệ sĩ trẻ NQP (Nguyễn Quang Phi) muốn gửi đến khán giả. NQP sở hữu giọng ca trầm ấm khi đã ra mắt với nhiều bản Pop-Ballad như “Duyên thầm”, “Yếu đuối”, “Em đã bỏ quên”, “Lựa chọn buông tay”, “Người thất bại”. “Em là virut Cô Vy” có giai điệu Reggae đang thịnh hành, nên khá bắt tai ngay từ những câu hát đầu tiên. Đây cũng là ca khúc đặc biệt mà NQP thay đổi dòng nhạc sở trường.

Bài hát là một sự nhân hóa Covid-19 thành một cô gái mà chàng trai đang muốn chia tay. “Cô Vy tuy nhỏ bé nhưng sức lây thì chẳng nhỏ, tránh xa em là cách tốt nhất. Cho nên những kỹ năng phòng bệnh không nên cất, rồi một ngày đẹp trời em sẽ đi thật xa”. Sự ví von thú vị này chính là điểm khác biệt của “Em Là Virut Cô Vy” trong nhiều ca khúc trong mùa dịch này.

Ngoài thông tin đến mọi người tình hình dịch bệnh bùng phát và kêu gọi mọi người ở nhà, “Em Là Virut Cô Vy” còn nhắn gửi mọi người đừng lơ đễnh, để tất cả chúng ta có thể sống chậm lại, yêu thương và sẻ chia với nhau nhiều hơn dù chỉ quanh quẩn ở nhà.