Loạt "ông lớn" bất động sản họp khẩn với Chính phủ, Bộ Xây dựng

Hàng loạt doanh nghiệp bất động sản lớn đã dự họp cùng Chính phủ và Bộ Xây dựng để tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

Ngày 8/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cùng với Bộ Xây dựng đã có buổi làm việc với các doanh nghiệp bất động sản phía Nam và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) nhằm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản.

loat ong lon bat dong san hop khan voi chinh phu bo xay dung dspl

Thị trường bất động sản đứng trước khả năng rơi vào suy thoái. Ảnh minh họa

Trước đó, ngày 7/11, Văn phòng Chính phủ đã gửi công văn mời lãnh đạo Bộ Xây dựng, các doanh nghiệp bất động sản phía Nam như: Sơn Kim Land, Tập đoàn Khang Điền, Becamex, Tập đoàn Him Lam, Địa ốc Hoàng Quân,... và Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đến dự cuộc họp.

Ngoài ra còn có 12 doanh nghiệp bất động sản tại khu vực phía Bắc cũng được mời dự họp trực tuyến.

Bộ Xây dựng được yêu cầu chuẩn bị 40 bộ tài liệu và báo cáo để phục vụ cuộc họp.

Tại cuộc họp, ông Lê Hoàng Châu - Chủ tịch HoREA cho biết, thị trường có khả năng rơi vào suy thoái nếu Nhà nước không sớm ban hành các giải pháp điều chỉnh, hỗ trợ kịp thời và hiệu quả.

Một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản cũng đang rất khó khăn, đặc biệt rủi ro bị sụt giảm sâu thanh khoản, thậm chí có thể bị mất thanh khoản.

Đồng thời, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản đang thu hẹp quy mô đầu tư sản xuất kinh doanh như dừng, hoãn hoạt động đầu tư, thi công xây dựng một số dự án, dừng triển khai các dự án mới, dừng phát hành cổ phiếu tăng vốn, dừng IPO…

Chủ tịch HoREA đánh giá những động thái này tác động đến sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế, trực tiếp làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước.

Bên cạnh đó, do “tắc” nguồn vốn tín dụng, trái phiếu và cả nguồn vốn huy động từ khách hàng, một số tập đoàn, doanh nghiệp bất động sản “đói" vốn nên phải vay vốn ngoài xã hội với lãi suất rất cao, đầy rủi ro.

Thậm chí, có doanh nghiệp còn phải bán bớt tài sản, dự án hoặc bán sản phẩm bất động sản, nhà ở với chiết khấu sâu, thậm chí đến 40% giá hợp đồng, tạo cơ hội cho khách hàng mua với giá rẻ, nhưng có rủi ro do đây là sản phẩm hình thành trong tương lai.

Để tháo gỡ những khó khăn cho thị trường bất động sản, HoREA kiến nghị nhiều giải pháp liên quan đến việc xây dựng pháp luật, hoàn thiện các cơ chế, chính sách, nới tín dụng, tháo gỡ cho thị trường trái phiếu, tăng nguồn cung nhà ở xã hội.

Bạch Hiền (t/h)