“Doanh nghiệp bị giảm đơn hàng, công nhân thiếu việc. Người may mắn còn được đi làm để mong có lương, có thưởng Tết vì chỉ Tết Nguyên đán đã cận kề, mà tình hình chung xảy ra nên phải chấp nhận”, chị Trần Thị Thu là công nhân tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long, Hà Nội ngậm ngùi chia sẻ về tình trạng cắt giảm giờ làm.
"Thật xót xa khi nghe công nhân nói phải "về nhà sớm" hay "Tết đến sớm" - ông Vũ Minh Tiến, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) bày tỏ.
Thông tin về tình hình đời sống, việc làm của người lao động trong bối cảnh hiện nay, Viện trưởng Viện Công nhân và Công đoàn, cho biết thống kê chưa đầy đủ từ công đoàn cơ sở, tính đến ngày 7/12, có khoảng 500.000 người lao động bị ảnh hưởng việc làm, trong đó có 42.000 lao động bị mất việc.
"Nghe tới tết mà... méo mặt vì áp lực”
Anh Nguyễn Minh Tiến, 36 tuổi, lái xe công nghệ có vợ là công nhân Công ty TNHH Hoya Glass Disk Việt Nam phải nghỉ làm tạm thời. Anh cho biết, dù nghỉ làm nhưng vợ anh vẫn nhận được hỗ trợ 70% lương cơ bản từ công ty. Do gia đình anh vẫn ở nhà thuê, để có thêm thu nhập, vợ anh phải xin đi làm thời vụ các công ty bên ngoài.
Anh cho biết thời điểm hiện tại công việc còn ít hơn 2 năm đại dịch COVID. Trước đây, thu nhập của vợ anh khá ổn định và là thu nhập chính trong gia đình. Nhưng hơn 1 tháng gần đây do phải nghỉ làm tạm thời, và Tết đến gần nên gia đình anh phải cắt giảm chi tiêu, tiền dành dụm trước đây cũng đã phải lấy ra để chi tiêu sinh hoạt.
Mắt anh rưng rưng khi chia sẻ: “Mới chỉ cách đây vài tháng hai vợ chồng còn tính “cày cuốc" năm sau mua nhà với số tiền tích góp trước đây và vay thêm gia đình, họ hàng hai bên. Nhưng khi nhận được thông báo tạm nghỉ việc, thu nhập bị gián đoạn vì nghỉ dài, thiếu tiền nên vợ chồng rơi tôi cảm thấy hụt hẫng".
Tết cũng sắp đến rồi mà với thu nhập “ba cọc ba đồng" nên hai vợ chồng "Nghe tới tết mà... méo mặt vì áp lực”.
Cùng hoàn cảnh với vợ anh Tiến, chị Trần Kim Liên là công nhân tại một công ty may trong khu công nghiệp Sài Đồng (Hà Nội) là mẹ đơn thân nghẹn ngào kể với Người Đưa Tin: “Từ lúc vợ chồng không ở với nhau nữa thì tôi rời quê lên Hà Nội làm để kinh tế. Khi đã ổn định hơn thì tôi đón con lên ở cùng cũng được 4 năm. Trước đây việc làm đều, tăng ca nhiều nên thu nhập ổn định nên hai mẹ con đủ sống. Thời gian này công ty không xuất được hàng nên cắt giảm giờ làm còn 6 tiếng/ngày và không được tăng ca, nên thu nhật giảm rõ rệt”.
Hiện tại chị đang bán hàng online kiếm thêm thu nhập. “Gần Tết rồi phải sắm nhiều thứ, con gái tôi cũng muốn có quần áo mới. Là người mẹ, có dịp Tết lại không sắm được quần áo mới cho con mình”. Chị Liên nghẹn ngào nói “Chưa năm nào sợ Tết như năm nay, khó khăn hơn cả lúc dịch bùng phát. Không biết Tết năm nay có đủ tiền về quê ăn Tết nữa không”.
“Nợ chồng nợ"
Bà Lương Thị Cẩm, 65 tuổi, quê Võ Nhai, Thái Nguyên cho biết, con trai và con dâu là công nhân làm việc tại khu công nghiệp Bắc Thăng Long tiết kiệm được 1 khoản, phần còn lại được ngân hàng cho vay để mua nhà tại Dự án Chung cư nhà ở xã hội tại Đông Anh. Nếu tình hình thuận lợi như trước, mỗi tháng hai vợ chồng thu nhập được 18 triệu. Thế nhưng bây giờ, công ty cũng khó khăn nên cắt giảm giờ làm, thu nhập cả hai vợ chồng giảm tới 6 triệu/tháng. Trong khi đó, 6 triệu là số tiền vợ chồng con bà dành ra mỗi tháng để trả nợ cho ngân hàng.
Nếu tình trạng cắt giảm kéo dài, các con bà sẽ rất khó khăn xoay sở kinh tế, nhất là dịp gần Tết này. Bà chia sẻ thêm, nhìn hai con cả năm đi làm vất vả không để ra được đồng nào, giờ còn thêm cảnh “nợ chồng nợ".
Bà Nguyễn Thị Hồng, 68 tuổi là chủ một dãy trọ gần khu công nghiệp Bắc Thăng Long cho biết xóm trọ có khoảng 13 công nhân bị cho tạm nghỉ, 2 công nhân bị mất việc làm, chỉ có công nhân kỹ thuật được làm đều đặn và tăng ca những ngày cận Tết. Dãy phòng trọ của bà Hồng cho thuê từ 1,2 - 2 triệu đồng/phòng, từ đầu tháng 11, các công nhân khó khăn vì bị công ty thông báo tạm nghỉ, cắt giảm giờ làm nên bà đã giảm 250.000 đồng/phòng.
Thế nhưng, vẫn có một số công nhân khó khăn nên xin bà chậm nộp tiền phòng. “Nhìn những người công nhân thuê trọ bị tạm nghỉ chưa biết ngày nào công việc ổn định lại phải xoay xở tìm việc làm thời vụ, chắt chiu từng bữa ăn nên tôi cũng thông cảm cho nộp chậm" bà Hồng nói. Bà Hồng chia sẻ thời điểm dịch bệnh các công nhân vẫn duy trì việc làm trong nhà máy, có thể chuyển khoản thanh toán tiền trọ dù không sinh hoạt tại phòng trọ, nhưng giờ thu nhập không ổn định nên bà cũng không nỡ nghiêm ngặt tiền phòng.
“Công nhân lao động chỉ tuần trước mất việc, tuần này đã không cầm cự được, như vậy rất là bi đát. Ngoài ra, có đến 38% công nhân đang nợ nần, trong số này có 14% rất khó khăn để trả nợ đúng hạn”, ông Vũ Minh Tiến xót xa.
Về thu nhập, nếu như số liệu của Tổng cục Thống kê trong quý III/2022 mức thu nhập trung bình của người lao động đạt khoảng 6,7 triệu đồng/người, thì khảo sát của đơn vị này tại thời điểm tháng 10 và tháng 11 giảm chỉ còn 5,9 triệu đồng/người.
Đồng hành qua giai đoạn khó khăn
Trao đổi với Người Đưa Tin, ing Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang cho biết: Trong năm 2022, cùng với cả nước, Bắc Giang tiếp tục phải đối mặt với nhiều thách thức lớn, chính sách Zero Covid của nước bạn cùng với xung đột địa chính trị, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, giá cả nhiều mặt hàng thiết yếu leo thang, biến động khó lường. Điều này dẫn đến một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh gặp khó khăn do thiếu nguyên liệu đầu vào và bị giảm đơn hàng, đặc biệt là doanh nghiệp xuất nhập khẩu dẫn đến nhiều người lao động bị giảm giờ làm, chấm dứt hợp đồng lao động. Trước vấn đề trên, tỉnh cũng đã chỉ đạo Ban quản lý các khu công nghiệp, Liên đoàn Lao động tỉnh, các sở ngành bám sát tình trạng sử dụng lao động của doanh nghiệp và đời sống của người lao động đặc biệt đảm bảo người lao động được hưởng đầy đủ các chính sách của doanh nghiệp. Tinh thần chung vẫn là cùng đồng hành với nhau qua giai đoạn khó khăn.