Theo lời kể của bệnh nhân H.T.M., 47 tuổi (Hà Nội), chị đến spa của người quen tiêm chất làm đầy để nâng mũi. Sau khi tiêm khoảng 10 - 15 phút, nhân viên tại cơ sở nắn sống mũi thì bệnh nhân có biểu hiện nóng đầu, hoa mắt, chóng mặt, co giật.
Lập tức bệnh nhân được tiêm thuốc giải nhằm làm tan filler đã tiêm. Sau 4 tiếng từ khi tiêm filler, bệnh nhân được đưa đến cấp cứu tại Bệnh viện Việt Đức trong tình trạng mất toàn bộ thị lực mắt trái và đau đầu, co giật, biểu hiện toàn thân nặng nề, được chẩn đoán tắc động mạch não và các mạch cấp máu cho vùng mũi, trán...
Trao đổi với báo chí, PGS.TS Nguyễn Hồng Hà, Trưởng khoa Phẫu thuật tạo hình hàm mặt và thẩm mĩ (Bệnh viện Việt Đức) cho biết, bệnh viện đã huy động đội ngũ bác sĩ tạo hình, các bác sĩ chuyên chống đột quỵ và nhờ các bác sĩ Bệnh viện Mắt trung ương sang hỗ trợ điều trị, chuẩn bị phương tiện để hồi sức cấp cứu thông mạch sớm nhất.
Ngay khi nhận được thông báo về ca bệnh, các bác sĩ đã triển khai cấp cứu tối khẩn cấp đa chuyên khoa. Các bác sĩ chuyên khoa tạo hình thẩm mĩ đã tiêm thuốc giải tại chỗ theo đường đi của các nhánh động mạch của động mạch mắt; bác sĩ chuyên khoa mắt thăm khám tình trạng mắt; bác sĩ chuyên khoa chẩn đoán hình ảnh can thiệp mạch tiến hành chụp đánh giá tổn thương.
Sau 10 ngày điều trị tích cực, hiện bệnh nhân tỉnh táo, giao tiếp được, thi thoảng có cơn đau đầu. Mắt trái từ mất thị giác hoàn toàn đã dần cảm nhận được ánh sáng khi chiếu đèn. Bác sĩ Hà cho biết: "Đây là dấu hiệu rất đáng mừng vì trên thế giới mỗi năm có cả trăm ca bệnh gặp biến chứng mù mắt sau khi tiêm filler nâng mũi, những ca thành công nhìn lại được ánh sáng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Bệnh nhân cần có thời gian theo dõi thêm để biết được mức độ phục hồi mắt".
Bệnh nhân hiện đã ổn định sau 10 ngày điều trị.
Được biết trong thời gian gần đây tuần nào Bệnh viện Việt Đức cũng tiếp nhận ca bệnh gặp tai biến do tiêm filler hoặc tai biến nhiễm trùng sau mổ. Bệnh nhân chủ yếu trên 45 tuổi. Đáng nói là phần lớn bệnh nhân tiếp cận các cơ sở làm đẹp qua các bài quảng cáo chưa được kiểm chứng trên mạng xã hội, thực hiện thẩm mĩ ở cơ sở không được cấp phép.
“Việc tiêm filler ở spa, cơ sở cắt tóc, gội đầu, nhà riêng do những người không có chuyên môn, tiêm những chất không có nguồn gốc, xuất xứ sẽ dẫn đến những hậu quả khó lường", PGS.TS Nguyễn Hồng Hà cảnh báo. Bác sĩ Hà cũng khuyến cáo trong trường hợp không may xảy ra tai biến khi làm đẹp, cần cố gắng đưa bệnh nhân đến bệnh viện có chuyên khoa phối hợp để được cấp cứu đa chuyên khoa trong thời gian sớm nhất có thể.
Theo các bác sĩ, biến chứng cấp tính của việc tieêm filler không đúng là tiêm vào mạch máu gây đau nhức. Chất filler đi sâu hơn nữa làm cho mờ mắt, mù mắt, hoại tử da một vùng. Làm đẹp là nhu cầu chính đáng của chị em phụ nữ, nhưng làm thể nào để đảm bảo sức khỏe cho bản thân là điều người dân nên hết sức lưu ý. Ngoài ra, cần chọn sản phẩm tiêm filler có nguồn gốc, kiểm chứng độ an toàn, tinh khiết. Sau khi tiêm cần được theo dõi và được xử trí kịp thời để tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.