Ngày Tết ăn nhiều món mặn, dùng ngay những thực phẩm này để cơ thể bớt "muối", thận và tim chẳng lo yếu

Những món ăn dịp Tết như thịt kho trứng, các món xào và nước mắm chấm, muối chấm... có thể khiến cơ thể bạn hấp thụ quá nhiều muối.

Dịp Tết trên bàn ăn của các gia đình có rất nhiều các món ăn đa dạng, thơm ngon nhưng đồng thời cũng chứa rất nhiều muối. Theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi người trưởng thành chỉ nên ăn tối đa 5g muối mỗi ngày. Lượng muối này đã bao gồm cả muối có sẵn trong thực phẩm và muối mà bạn nêm thêm vào món ăn. 

Thực tế, hầu hết mọi người đều ăn vượt quá lượng muối cho phép này bởi ngay trong chính các món ăn cũng đã có lượng muối vượt quá con số 5g chẳng hạn như các món kho, món xào và các loại nước chấm, muối chấm... Ngay cả khi bạn ăn hoa quả hay rau củ cũng vẫn có thể nạp thêm muối nếu dùng nhiều nước mắm hay muối chấm. 

Ăn quá nhiều muối sẽ khiến cơ thể hấp thụ quá mức natri, về lâu dài sẽ gây nguy hiểm cho sức khỏe. Bạn có thể gặp một số tác dụng phụ không mong muốn như đau đầu, đầy hơi, mất nước và cảm thấy mệt mỏi. Theo thời gian, việc nạp quá nhiều natri liên tục có thể dẫn đến bệnh tim, huyết áp cao và đột quỵ. 

Đừng lo lắng, có nhiều cách giúp cân bằng natri trong cơ thể sau bữa ăn nhiều muối. Uống nước và vận động có thể giúp bình thường hóa nồng độ natri, nhưng các loại thực phẩm khác mà bạn ăn cũng có thể đóng một vai trò nào đó. Kali là đối trọng của natri giúp kiểm soát huyết áp, vì vậy ăn đủ kali cũng rất quan trọng đối với sức khỏe tim mạch. Tuy nhiên nhớ đừng lạm dụng nó.

Nếu bạn vừa ăn một bữa mặn và muốn giảm bớt tác động của natri với cơ thể, hãy bổ sung thêm những thực phẩm sau.

1. Chuối

Chuối chứa nhiều kali, chiếm khoảng 12% giá trị hàng ngày của bạn (420mg) trên một quả cỡ trung bình. Lượng kali này có thể giúp kiểm soát huyết áp sau bữa ăn nhiều natri và có thể làm giảm nguy cơ đột quỵ. Chúng cũng có nhiều chất xơ, giúp giảm nguy cơ mắc bệnh tim. 

2. Quả bơ

Bơ chứa 16% giá trị kali hàng ngày của chúng ta (560mg). Cùng với lợi ích về kali, bơ có một lượng chất xơ ấn tượng tốt cho hệ tiêu hóa. Hơn nữa, bơ còn chứa chất béo lành mạnh tốt cho tim mạch nhưng nhớ đừng ăn quá nhiều. 

3. Kiwi

Kiwi là một lựa chọn tuyệt vời sau một bữa ăn mặn mà, có hàm lượng natri cao. Một quả kiwi có 148mg kali, khoảng 5% giá trị khuyến nghị hàng ngày. Một tác dụng phụ khác của việc ăn quá nhiều natri là gây đầy bụng, đặc biệt nếu đó là bữa ăn giàu natri, giàu protein. Kiwi chứa các enzyme giúp bạn phân hủy protein để nó có thể được tiêu hóa dễ dàng hơn, điều này có thể giúp giảm bớt chứng đầy bụng. 

4. Rau lá xanh

Rau lá xanh là loại rau bổ dưỡng nhất và cũng cung cấp không ít kali. Một chén rau bina nấu chín cung cấp 24% giá trị kali hàng ngày của chúng ta với hàm lượng kali là 840mg. Chúng cũng chứa nhiều chất xơ và một số chất dinh dưỡng khác trong khi lại ít calo, giúp bạn vẫn no bụng mà không tăng cân.  

5. Sữa chua

Có một số lý do để ăn sữa chua sau bữa ăn nhiều natri. Nó chứa đầy kali cũng như men vi sinh, giúp đường ruột và hệ tiêu hóa của bạn hoạt động tốt nhất. Chọn sữa chua nguyên chất thay vì có hương vị và thêm trái cây tự nhiên thay vì chất làm ngọt nhân tạp để tránh hấp thụ quá nhiều lượng đường bổ sung.  

6. Nước dừa 

Mặc dù không phải là thực phẩm nhưng nước dừa có hàm lượng kali cao tự nhiên với 396mg (11% giá trị khuyến nghị hàng ngày) mỗi cốc. Nó cũng chứa các chất điện giải khác như magiê và canxi giúp bạn cân bằng lượng chất lỏng và giữ nước. Cuối cùng, nước dừa có chứa một chất dinh dưỡng gọi là mangan, rất quan trọng đối với quá trình chuyển hóa carbs, protein và cholesterol trong cơ thể chúng ta.    

HOÀNG DƯƠNG