Nghề lạ ở Việt Nam: Loại quả đặc sản ở quê xưa không ai ăn, nay dân trồng thu vài trăm triệu/năm, khách đặt tới tấp

Quả trám giờ là đặc sản có giá đắt và rất được ưa chuộng, vì thế nghề trồng trám mang lại thu nhập vài trăm triệu đồng/năm cho người dân tại nhiều vùng miền trên cả nước.

Khoảng tháng 7 hàng năm là vụ thu hoạch quả trám đen ở xã Hà Châu (huyện Phú Bình, tỉnh Thái Nguyên). Loại quả này vốn không xa lạ với những ai sinh ra và lớn lên ở các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ. Đây là món ăn vặt của những đứa trẻ thế hệ 8X - 9X lớn lên trong điều kiện còn nhiều thiếu thốn, không có nhiều thức quà ăn vặt. Trám đen cũng là nguyên liệu quan trọng để chế biến nhiều món ăn ngon của các bà, các mẹ. Thế nhưng, ở xã Hà Châu giờ đây, loại quả dân dã quen thuộc này trở thành cây “hái ra tiền".

Quả trám quen thuộc với nhiều người.

Theo lời của anh Huỳnh Văn Kiên (37 tuổi, xã Hà Châu), trên địa bàn có khoảng 30 hộ dân trồng trám với số lượng khoảng 700 cây đang cho thu hoạch quả, tập trung ở các xóm Đông, Mới, Táo, Núi… Đây là loại quả vốn sống lâu đời ở vùng đất này (vào khoảng thập niên 50 - 60). Sau nhiều năm bị “lãng quên", quả trám đen trở thành đặc sản được người dân khắp các thành phố lớn “săn lùng". Nhận thấy “cơ hội làm ăn" từ loại cây này, anh Huỳnh Văn Kiên và nhiều nông dân khác trong vùng trồng thử nghiệm loại cây này.

“Ban đầu, mình nhân giống mang về trồng ở những vùng đất soi, bãi bồi ven sông Cầu. Đến nay, những cây trám này đã trở thành những cây cổ thụ cao lực lưỡng, có những cây phải 2 người ôm mới xuể. Hiện tại, gia đình mình có khoảng 30 cây trám đen đã cho thu hoạch quả, ngoài ra mình còn nhân giống và trồng thêm nhiều cây con khác để mở rộng trang trại", anh Kiên cho hay.

Nhiều nông dân “phát tài” nhờ quả trám đen.

Theo anh Kiên, so với những loại cây trồng khác, cây trám không mất nhiều công chăm sóc mà giá trị kinh tế lại cao. Quan trọng nhất lúc mới bắt đầu trồng, còn khi cây đã ra quả ổn định thì chỉ cần bón phân cho cây phát triển là được. Cây trám có tuổi thọ lâu đời, sức sống bền bỉ, sau 7 - 8 năm trồng mới ra quả. Nhưng khi cây đã có quả thì luôn ra ổn định theo từng năm mà không bị ảnh hưởng bởi sâu bệnh hay thời tiết, khí hậu hay đất đai…

Kể từ khi cây trám cho thu hoạch đều đặn, gia đình anh Kiên và nhiều hộ gia đình ở xã Hà Châu có thu nhập kinh tế ổn định, từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi năm. Trung bình mỗi cây trám của gia đình cho sản lượng từ 3 - 4 tạ quả. Với giá quả trám đen từ 70.000 – 90.000 đồng/kg như hiện nay sẽ mang về thu nhập khoảng 20 triệu đồng/cây. Trám của gia đình thu hoạch đến đâu bán hết đến đó, thậm chí thương lái đến tận nhà mua mà không cần phải mang ra chợ bán.

Đây là gốc trám sau 7-8 năm trồng 

Xuôi về Hà Tĩnh, một tỉnh thành có nhiều đồi núi và khí hậu phù hợp với cây trám, tại đây bà con nông dân cũng sớm phát triển giống cây này mang lại giá trị kinh tế cao. Tại huyện miền núi Hương Sơn, hàng trăm hộ dân đang sở hữu những cây trám đen cổ thụ có tuổi đời hàng chục năm, đang vào mùa thu hoạch. Đến xã Sơn Ninh, Sơn Phú, Sơn Lâm, Sơn Giang… đâu đâu cũng thấy bà con nông dân đang phấn khởi í ới gọi nhau thu hoạch quả trám đen để bán.

Theo lời ông Phạm Thiện Thanh (67 tuổi, huyện Hương Sơn), trước đây, người dân ít để ý chăm bón, chỉ để cây trám đen phát triển tự nhiên, nên trồng từ 7 - 8 năm mới cho thu hoạch. Bây giờ, trám đen được xem là sản phẩm hàng hóa nên người dân tiếp tục ươm giống phát triển. Không chỉ đẩy nhanh thời gian nuôi cây và thu hoạch, chất lượng quả cũng cao hơn hẳn. Tại đây, hợp tác xã, UBND và hội khuyến nông đều hỗ trợ bà con hoàn thiện kỹ thuật trồng và chăm sóc cây trám đen. 

Theo ông Thanh, nên trồng trám ở những khu vực nhiều ánh sáng, không bị che khuất. Cây trám phù hợp với khu vực đất tơi xốp, những soi, bãi bồi ven sông, sẽ cho chất lượng quả ngon hơn. Ngoài ra, có thể dự đoán trám có được mùa hay không dựa vào thời tiết, nếu thời tiết ôn hoà thì trám ra quả trĩu cây. Nếu nắng gắt hay có bão trong năm thì trám sẽ mất mùa, nhưng bù lại được giá. 

Cứ đến mùa, thương lái đến tận nơi thu mua trám

“Cây trám thường ra hoa vào thời điểm tháng 2 âm lịch hằng năm và đến tháng 7 bắt đầu cho thu hoạch quả. Thời gian thu hoạch quả trám ngắn, chỉ kéo dài trong vòng 2 tháng. Đây lại là thời điểm cắt đồng, rảnh rỗi nên bà con tranh thủ thu hoạch loại quả này, kiếm thêm thu nhập", ông Thanh cho biết. 

Cùng với việc phát triển cây trám đen, hệ thống tiêu thụ của loại quả đặc sản ngày càng được mở rộng. Những năm gần đây, trám đen của huyện Hương Sơn và nhiều tỉnh phía Bắc đã được đưa đi tiêu thụ rộng rãi ở các tỉnh, thành phố trong cả nước. Ngoài lượng trám bán lẻ tại các chợ, ở các điểm thu mua, thương lái còn thu gom tới hàng tấn quả để xuất cho các xưởng sản xuất trám dạng ô mai, đóng hộp, quả trám khô… 

Theo lời chị Minh Hường (Hà Tĩnh) làm nghề thương lái quả trám đen nhiều năm trên địa bàn tỉnh, mỗi mùa trám chị gom và xuất bán khoảng vài tấn trám đen. Nhờ có nguồn khách hàng ổn định, công việc này mang lại thu nhập ổn định cho chị mỗi năm: “Sau khi ước tính số lượng của từng cây, tôi sẽ tạm ứng tiền trước cho các hộ trồng, còn những cây có chất lượng tốt, thu mua xong vụ này, họ đặt cọc luôn cho vụ sau để đảm bảo có hàng xuất bán cho khách", chị Hường cho biết.

Món ngon từ quả trám đen.

Trám có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon như món trám đen chấm muối vừng hương vị bùi bùi, đậm đậm, thơm thơm, ăn chỉ có no mà không có chán. Trám đen om đem nhồi thịt hấp, trám kho cá, xôi trám chấm muối vừng… Gần Tết trên phố Hàng Đường (Hà Nội) còn có có món ô mai trám rắc cam thảo, ớt khô rất ngon và lạ miệng. Ô mai trám không quá chua như ô mai sấu, ô mai mơ nên rất đắt hàng và lạ miệng, là món ăn có thể giúp các chị em đổi vị mâm bánh kẹo tết của gia đình.

HÀ ANH