Tại một số địa phương của Ấn Độ có một nghi lễ với mục đích cầu chúc sức khỏe cho những em bé để mang lại may mắn và hạnh phúc cho gia đình. Đó chính là nghi lễ ném trẻ em, đã tồn tại suốt hơn 700 năm và vẫn còn diễn ra cho đến ngày nay.
Nghi lễ này được thực hiện hàng năm, diễn ra ở làng Harangal, Parbhani, tỉnh Maharashtra, Ấn Độ. Những đứa trẻ khi đủ 2 tuổi trở lên sẽ được ném từ trên mái nhà với độ cao 15m so với mặt đất.
Dưới mặt đất, hàng trăm người lớn sẽ đứng và căng tấm chăn để đỡ đứa trẻ. Đứa trẻ sau đó sẽ được trao lại cho cha mẹ của chúng sau khi nghi lễ kết thúc. Việc đứa trẻ la hét, khóc lớn sau khi bị ném sẽ được coi là điều tốt lành.
Mặc dù tiềm ẩn nhiều rủi ro và nguy hiểm khi ném một đứa trẻ từ trên cao xuống dưới. Thế nhưng nghi lễ này đã tồn tại hơn 700 năm qua và chưa ghi nhận bất cứ thương vong nào.
Nghi lễ kỳ lạ và nguy hiểm này tồn tại do vào thời xa xưa, tỷ lệ tử vong của trẻ em ở Ấn Độ ở mức cao. Do đó nhiều người tại các vùng nông thôn của Ấn Độ sẽ tìm tới các nghi lễ mà họ cho rằng có thể bảo vệ con cái của họ khỏi bệnh tật, ốm đau.
Chính vì sự nguy hiểm của nghi lễ này mà nhiều nhà hoạt động vì nhân quyền cũng như chính quyền của một số địa phương đã lên án nghi lễ ném trẻ từ trên cao, thậm chí là xử phạt nếu như cố tình thực hiện.
Những nhà trí thức cho rằng, nghi lễ ném trẻ em phản ánh sự thiếu hiểu biết của con người, đồng thời nó cho thấy sự thiếu tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc y tế thiết yếu của địa phương, khiến cha mẹ không yên tâm khi con cái của mình mắc bệnh.