Người đàn ông nhập viện cấp cứu vì thói quen phổ biến

Bệnh nhân D., nhập viện trong tình trạng nặng nề, tinh thần lơ mơ, kích thích vật vã. Trước lúc vào viện 2 ngày, bệnh nhân có uống rượu nhiều, ăn uống thất thường, không sử dụng thuốc đái tháo đường đúng giờ.

Khoa Cấp cứu - Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng vừa tiếp nhận bệnh nhân P.V.D. (50 tuổi, trú tại huyện Quảng Hòa), nhập viện trong tình trạng nặng nề, tinh thần lơ mơ, kích thích vật vã.

Người nhà cho biết, trước lúc vào viện 2 ngày bệnh nhân có uống rượu nhiều, ăn uống thất thường, không sử dụng thuốc đúng giờ, sau đó nôn nhiều dịch lẫn máu, màu đen. Qua thăm khám lâm sàng và thực hiện các xét nghiệm, bệnh nhân được chẩn đoán: Suy hô hấp, viêm phổi/hôn mê.

uong-ruou-thay-thuoc-dai-thao-duong-nguoi-dan-ong-hon-me-1620347147.jpg
Bệnh nhân D. đang được điều trị tích cực tại BV đa khoa tỉnh Cao Bằng 

Các bác sĩ khoa Cấp cứu cho biết: Bệnh nhân đã được khám, chẩn đoán đái tháo đường đường típ 2, tuy nhiên đã không tuân thủ phác đồ điều trị, đặc biệt có tiền sử nghiện rượu, xơ gan.

Thời gian gần đây bệnh nhân ăn uống không điều độ, sử dụng rượu bia quá nhiều dẫn đến tình trạng xuất huyết tiêu hoá, tiêu chảy mất nước nhiều dẫn đến tình trạng tăng lượng đường huyết đột ngột.

PGS.TS. Tạ Văn Bình - Chủ tịch Hội Người giáo dục bệnh đái tháo đường Việt Nam, nguyên Giám đốc BV Nội tiết Trung ương cho biết, trình độ và kiến thức thực hành về dinh dưỡng của người bệnh đái tháo đường bị thiếu hụt quá nhiều.

Dù đã được nâng cao kiến thức về bệnh đái tháo đường, song, có không ít người bệnh hiểu sai về tầm quan trọng của chế độ ăn uống trong điều trị bệnh, gây hại tới sức khỏe, cơ thể.

Trong khi đó, đái tháo đường không chỉ đơn thuần điều trị bằng thuốc như một số bệnh khác, mà còn có chế độ ăn uống và chế độ tập luyện. Đây là ba chân kiềng của điều trị đái tháo đường, không được xem nhẹ bất kỳ một chân kiềng nào.

Tuy nhiên, nhiều người bệnh đái tháo đường coi thường chế độ ăn uống, hiểu sai do thiếu kiến thức về dinh dưỡng nên có chế độ ăn quá nghiêm khắc hoặc quá bừa bãi, khiến cho họ không điều trị bệnh hiệu quả, đồng thời, mắc thêm các vấn đề khác về mặt sức khỏe thể chất.

Với thâm niên nhiều năm tiếp nhận và điều trị bệnh nhân đái tháo đường, GS. TS Tạ Văn Bình từng gặp không ít những trường hợp tương tự với bệnh nhân mới vào BV Cao Bằng nêu trên. Trong đó có trường hợp mới chỉ 9 tuổi nhưng đã mắc đái tháo đường do sai lầm về chế độ dinh dưỡng.

Theo các chuyên gia, người đang điều trị đái tháo đường cần có chế độ ăn hợp lý, cần kiểm soát lượng đường, tinh bột phù hợp, giảm muối, giảm chất béo, thay vào đó ăn nhiều chất xơ và vitamin.

Tăng cường vận động tập thể dục thường xuyên đẩy lùi biến chứng tim mạch, giúp giảm đường huyết và giảm tính kháng insulin. Giữ trọng lượng cơ thể ở mức vừa phải cũng giúp ngăn ngừa biến chứng tiểu đường hiệu quả. Phải uống thuốc hàng ngày và đúng giờ, đúng liều lượng và khám định kỳ để kiểm soát bệnh.

Không nên sử dụng rượu, bia vì thành phần có chất gây ức chế hình thành glycogen ở gan, tạo điều kiện thuận lợi để mạch máu xuất hiện các cục máu đông lại, không lưu thông bình thường được, đồng thời có thể làm hạ đường huyết ở những bệnh nhân đang dùng insulin hoặc các loại thuốc làm hạ đường huyết, giảm hiệu quả tổng thể của insulin và gây tương tác với một số loại thuốc điều trị. Những loại rượu có chứa thành phần là đường đều có thể làm tăng chỉ số đường huyết hoăc có thể dẫn đến hạ đường huyết nghiêm trọng hoặc sốc insulin, đây là tình trạng cần cấp cứu khẩn cấp.

Ngoài ra, người bệnh không được tự ý đặt chế ăn kiêng chống béo cho mình mà phải do bác sĩ chỉ định hoặc đồng ý. Chế độ ăn, số lượng bữa ăn phụ thuộc vào thuốc uống điều trị, liều lượng và số lần tiêm insulin.

Người bệnh cần lưu ý đảm bảo giữ lịch các bữa ăn, không bỏ bữa dù không muốn ăn; ăn chậm, nhai kỹ; không ăn quá nhiều; loại bỏ thức ăn chứa nhiều mỡ, sử dụng nhiều thức ăn ít năng lượng, ví dụ: rau, nấm khô, dưa chuột… chế biến thức ăn dạng luộc, nấu, tránh thực phẩm chiên, rán, hạn chế ăn mặn, tránh các đồ uống có cồn…

Khi ăn kiêng, người bệnh cần chú ý giảm dần số lượng thức ăn theo thời gian và duy trì chế độ ăn theo lời khuyên của bác sĩ; nên ăn no, đủ chất vào bữa sáng, bữa trưa ăn trung bình và bữa tối ăn nhẹ.

Bổ sung thêm, TS. BS Đỗ Đình Tùng, PGĐ bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, nguyên Phó Viện trưởng viện đái tháo đường và rối loạn chuyển hoá cho biết, việc thay đổi lối sống đóng vai trò quan trọng đối với người đái tháo đường.

Theo đó, thay đổi lối sống bằng cách thực hiện chế độ ăn uống lành mạnh và tăng cường mức độ hoạt động thể lực là phương pháp hiệu quả nhất.

“Chỉ cần 30 phút hoạt động thể lực trung bình mỗi ngày như đi bộ, giảm 7% cân nặng đối với người thừa cân, béo phì sẽ có thể dự phòng được tới 58% số trường hợp phát triển thành bệnh đái tháo đường”, TS. BS Đỗ Đình Tùng nói.

Hiện nay, thế giới hiện có hơn 170 triệu người bị bệnh đái tháo đường. Theo dự báo, năm 2025, sẽ có 330-339 triệu người mắc bệnh đái tháo đường, trong đó tỷ lệ tăng ở các nước phát triển là 42%, các nước đang phát triển là 170%.

Việt Nam vào năm 1990, tỷ lệ mắc bệnh đái tháo đường chỉ ở mức từ 0,9% (Huế) cho đến 2,52% (TP.HCM), nhưng chỉ sau 10 năm, năm 2001 tỷ lệ này ở các thành phố lớn đã là 4,1%, năm 2002 tăng lên 4,4%, chiếm 2,7% dân số. Hiện nay, tỷ lệ người mắc bệnh đái tháo đường đã tăng gấp đôi, là 8-10%, với khoảng 4,5 triệu người, tức là chiếm hơn 5% dân số cả nước. Ước tính đến năm 2025, Việt Nam sẽ có khoảng 7 triệu người mắc căn bệnh này.