Người mẹ tật nguyền giàu nghị lực

Người dân TP.Cà Mau đã quen thuộc với hình ảnh người phụ nữ tật nguyền ngồi bên góc đường bán vé số. Đằng sau hình ảnh ấy, lại là câu chuyện làm lay động lòng người.

Chị tên Lê Thị Lụa, 44 tuổi, quê tại huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang. Chị Lụa đến Cà Mau lập nghiệp từ hơn 5 năm qua. Vì bị dị tật bẩm sinh, không thể làm việc nặng nhọc, ít học, sức khỏe kém nên bán vé số chính là “cần câu cơm” của chị.

Hai chữ “éo le” có thể diễn tả được phần nào cảnh đời của chị Lụa. Trước đây, chị cũng có chồng như bao người phụ nữ khác. Những tưởng đã tìm được bờ vai nương tựa suốt đời. Nhưng số phận nghiệt ngã, người “đầu ấp tay gối” ấy bỏ chị khi chị vừa mới sinh mổ được mấy ngày.

nguoi-me-tat-nguyen-giau-nghi-luc-copy-1622360930.jpg

Vì sức khoẻ yếu, ít học nên chị Lụa không thể tìm được công việc khác ngoài bán vé số kiếm sống qua ngày.

“Lúc ấy, tôi rất suy sụp tinh thần, nhưng vì nghĩ đến đứa con còn đỏ hỏn, tôi đã lấy lại động lực sống cho mình. Khi ấy, ngoài đứa con vừa mới chào đời, trong nhà còn có cha mẹ già nay yếu, mai đau”, chị Lụa chia sẻ.

Khi mổ được 4 tháng, chị đã phải đi bán vé số để sống qua ngày, vừa chăm sóc con nhỏ và chăm lo cho cha mẹ già, gánh nặng kinh tế đè lên đôi vai chị - một người phụ nữ kém may mắn.

nguoi-me-tat-nguyen-giau-nghi-luc-1-1622360963.jpg

Thời gian qua, hình ảnh chị Lụa, một người phụ nữ có thân hình nhỏ nhắn, bên cạnh là cây tó ngồi lên đường bán vé số đã rất quen thuộc với nhiều người.

Không lâu sau đó, cha mẹ chị cũng vì bệnh mà qua đời, hai mẹ con khăn gói vào Cà Mau kiếm sống. Bán vé số vẫn là công việc chính và duy nhất của chị. Mọi chi tiêu hằng ngày, tiền đi học của con đều trông đợi vào những đồng lời ít ỏi từ việc bán vé số.

nguoi-me-tat-nguyen-giau-nghi-luc-4-1622360984.jpg

Con gái chị Lụa tranh thủ giờ nghỉ trưa học bài, chờ đến chiều tiếp tục đến trường vào lớp học.

Con gái chị tên Lê Thuý Hằng năm nay đã 9 tuổi, hiện đang theo học tại trường tiểu học Lạc Long Quân, phường 7, TP.Cà Mau. Sau khi tan trường buổi sáng, vì không có người trông coi nên chị Lụa chỉ có thể cho bé ở gần bên mình, tìm một bóng mát nào đó để con nghỉ trưa, chờ đến chiều tiếp tục đến trường vào lớp học.

nguoi-me-tat-nguyen-giau-nghi-luc-2-1622360969.jpg

Vì bị dị tật bẩm sinh nên việc di chuyển của chị gặp rất nhiều khó khăn.

nguoi-me-tat-nguyen-giau-nghi-luc-3-1622360977.jpg

Chiếc xe máy ba bánh tự chế cũ kỹ là “người bạn” thân thiết theo chị đi qua các cung đường.

Chia sẻ về quãng thời gian tiếp theo, chị Lụa bộc bạch: “Không biết sau này sẽ ra sao, nhưng hiện tại được lao động, kiếm tiền từ chính đôi bàn tay của mình, được ở bên con, chăm lo cho con, nhìn con vui cười, đưa rước con đi học hàng ngày là niềm vui, là lẽ sống của tôi”.

Theo Người Đưa Tin Pháp Luật