Người nào đã tham nhũng thì không bao giờ "lạy ông tôi ở bụi này"!

"Người nào đã tham nhũng thì không bao giờ "lạy ông tôi ở bụi này", họ sẽ tẩu tán tài sản bằng cách cho con cháu đứng tên..."- ĐBQH khóa XIII Nguyễn Bá Thuyền nói.

Tại phiên họp 52 mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo báo cáo công tác nhiệm kỳ 2016-2021 của VKSND Tối cao.

Trình bày báo cáo, Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí nhấn mạnh, trong nhiệm kỳ vừa qua, VKSND đã thể hiện bản lĩnh, quyết tâm chính trị rất cao, tập trung giải quyết các vụ án về tham nhũng, kinh tế. VKSND đã chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ Công an, TAND Tối cao, ban Nội chính Trung ương tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc, thực hiện nhiều giải pháp hữu hiệu nên việc điều tra, truy tố, xét xử thực hiện theo đúng tiến độ của ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đề ra. Cùng với đó, đã kịp thời phát hiện, điều tra, truy tố và xét xử nghiêm minh nhiều vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp; bảo đảm việc xử lý, giải quyết vừa có tính pháp lý, vừa có tính chính trị sâu sắc.

Pháp luật - Người nào đã tham nhũng thì không bao giờ 'lạy ông tôi ở bụi này'!
Viện trưởng VKSND Tối cao Lê Minh Trí.

Trước đây, cơ quan điều tra, VKS, kể cả cơ quan xét xử chỉ tuyên án còn thu hồi được tài sản hay không là của thi hành án. Trong nhiệm kỳ này, ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đã yêu cầu ngay khi khởi tố vụ án, điều tra là phải quan tâm đến thu hồi tài sản. Các cơ quan phải xác định đây là nhiệm vụ chính trị phải phối hợp ngay từ giai đoạn đầu. Chúng ta cũng đã ban hành hàng loạt thủ tục hỗ trợ cho việc này.

Để thu hồi tài sản tham nhũng cũng như góp phần phòng, chống tham nhũng, ông Trí cho rằng, phải ban hành luật Đăng ký tài sản. “Hiện kê khai tài sản chỉ trong hệ thống chính trị thôi nhưng nếu người ta đã tham nhũng thì không bao giờ tự mình đứng tên cả, chỉ để những người ngoài xã hội đứng tên. Bây giờ có những người hơn hai mấy, ba mươi tuổi đã đứng tên những tài sản cả trăm tỷ, nghìn tỷ, chúng ta biết hết nhưng không xử lý được vì quyền sở hữu của công dân chúng ta không đụng vào được”, Viện trưởng VKSND Tối cao nêu thực trạng.

Theo ông Trí, nếu có luật Đăng ký tài sản thì khi đăng ký một tài sản mới mà không chứng minh được nguồn gốc tài sản thì sẽ bị “thăm hỏi” và có cơ sở pháp lý để xử lý. “Và chắc rằng sẽ không còn chỗ ẩn nấp cho nhóm tài sản tham nhũng này”.

Liên quan đến đề xuất của Viện trưởng VKSND Tối cao về việc ban hành luật Đăng ký tài sản sẽ ngăn được tài sản tham nhũng “ẩn nấp” có nhiều luồng ý kiến trái chiều.

Trao đổi với PV Người Đưa Tin Pháp Luật, ĐBQH khóa XIII, nguyên Viện trưởng VKSND tỉnh Lâm Đồng Nguyễn Bá Thuyền thẳng thắn nêu quan điểm: “Không nhất thiết phải có luật Đăng ký tài sản. Nếu ban hành luật đó sẽ phát sinh nhiều vấn đề khác. Thực tế chúng ta không thiếu cơ chế pháp lý để xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, điều quan trọng là chúng ta vận hành cơ chế đó như thế nào, có làm hết trách nhiệm hay không”.

Theo ông Thuyền, việc thu hồi tài sản trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ thấp hơn nhiều so với số tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt và tài sản tham nhũng được ẩn nấp dưới nhiều hình thức khác nhau. "Người nào đã tham nhũng thì không bao giờ "lạy ông tôi ở bụi này", họ sẽ tẩu tán tài sản bằng cách cho con cháu đứng tên hoặc chuyển hóa bằng một cách thức nào đó. Chính vì vậy việc kê khai tài sản cần minh bạch, làm đến nơi đến chốn", ông Thuyền nói.

Theo ông Bùi Văn Xuyền - Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội cho rằng, đăng ký tài sản liên quan tới kiểm soát thu nhập, tài sản của công dân. Đăng ký tài sản nghĩa là thừa nhận sự tồn tại hợp pháp của tài sản đó, nếu thực hiện việc này thì người dân được bảo vệ quyền sở hữu tài sản của họ nếu xảy ra tranh chấp.

Thực tế, có nhiều người có những tài sản lớn nhưng không rõ nguồn gốc. Trong khi đó, theo quy định luật hiện hành thì chủ sở hữu không có nghĩa vụ phải chứng minh, vì vậy rất khó trong việc truy nguồn gốc tài sản. Điều này nảy sinh ra vấn đề, nếu tài sản đó hình thành từ việc làm không hợp pháp (rửa tiền, tham nhũng, buôn lậu…) được các đối tượng “đổ” vào bất động sản thì lại trở thành hợp pháp. Đây là kẽ hở để cho nhiều kẻ tìm cách lách, khiến cho cơ quan chức năng rất khó xử lý những tài sản bất minh.

“Theo tôi, trong công tác phòng chống tham nhũng, khi đã có quy định đăng ký tài sản sẽ ngăn chặn thực trạng tài sản tham nhũng được “cất giấu” dưới các hình thức tinh vi. Tuy nhiên, đăng ký tài sản không có nghĩa là vi phạm quyền sở hữu tài sản của cá nhân, bởi khi đăng ký nếu là tài sản hình thành hợp pháp, công dân sẽ được bảo vệ bí mật và nếu xảy ra tranh chấp thì sẽ được pháp luật bảo vệ”, Ông Xuyền nêu quan điểm.